Thứ Năm, 05/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

15/10/2017 00:00 3640
Điểm: 3.5/5 (2 đánh giá)
Vị trí, vai trò của di tích lịch sử Ngục Kon Tum
1.Vị trí, vai trò của di tích lịch sử Ngục Kon Tum

Ngục Kon Tum do thực dân Pháp xây dựng đầu thế kỷ XX, một thời được ví là “địa ngục trần gian”, nơi nổi danh là rừng thiêng, nước độc, nơi giam giữ và đọa đầy hơn 500 chiến sĩ cách mạng (phần lớn là tù chính trị bị bắt trong cao trào cách mạng Xô Viết – Nghệ Tĩnh 1930-1931). Trong đó, có nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà hoạt động cách mạng tiêu biểu như: Hồ Tùng Mậu, Ðặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Trịnh Quang Xuân, Võ Trọng Bành, Trương Quang Trọng, Ngô Ðức Ðệ, Lê Văn Hiến…

Vì thế, Ngục Kon Tum là biểu hiện sinh động cho ý chí, nghị lực, lòng quả cảm của các chiến sĩ cách mạng. Tại đây, thực dân Pháp đã thi hành những chính sách cực kỳ dã man, tàn bạo với nhiều thủ đoạn xảo quyệt và độc ác. Nơi đây đã chứng kiến tinh thần đấu tranh của tù chính trị - những chiến sĩ cách mạng với ý chí kiên cường, bất khuất, không run sợ trước kẻ thù mà tiêu biểu là cuộc “Đấu tranh lưu huyết” và cuộc “Đấu tranh tuyệt thực” vào tháng 12/1931.

Chính sách đối xử hà khắc và những âm mưu thâm độc của nhà tù thực dân không những không dập tắt được lòng yêu nước, chí khí kiên cường của những người cộng sản, trái lại đã thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh, tôi luyện ý chí gang thép của họ. Nhà tù thực dân trở thành trường học cách mạng để những người cộng sản lớp trước đào tạo, rèn luyện cho những chiến sỹ cách mạng đàn em về lý tưởng cộng sản, lý luận Mác - Lênin, về đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới, về phẩm chất của những người Cộng sản…

Đặc biệt, trong những thời khắc lịch sử đầy khó khăn, gian khổ đó, ngày 25 tháng 9 năm 1930, chi bộ Đảng Ngục Kon Tum được thành lập do đồng chí Ngô Đức Đệ làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên ra đời ở Kon Tum và ngày này đã trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Kon Tum.

Mô hình Nhà ngục Kon Tum trưng bày trong Phòng truyền thống tại Khu di tích Ngục Kon Tum.

Di tích Ngục Kon Tum đã trở thành biểu tượng hết sức tự hào của tỉnh Kon Tum và cả nước, mỗi năm đón hàng vạn khách trong và ngoài nước viếng thăm. Nơi đây đã thực sự là địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

2. Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích Ngục Kom Tum

Với vai trò, ý nghĩa, giá trị lịch sử quan trọng đó, thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước và tỉnh Kon Tum đã hết sức quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu, tư liệu hóa, xây dựng và từng bước thực hiện các hạng mục tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích này.

Năm 1988, Ngục Kon Tum được công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và từng bước được đầu tư tôn tạo với một số hạng mục như: Nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, cụm tượng đài “Bất khuất” và hai ngôi mộ tập thể - nơi yên nghỉ của những người tù chính trị bị thực dân Pháp đàn áp trong hai cuộc đấu tranh Lưu huyết và Tuyệt thực.

Tuy nhiên, những kết quả nói trên vẫn mới chỉ là bước đầu và ở mức độ khiêm tốn, chưa chú ý nhiều đến yếu tố bảo tồn di tích gốc. Hệ thống tư liệu, hình ảnh, hiện vật phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu khách tham quan còn hạn chế; công tác quy hoạch và kinh phí đầu tư cho khu di tích còn nhiều khó khăn, bất cập nên chưa phát huy hết giá trị của di tích…

Do những thăng trầm của lịch sử, cùng với năm tháng chiến tranh, sự khắc nghiệt của khí hậu nên hầu hết các hạng mục của di tích Ngục Kon Tum chỉ còn là những địa danh, dấu tích nền móng và được lưu lại không nhiều trong phim, ảnh tư liệu, hồi ký, ký ức của những nhân chứng lịch sử.

Vì thế, chúng tôi cho rằng, việc tiếp tục nghiên cứu, xác định vị thế và định hướng bảo vệ, phát huy khu di tích Ngục Kon Tum đã, đang là nhu cầu bức thiết, là việc làm hết sức ý nghĩa nhằm góp phần vào việc bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống cách mạng của Đảng và nhân dân ta, tạo cơ sở và động lực cho sự phát triển của đất nước trong bối cảnh mới.

3.Một số đề xuất, kiến nghị

Bảo tàng Lịch sử quốc gia (được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam) là bảo tàng đứng đầu hệ thống bảo tàng Việt Nam, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn được giao trọng trách bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các bảo tàng, di tích, nhà trưng bày trên toàn quốc. Trong 60 năm qua, Bảo tàng đã tham gia đã hướng dẫn, giúp đỡ về nội dung và nghiệp vụ cho hàng trăm bảo tàng, di tích của các tỉnh, thành phố, Bộ, ngành trong cả nước, trong đó có các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu như: Pắc Bó (Cao Bằng), Định Hóa (Thái Nguyên), Tân Trào (Tuyên Quang), Nhà tù Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), Nhà tù Sơn La…

Từ vị trí, ý nghĩa và thực trạng hoạt động tôn tạo, phát huy giá trị di tích Ngục Kon Tum, với vai trò, kinh nghiệm trong hoạt động của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng tôi xin trao đổi, đề xuất một số định hướng, yêu cầu và giải pháp trong việc phục hồi, tôn tạo, phát huy di tích lịch sử Ngục Kom Tum như sau:

3.1. Một số yêu cầu, định hướng:

- Thực hiện nghiêm túc quy trình phục dựng di tích (theo Luật DSVH): nghiên cứu, sưu tầm thu thập tài liệu, hiện vật, xây dựng hồ sơ khoa học cho di tích, phục dựng và phát huy.

Theo Hiến chương Quốc tế về bảo tồn và trùng tu di tích và di chỉ, thông qua tại Venice vào năm 1964, được tổ chức ICOMOS chấp nhận năm 1965, thì “…mục đích của tu bổ là bảo tồn và làm lộ ra giá trị thẩm mỹ và lịch sử của di tích, và phải dựa trên cơ sở tôn trọng vật liệu gốc và các cứ liệu xác thực…” (Điều 9).Trong quá trình lập kế hoạch, thiết kế việc tôn tạo, phục dựng di tích này, cần: khảo cứu đầy đủ, có hệ thống, sưu tầm, xây dựng hồ sơ khoa học, trùng tu và duy trì mâi mãi những giá trị nguyên gốc của di tích - đó là định hướng đúng, phù hợp với khoa học hiện đại, phù hợp với khả năng thực tế.

Tượng đài “Bất khuất” và Nhà tưởng niệm tại Khu di tích Ngục Kon Tum

- Bên cạnh đó, việc phục dựng cần đảm bảo: tính xác thực lịch sử, tính khoa học...

3.2. Những việc cần triển khai:

- Tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, điều tra sưu tầm các tư liệu, hiện vật có liên quan tới di tích Ngục Kon Tum, trong đó đặc biệt lưu ý việc xác minh để tư liệu hóa các địa điểm lịch sử tại khu di tích; chú trọng việc sưu tầm, tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể và những di vật, tài liệu có giá trị hiện đang do các cá nhân lưu giữ.

- Xây dựng và triển khai các dự án tu bổ, phục hồi các công trình, hạng mục di tích tiêu biểu.

- Triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc, phòng chống cháy, hệ thống đường giao thông nối liền và hệ thống đường nội bộ tại các địa điểm di tích.

- Từng bước phục hồi môi trường thiên nhiên và cảnh quan lịch sử tại quần thể di tích.

- Tổ chức việc dựng bia, biển thuyết minh, chỉ dẫn tại các di tích và địa điểm di tích tiêu biểu liên quan, cải tạo, nâng cấp nhà trưng bày bổ sung di tích.

- Chú trọng việc đầu tư bảo vệ và khai thác các di sản văn hóa truyền thống, bao gồm các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc ở địa phương, đặc biệt là các buôn làng, các nghề thủ công truyền thống, các dịch vụ du lịch.

3.3. Một số giải pháp:

Vấn đề phục hồi tôn tạo nhằm gìn giữ, phát huy giá trị di tích là một nhu cầu cấp thiết, song về phương diện kỹ thuật nghiệp vụ đang còn tồn tại nhiều quan khác nhau. Tuy nhiên, các giải pháp đó không thể tách rời không gian, kiến trúc địa lý, môi trường và các chính sách.

- Một là, sắp xếp theo thứ tự các hạng mục: Trong một quy hoạch tổng thể, bao giờ cũng chọn ra những vấn đề trọng tâm và cốt lõi, chúng tôi thấy trong quá trình triển khai phục hồi, tôn tạo cần xếp theo thứ tự các hạng mục ưu tiên: Những công trình nào tiêu biểu về sự kiện lịch sử, có đầy đủ tư liệu đồng thời có thể khai thác phát huy ngay được thì tiến hành triển khai trước.

Trong 3 giải pháp phục hồi, trùng tu, tôn tạo, nếu đã chuẩn bị hoàn tất về mặt nội dung và đồng bộ về mặt kinh phí thì có thể tiến hành song song, hoặc xen kẽ, hoặc gối nhau, nhưng trong thực tế không mấy khi có đủ các điều kiện đó cùng một lúc. Vì vậy, theo chúng tôi, ở công trình này cần ưu tiên cho nhiệm vụ phục hồi trùng tu trước để thấy lại diện mạo phần nào của các trại giam Ngục Kon Tum, các nhiệm vụ khác cần tiến hành những bước chuẩn bị tiếp theo.

Trong các hạng mục dự kiến phục hồi cần nghiên cứu đầy đủ tư liệu: Sự kiện, địa điểm, kiểu dáng kiến trúc và chất liệu. Phần này, theo chúng tôi cần ưu tiên phục hồi "chòi gác", “Nhà giam lớn” - với đầy đủ nội thất (4 sạp rộng và 4 hàng cùm sừng sững…) và cảnh quan của kiến trúc giống như di tích vốn có trước đây. Chỉ nên phục hồi 1 nhà giam để giúp du khách hình dung sự giam cầm, chịu đựng nhục hình của các tù chính trị ở Ngục Kon Tum, hơn là phục hồi cả hai nhà giam mà tính thông tin ít, lại tốn kém kinh phí phục dựng, trông coi, bảo dưỡng hàng năm.

- Hai là, tập trung đầu tư cho nhà trưng bày bổ sung di tích: Đặc điểm hiện trạng di tích lịch sử Ngục Kon Tum là các di tích gốc đã bị tàn phá rất nhiều. Để du khách hiểu rõ diện mạo và nội dung lịch sử, tội ác của thực dân Pháp và tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nơi đây, ngoài nhiệm vụ trùng tu phục hồi thì nhiệm vụ tôn tạo là cần thiết và hết sức quan trọng nhằm tạo ra sự hấp dẫn thu hút khách đến với di tích. Những hạng mục công trình đã dự kiến tôn tạo, theo chúng tôi nên tập trung đầu tư cho nhà trưng bày bổ sung cho di tích, cụ thể:

- Trưng bày bổ sung di tích Ngục Kom Tum cần giới thiệu, phản ánh được ba nội dung:

+ Bối cảnh lịch sử của di tích (làm cho di tích được đặt trở lại trong không gian và thời gian lịch sử của nó).

+ Những sự kiện chủ yếu diễn ra ở di tích.

+ Những tác động của những sự kiện từ di tích đối với lịch sử, đời sống, xã hội… của Kon Tum, khu vực và đất nước.

Trưng bày trong Phòng truyền thống tại Khu di tích Ngục Kon Tum.

- Kiến trúc nhà trưng bày cũng cần được thiết kế cho hài hòa với không gian di tích, tránh gây lấn át và phá vỡ cảnh quan di tích.

- Về giải pháp trưng bày, kinh nghiệm của chúng tôi là nên lựa chọn giải pháp phù hợp với xu thế thời đại: cập nhật, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ; sử dụng các tác phẩm nghệ thuật, tài liệu khoa học phụ một các hợp lý để trưng bày hiệu quả, hấp dẫn khách tham quan.

Ba là, phát huy giá trị di tích lịch sử Ngục Kon Tum

Mặc dù đây là loại hình di tích được Đảng, Nhà nước và ngành Văn hóa quan tâm, nghiên cứu và xếp hạng rất sớm, song do hình thức, tính chất đặc thù của loại hình di tích này nên việc nhận diện, kiểm kê một cách toàn diện, hệ thống và phát huy giá trị lịch sử cách mạng to lớn mà di tích chứa đựng là hết sức khó khăn và còn hạn chế. Để phát huy, khai thác hiệu quả giá trị của di tích, chúng ta cần triển khai, phối hợp nhiều phương thức tuyên truyền, giáo dục như:

- Quan tâm, nâng cao chất lượng thuyết minh, giới thiệu tại di tích.Chủ động tổ chức các cuộc nói chuyện về di tích, về các anh hùng liệt sĩ tiêu biểu đã từng bị giam cầm, đầy ải tại Ngục Kon Tum, tại các trường học cũng như tổ chức dạy học lịch sử địa phương tại di tích.

Nhân dân và du khách viếng thăm khu di tích Ngục Kon Tum.

-Tổ chức lễ dâng hương, các sự kiện chính trị, văn hóa trọng đại của tỉnh và vùng tại di tích.

- Tổ chức trưng bày lưu động phục vụ nhân dân ở những nơi khó có điều kiện tới thăm quan di tích.

- Xây dựng các phóng sự, chuyên đề ngắn về di tích để tuyên truyền, thông tin trên các phương tiện truyền thông.

-Tổ chức các Lễ kết nạp đoàn, đội; Lễ tuyên thệ cho các chiến sĩ chuẩn bị nhập ngũ; Lễ báo công của các tổ chức đoàn thể trong tỉnh…

Trên đây là một số ý kiến bước đầu của chúng tôi về việc bảo vệ, phục hồi, tôn tạo và phát huy khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng trong tương lai, khu di tích lịch sử cách mạng đặc biệt này sẽ thực sự là một địa chỉ đỏ có ý nghĩa to lớn trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, tương xứng với vị thế, tầm vóc của nó trong lịch sử dân tộc và là một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đến thăm Kon Tum.

Ths. Nguyễn Hoài Nam

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Hoạt động khảo cổ học của BTLSQG: Mùa điền dã năm 2016 - 2017

Hoạt động khảo cổ học của BTLSQG: Mùa điền dã năm 2016 - 2017

  • 26/09/2017 00:00
  • 1668

Trong mùa điền dã 2016 - 2017, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, khai quật khảo cổ học trên các địa bàn khác nhau, thuộc các thời kì lịch sử khác nhau, với mục tiêu chung là đóng góp tư liệu cho việc nghiên cứu lịch sử dân tộc, góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa của nước nhà. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày khái quát kết quả mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã đạt được trong mùa điền dã này.