Trong mùa điền dã 2016 - 2017, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, khai quật khảo cổ học trên các địa bàn khác nhau, thuộc các thời kì lịch sử khác nhau, với mục tiêu chung là đóng góp tư liệu cho việc nghiên cứu lịch sử dân tộc, góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa của nước nhà. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày khái quát kết quả mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã đạt được trong mùa điền dã này.
Trong mùa điền dã 2016 - 2017, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, khai quật khảo cổ học trên các địa bàn khác nhau, thuộc các thời kì lịch sử khác nhau, với mục tiêu chung là đóng góp tư liệu cho việc nghiên cứu lịch sử dân tộc, góp phần bảo tồn giá trị di sản văn hóa của nước nhà. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày khái quát kết quả mà Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã đạt được trong mùa điền dã này.
1.Khai quật di tích Động Bà Hòe (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận)
Nhằm thu thập thêm nguồn tư liệu cho công tác nghiên cứu và trưng bày giai đoạn Tiền - sơ sử trên địa bàn Nam Trung Bộ, từ tháng 6 cho đến tháng 9 năm 2016, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã tiến hành khai quật di tích Động Bà Hòe, thuộc xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Qua 5 hố khai quật và thám sát với tổng diện tích khoảng 324m2, các nhà khảo cổ đã làm xuất lộ tầng văn hóa trung bình từ 0,5m đến 0,8m cùng với một khối lượng lớn di tích và di vật, góp phần đem lại nhận thức mới về bức tranh thời tiền - sơ sử Bình Thuận nói riêng và Nam Trung Bộ nói chung.
Di tích mộ táng xuất lộ trong hố khai quật H3.
Di tích tìm được gồm có 43 mộ táng, gồm hai loại hình là mộ nồi (16 mộ) và mộ đất (27 mộ). Mộ được chôn trong tầng văn hóa, độ sâu trung bình khoảng 60 - 70 cm so với lớp đất mặt, cá biệt có một số mộ xuất lộ rất nông, chỉ khoảng 10 - 20 cm. Cũng có một số mộ được chôn sâu xuống sinh thổ. Ở cả mộ đất và mộ nồi đều có chôn theo những hòn cuội, một số mộ nồi còn có hiện tượng kè đá ở đáy mộ. Nhiều trường hợp mộ nồi nằm ở trên còn mộ đất nằm ở phía dưới. Đồ tùy táng chôn theo chủ yếu là đồ đá và đồ gốm, loại hình chủ yếu là công cụ sản xuất như rìu, cuốc, dọi se chỉ hay các loại đồ dùng sinh hoạt như nồi, bình, bát bồng, cốc. Chỉ có hai mộ chôn theo hạt chuỗi thủy tinh màu da cam.
Các nhà khảo cổ đang trao đổi trên công trường.
Bên cạnh những mộ táng nói trên, các nhà khảo cổ còn tìm được 4 cụm đá, phát trong đó 3 cụm là những hạch đá nằm tập trung, cụm còn lại là tập hợp của rất nhiều mảnh tước.
Di vật thu được trong tầng văn hóa chủ yếu là đồ đá và đồ gốm. Tuy chưa chỉnh lý chi tiết nhưng qua nghiên cứu sơ bộ có thể thấy đồ đá ở đây có các loại hình như: công cụ ghè đẽo, bàn mài, hòn ghè, hòn kê, hạch đá, mảnh tước, phác vật... Đó là những tín hiệu cho thấy đây có thể là một công xưởng chế tác đá của người xưa, mà sản phẩm chế tác có thể là vòng tay. Đồ gốm chủ yếu là các mảnh vỡ của các loại đồ nấu, đồ đựng dùng trong sinh hoạt như nồi, bình, bát bồng.
Qua kết quả khai quật, các nhà khảo cổ cho rằng di tích Động Bà Hòe có tính chất là một khu cư trú - sản xuất - mộ địa, có niên đại trong khoảng 3.500 - 2.500 năm BP. Di tích này có những nét gần gũi với các di tích ở Đông Nam Bộ như Dốc Chùa, Đa Kai hay An Sơn, Lộc Giang. Bên cạnh đó, yếu tố của văn hóa Xóm Cồn ở miền Trung cũng hiện diện tại di tích này.
2.Khai quật di tích thành cổ Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh)
Đợt khai quật này được thực hiện trong khuôn khổ chương trình hợp tác 5 năm (2014 - 2019) giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Việt Nam) và Đại học Đông Á (Nhật Bản. Tiếp nối hai đợt khai quật 2014 và 2015, từ cuối tháng 11/2016 đến tháng 1/2017, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Đại học Đông Á đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch Bắc Ninh tiến hành khai quật di tích thành cổ Luy Lâu lần thứ ba.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu của năm 2014 và 2015, trong đợt này các nhà khảo cổ tập trung khai quật ở khu vực phía tây thành Luy Lâu để tìm hiểu vết tích tường thành Nội. Kết quả trong các hố đào cho thấy thành Nội được xây dựng vào khoảng thế kỷ 3 - 4 (cuối Đông Hán đầu Lục triều). Có lẽ thành Nội tồn tại đến thời Nam triều đã dần bị phá bỏ, về sau đến thời Đường trong khu vực thành Nội đã có sự san phẳng mặt bằng với qui mô rộng lớn, san bạt tường luỹ của thành Nội và phần ngoại hào.
Kết quả khai quật năm 2016 đã định hình được vị trí và quy mô của tường thành Nội trên cơ sở tiếp nối các kết quả của hai năm trước. Tuy dấu tích tường thành không thực sự rõ ràng nhưng đã xác định được dấu vết ngoại hào của thành Nội, độ rộng của hào dao động từ 6 - 13m, sâu từ 1,4 - 1,8m.
Diễn biến địa tầng và dấu vết ngoại hào thành nội xuất lộ trong hố T7.
Về di vật, đợt khai quật năm 2016 đã thu được một số lượng lớn hiện vật, rất phong phú về loại hình và chất liệu, bao gồm vật liệu kiến trúc gạch ngói, gốm, gốm men niên đại từ thế kỷ thứ 1 TCN đến thế kỷ 19. Trong đó, các di vật gạch, ngói có nhiều loại hình và hoa văn rất đa dạng, đặc biệt như là đầu ngói mặt hề hay các loại gạch có hoa văn hình học... vật liệu kiến trúc ở đây được sản xuất tại bản địa có tiếp thu kỹ thuật từ Trung Quốc.
Tóm lại, kết quả của đợt khai quật này đã góp phần làm sáng tỏ các vấn đề còn tồn nghi của hai đợt trước đó, từng bước khôi phục lại diện mạo của thành cổ Luy Lâu xưa. Sự phong phú và đa dạng về di tích và di vật cho thấy Luy Lâu là một trung tâm chính trị, văn hoá lớn, tiêu biểu trong nghiên cứu lịch sử giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên tại Việt Nam, của khu vực Đông Á và còn nắm giữ vai trò quan trọng trong lịch sử châu Á cổ đại.
3.Khai quật di tích đền, chùa Hả (Lục Ngạn, Bắc Giang)
Nhằm mục đích bổ sung tư liệu minh chứng cho lịch sử hình thành, phát triển và truyền thống văn hóa, lịch sử thời Lý - Trần trên vùng đất Bắc Giang, đồng thời làm rõ thêm những tư liệu lịch sử liên quan đến một số danh nhân, nhân vật lịch sử gắn liền với những sự kiện diễn ra trên địa bàn huyện Lục Ngạn thời Lý - Trần, từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2016, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã phối hợp tiến hành nghiên cứu, thám sát và khai quật khảo cổ tại khu di tích đền, chùa Hả, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Trong phạm vi hơn 100m2 thám sát và khai quật, kết quả đã làm rõ diễn biến địa tầng của di tích, làm xuất lộ nhiều dấu vết nền móng kiến trúc và thu thập được số lượng đáng kể các loại hình di vật, góp phần làm sáng tỏ hơn, đầy đủ hơn lịch sử hình thành, quá trình xây dựng và biến đổi của khu di tích đền, chùa Hả.
Tại khu vực đền Hả, qua các hố đào đã xác định có hai lớp kiến trúc thuộc hai giai đoạn sớm muộn khác nhau, đó là lớp kiến trúc thời Trần và lớp kiến trúc thời Nguyễn.
Tại khu vực chùa Thiên Đài, qua nghiên cứu tính chất, kết cấu, vật liệu… của các vết tích kiến trúc xuất lộ trong các hố thám sát, có thể cho biết đây là các vết tích của cùng một đơn nguyên kiến trúc (chùa?) được xây dựng vào giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX và bị triệt giải vào khoảng những năm 1929 - 1930 khi dịch chuyển và xây dựng chùa Thiên Đài tại vị trí hiện nay.
Vết tích móng bó thời Trần tìm thấy trong hố khai quật.
Dấu vết nền móng kiến trúc Hậu cung thời Nguyễn.
Về di vật, qua các hố đào, các nhà khảo cổ đã thu được một khối lượng hiện vật khá phong phú, gồm 3 nhóm cơ bản, đó là: nhóm vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc, nhóm đồ sành và gốm sứ , nhóm đồ kim loại. Các loại hình di vật này cung cấp thêm những thông tin hữu ích cho việc đoán định niên đại, xác định tính chất, quy mô và kết cấu kiến trúc, đồng thời cũng bổ sung thêm số lượng hiện vật để trưng bày, giới thiệu và phát huy giá trị ở Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và tại khu di tích.
Theo các nhà khảo cổ, kết quả của đợt khai quật này đã góp thêm những tư liệu khoa học chân xác, làm tăng giá trị lịch sử, văn hóa vốn có của di tích. Bộ sưu tập hiện vật thu được đã góp phần làm sáng rõ hơn những vấn đề lịch sử của di tích, bổ sung những mảng hiện vật còn trống thiếu cho trưng bày của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, cũng sẽ có một số lượng nhất định các loại hình di vật có thể phát huy trưng bày ngay tại di tích, giúp ích cho công tác giới thiệu, quảng bá và tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương, là giáo cụ trực quan, sinh động để các thế hệ con em trong vùng hiểu biết về truyền thống vẻ vang cha ông.
4.Bên cạnh các hoạt động khai quật khảo cổ học trên đây,Bảo tàng Lịch sử Quốc gia còn phối hợp với Viện nghiên cứu Di sản Biển của Hàn Quốc tiến hành khảo sát các thương cảng cổ ở miền Trung; phối hợp với bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu khảo sát các di tích khảo cổ ở Bà Rịa - Vũng Tàu; phối hợp với Bảo tàng Trà Vinh, Bảo tàng Vĩnh Long, Bảo tàng Long An khảo sát một số di tích Óc Eo trên địa bàn miền Tây Nam Bộ. Kết quả của các đợt khảo sát này chính là cơ sở để Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lập các kế hoạch nghiên cứu trong thời gian tới.
Khảo sát di tích Gò Thanh Phong (Tân Hưng, Long An).
Trên đây là những nét khái quát về hoạt động khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong mùa điền dã vừa qua. Những hoạt động này cũng đã đóng góp ít nhiều tư liệu cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá của dân tộc, cho việc trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản. Hy vọng rằng, trên cơ sở mùa điền dã này, trong mùa điền dã tới, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ có nhiều đóng góp hơn nữa trong công cuộc nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc./.
Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm