Từ chỗ là các sưu tập được cất giữ để tích trữ vì giá trị tiền tệ của hiện vật, hoặc là những sưu tập hiện vật lạ được sưu tầm vì tính quí hiếm, độc nhất vô nhị, bảo tàng đã ra đời, phát triển, theo nghĩa rộng nhất “ Là cơ quan được ủy thác gìn giữ các tài sản của con người và vì lợi ích trong tương lai của loài người. Giá trị của nó là ở sự phục vụ xứng đáng cho đời sống cảm xúc và tinh thần của loài người…” [1]
Từ chỗ là các sưu tập được cất giữ để tích trữ vì giá trị tiền tệ của hiện vật, hoặc là những sưu tập hiện vật lạ được sưu tầm vì tính quí hiếm, độc nhất vô nhị, bảo tàng đã ra đời, phát triển, theo nghĩa rộng nhất “ Là cơ quan được ủy thác gìn giữ các tài sản của con người và vì lợi ích trong tương lai của loài người. Giá trị của nó là ở sự phục vụ xứng đáng cho đời sống cảm xúc và tinh thần của loài người…” [1]
Cùng với quá trình phát triển lịch sử, bảo tàng có một vai trò ngày càng lớn trong xã hội, chức năng của bảo tàng luôn được bổ sung, đáp ứng các nhu cầu xã hội. Ngày nay, bảo tàng đa dạng về loại hình, tính chất, quy mô, hình thức tổ chức nhưng vẫn thực hiện các chức năng mang tính truyền thống và các chức năng mới. Mặc dù còn tồn tại một số quan điểm khác nhau, nhưng cơ bản các quan điểm đều thống nhất bảo tàng có các chức năng xã hội sau: chức năng nghiên cứu khoa học, chức năng giáo dục khoa học, chức năng bảo tồn di sản văn hóa, chức năng tài liệu hóa khoa học, chức năng thông tin, chức năng giải trí và hưởng thụ văn hóa. Trong đó, nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học là hai chức năng cơ bản thường được nhắc đến.
Với sự thay đổi về nhận thức từ chỗ bảo tàng lấy hiện vật làm trung tâm sang lấy cộng đồng xã hội làm trung tâm, vai trò giáo dục trong bảo tàng ngày càng được coi trọng, tác động mạnh mẽ, tích cực đến các hoạt động khác của bảo tàng. Nó được coi là cơ sở xác lập chiến lược hoạt động phát triển của mỗi bảo tàng, đồng thời, căn cứ vào thế mạnh, đặc điểm riêng biệt và chức năng của mỗi bảo tàng cụ thể để đa dạng hóa các hình thức hoạt động phục vụ nhu cầu chính đáng của công chúng.
Ngày nay, hoạt động truyền bá tri thức - giáo dục của bảo tàng không còn là sự chuyển giao một chiều từ người giáo dục (hướng dẫn, thuyết minh viên) sang người được giáo dục (khách tham quan) mà là sự trao đổi hai chiều, tác động ảnh hưởng lẫn nhau. Người ta không chỉ quan tâm đến việc bảo tàng “dạy” gì cho công chúng, mà quan trọng hơn là “công chúng học bằng cách trải nghiệm như thế nào”. Ở đây, công chúng là người học “chủ động” chứ không còn là người nghe “thụ động” nữa. Công chúng được tiếp cận nhiều chiều để tự rút ra những trải nghiệm, tự đúc kết những bài học, những kiến thức mới cho mình.
Học sinh trường THCS Marie Cuire tham quan BTLSQG ngày 13-3-2018 (Ảnh Nguyễn Hưng)
Ở các nước có ngành Bảo tàng phát triển, hầu hết các bảo tàng đều có trung tâm, phòng hoặc bộ phận chuyên trách hoạt động giáo dục. Các cán bộ giáo dục có một vai trò rất quan trọng, họ là những người được đào tạo, có sự hiểu biết về bảo tàng và các sưu tập bảo tàng, có nhiệm vụ giúp công chúng - đặc biệt là trẻ em, học và sử dụng bảo tàng. Họ ngày càng được tham gia tích cực hơn vào quá trình tổ chức trưng bày, trực tiếp tham gia vào việc xây dựng ý tưởng, chủ đề, nội dung, giải pháp trưng bày... tức là các khâu quan trọng nhất của công tác tổ chức triển lãm hiện vật bảo tàng.
Học sinh Trường THCS Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội chơi trò đập niêu trong một “Giờ học Lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tháng 11/2017
Các chương trình giáo dục được thiết kế cho từng đối tượng riêng biệt như người lớn, trẻ em, thanh niên, sinh viên, giáo viên, người cao tuổi, nhóm gia đình, nhóm người thiệt thòi (khiếm thính, khiếm thị, dị tật...) Hình thức của các hoạt động giáo dục cũng rất đa dạng: Các chương trình tham quan theo chủ đề, triển lãm chuyên đề, các lớp học ngắn hạn, lớp học nâng cao, các cuộc thi, các trò chơi tập thể, tổ chức các sự kiện văn hóa- nghệ thuật… . Phương châm của các chương trình hoạt động trong bảo tàng là hấp dẫn, bổ ích, niềm vui và sáng tạo.
Về cơ bản các chương trình giáo dục của bảo tàng đều xây dựng theo chủ đề gắn với các bộ sưu tập của bảo tàng, tuy nhiên, căn cứ vào nhu cầu của công chúng, các hoạt động giáo dục còn mở rộng ra các lĩnh vực khác như: triết học, văn học, thời trang, diễn kịch hoặc các nội dung có tính thực tiễn gắn với đời sống đương đại. Đến bảo tàng, trẻ em được học vẽ, sáng tác truyện tranh, hoạt hình, chụp ảnh, quay phim và tự làm những phim ngắn; có thể đăng ký những lớp học làm vườn, làm đồ thủ công, nấu ăn, làm bánh ... Nhiều câu lạc bộ đã được thành lập tại bảo tàng để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, giao tiếp theo nhóm rất hiệu quả.
Học sinh trường THCS Marie Cuire nghe thuyết minh tại hệ thống trưng bày BTLSQG
ngày 13-3-2018 (Ảnh Nguyễn Hưng)
Về công tác giáo dục ở các bảo tàng Việt Nam
Ở Việt Nam, nhận thức về hoạt động giáo dục của bảo tàng hiện nay cũng đã có những chuyển biến đáng ghi nhận, đó không còn là tuyên truyền - truyền bá một chiều những nội dung được chuẩn bị trước của bảo tàng tới công chúng. Khái niệm “tuyên truyền” dần được thay thế bằng khái niệm “giáo dục”, tức là thay đổi phương pháp tiếp cận để bảo tàng có thể có nhiều hoạt động mang tính giáo dục đa dạng và chất lượng cao hơn nhằm thu hút khách đến với mình và đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Tại các bảo tàng đã hình thành phòng Giáo dục, Giáo dục - Công chúng, Tuyên truyền - Giáo dục hoặc có bộ phận, cán bộ chuyên trách về công tác giáo dục. Cùng với đó là việc tổ chức các hoạt động dành cho công chúng mang tính giáo dục như tổ chức các hoạt động tương tác, trải nghiệm cho các đối tượng (chủ yếu là học sinh) thông qua mô hình phòng Khám phá (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh…).
Học sinh nhóm gia đình tham gia các hoạt động trải nghiệm tại Phòng Khám phá - BTLSQG
Đây là không gian giúp học sinh trải nghiệm, tương tác, trao đổi, thảo luận, học tập, rèn luyện các kỹ năng và thể hiện sự sáng tạo của mình qua các hoạt động học mà chơi, chơi mà học theo hướng giáo dục tích cực. Những hoạt động này gắn với nội dung trưng bày của mỗi bảo tàng và gần gũi với một số môn học tại nhà trường. Ngoài ra, để tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em, các bảo tàng còn tổ chức những sự kiện mang tính tập thể với những trò chơi trí tuệ thu hút sự tham gia đông đảo của các em thiếu nhi nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu... Không thể không nói đến mô hình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” và “Giờ học lịch sử tại bảo tàng” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, mô hình này ra đời từ năm 2007 và nhanh chóng trở thành sân chơi bổ ích, lý thú, lôi cuốn học sinh phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Hoạt động mang tính “tương tác”, lại được tổ chức theo từng chuyên đề, Câu lạc bộ này đã trở thành điểm đến hấp dẫn, tạo cho các em chủ động tìm hiểu vấn đề dựa vào sự gợi mở của giáo viên từ những hiện vật bảo tàng cụ thể sinh động. Điều này đã tạo hứng thú học tập, phát huy tính tích cực và sáng tạo của học sinh, củng cố và bổ trợ kiến thức cho các giờ học nội khóa, tạo môi trường và không khí học tập mới trong môn lịch sử ở trường phổ thông, giúp các em yêu mến, hứng thú, say mê tìm hiểu đối với môn lịch sử ở trường học nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.
Học sinh nghe nhân chứng kể chuyện hiện vật thời kỳ bao cấp trong một “Giờ học Lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ngày 20/10/2016.
Học sinh trải nghiệm xếp hàng thời bao cấp trong chương trình Câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử” chủ đề “Đổi mới- Hành trình của những ước mơ” và “Kim Ngọc- Người tiên phong trong hành trình Đổi mới” tại Bảo tàng Vĩnh Phúc, tháng 10-2017.
Tuy nhiên, cho dù đã có những thay đổi tích cực từ nhận thức cho đến hoạt động như đã nói ở trên (ngoại trừ rất ít) thì nhìn chung các bảo tàng ở Việt Nam vẫn chưa thật sự thu hút được công chúng, đặc biệt là giới trẻ, trong đó sự thiếu hụt, trống vắng các chương trình giáo dục dành cho công chúng tại bảo tàng là một trong những thách thức làm giảm giá trị bảo tàng và vai trò của bảo tàng ở nước ta.
Để thực hiện tốt chức năng giáo dục, nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của bảo tàng trong đời sống xã hội, để bảo tàng thật sự hấp dẫn, thu hút ngày một đông hơn khách tham quan, các bảo tàng cần không ngừng đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động, hướng tới mục tiêu phục vụ công chúng một cách tốt nhất bởi tính giáo dục không chỉ thuộc về những người làm công tác giáo dục. Để tạo được môi trường tốt cho khách tham quan, học tập, các trưng bày của bảo tàng phải hấp dẫn và có tính giáo dục, gắn với nhu cầu của xã hội đương đại, nhu cầu của công chúng. Thông tin về cuộc trưng bày phải được chuyển tới công chúng trước khi họ đến với bảo tàng để họ có sự chuẩn bị trước về những điều sẽ được học. Các bài viết trưng bày phải ngắn gọn, dễ hiểu và khuyến khích người đọc. Bảo tàng phải tạo cho công chúng sự thuận tiện và thoải mái khi đến thăm bảo tàng …
Học sinh tham gia hoạt động “Ai nhanh, ai đúng” - nhảy bao bố lên ghép tranh chủ đề “Đời sống sinh hoạt của người nguyên thủy” trong một “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày 23/1/2018.
Với đối tượng công chúng là thế hệ trẻ học đường, cùng với việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, tạo lập không gian văn hóa thích hợp để học sinh được tham gia hoạt động trải nghiệm, sáng tạo tại bảo tàng, thì sự phối hợp và liên kết chặt chẽ giữa Bảo tàng với ngành giáo dục, đặc biệt là các sở giáo dục, các trường học, chắc chắn sẽ giúp cho các chương trình giáo dục đạt hiệu quả cao hơn.
Và cuối cùng, công tác giáo dục của bảo tàng có đạt được hiệu quả hay không, không thể không nói đến vai trò của các cán bộ giáo dục, để thực sự là cầu nối giữa bảo tàng và công chúng, các cán bộ giáo dục cần tự trau dồi và nâng cao năng lực. Họ cần được đào tạo để trở nên chuyên nghiệp hơn, làm việc có tính sư phạm hơn để có thể xây dựng, tổ chức được những chương trình giáo dục thích hợp với từng đối tượng công chúng khác nhau, bởi giáo dục của bảo tàng không phải chỉ là giáo dục trẻ em mặc dù trẻ em có thể là lượng khách tham quan chính của bảo tàng./.
Ths. Phạm Thị Mai Thủy
[1] Hiệp hội bảo tàng Mỹ (1925) Code of Ethics for Museum Workers, Washington, DC: American Association of Museums.