Thứ Hai, 04/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/05/2018 08:35 1653
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc ứng dụng công nghệ mới là điều tất yếu đối với hoạt động của các bảo tàng.

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc ứng dụng công nghệ mới là điều tất yếu đối với hoạt động của các bảo tàng.

Tiếp nối thành công trong thời gian qua, năm 2018, cộng đồng các bảo tàng trên toàn thế giới sẽ tổ chức Ngày Bảo tàng Quốc tế vào 18/5 với chủ đề được chọn là "Bảo tàng kết nối số: Cách tiếp cận mới, công chúng mới".

Những năm gần đây, ứng dụng công nghệ hiện đại trong bảo tàng đang trở thành công cụ chính để liên kết giữa các bảo tàng và giữa bảo tàng với công chúng. Có thể nói rằng, nó đã và đang trở thành xu thế tất yếu và là một “kênh” quan trọng nhằm truyền tải thông điệp của các bảo tàng và thu hút khách tham quan, đặc biệt là nhóm du khách trẻ tuổi.

Ảnh minh họa. Nguồn: BTLSQG

Thực tế cho thấy, những công nghệ mới phù hợp với cơ sở hạ tầng kỹ thuật của bảo tàng sẽ góp phần mang lại lợi ích bền vững nhằm phát huy giá trị các di sản văn hóa. Ngoài ra, nó còn giúp tạo thêm các kênh đối thoại giữa bảo tàng và công chúng, giữa bảo tàng và các nhà khoa học, các chuyên gia. Không những thế, khoa học công nghệ còn tạo nên khả năng giới thiệu không hạn chế về không gian, thời gian, giúp người tham quan tiếp cận với nguồn tư liệu, hiện vật ở mọi lúc, mọi nơi. Đặc biệt, với các ứng dụng hiện đại ngày nay được trang bị trên các thiết bị số cầm tay như smartphone, ipad…, khách tham quan hoàn toàn chủ động theo nhu cầu của mình.

Nhìn ra thế giới, nhờ ứng dụng công nghệ số, nhiều bảo tàng đã tăng cường giới thiệu hiện vật và thông tin trên internet, qua đó, số lượng khách tiếp cận các bộ sưu tập ngày càng tăng, gắn kết họ với nghệ thuật cũng như bảo tồn di sản. Bảo tàng cũng mở rộng khai thác công nghệ để tiếp cận nhiều nhóm đối tượng mới. Để làm được như vậy, rất nhiều bảo tàng tăng cường số hóa giới thiệu hiện vật trên internet với nhiều ứng dụng cho người dùng; bên cạnh đó, họ còn làm phim về dự án nghệ thuật, về nghệ sĩ, đăng tải trên Youtube; thực hiện các dự án trực tuyến về hội họa hiện đại; tăng cường giới thiệu bảo tàng và gắn kết với cộng đồng qua mạng xã hội…

Ảnh minh họa. Nguồn: twitter

Dẫn chứng cho việc ứng dụng công nghệ mới tại các bảo tàng có thể kể đến như Bảo tàng Brooklyn (New York, Mỹ) sử dụng công nghệ iBeacon; Bảo tàng Cooper Hewitt (New York, Mỹ) có công nghệ màn hình cảm ứng 4K; Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp) có công nghệ trò chơi điện tử Nintendo 3DS trong giới thiệu trưng bày; Bảo tàng Getty (Los Angelles, Mỹ) dựng hình thực; nhà thờ lớn St. Paul’s (London, Anh) ứng dụng đa phương tiện Oculus… Tất nhiên, khi công nghệ ngày càng phát triển, có người lo lắng rằng, khách tham quan sẽ không cần tới bảo tàng nữa, nhưng thực tế luôn chứng minh điều ngược lại. Lượng khách tới các bảo tàng trên không những không giảm sút mà còn tăng lên đáng kể. Ngoài ra, không chỉ thu hút mọi người tới bảo tàng, kỹ thuật số còn giúp công chúng chuẩn bị tâm lý tham gia trưng bày. Ví dụ như mua vé trực tuyến thăm trưng bày Monet, khách hàng không chỉ nhận được vé mà còn có link cài đặt trên smartphone và hình ảnh, nội dung về trưng bày ấy. Khi tới bảo tàng, họ đã có tâm thế sẵn sàng, xác định mình muốn xem gì, giúp chuyến tham quan hiệu quả hơn.

Tại Việt Nam, việc sử dụng internet và các thiết bị công nghệ đã tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng ứng dụng kỹ thuật số tại các bảo tàng còn khá chậm so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong không gian trưng bày, một số bảo tàng đã bố trí thiết bị điện tử hỗ trợ khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu nội dung trưng bày, làm phong phú lượng thông tin và cách thức truyền tải tới du khách. Chương trình tương tác, trình chiếu 3D phục vụ trưng bày và các hoạt động công chúng cũng giúp bảo tàng trong nước tiếp cận xu thế chung của thế giới. Nhiều bảo tàng đã thành lập website nhưng phần lớn có thông tin ít ỏi và không được cập nhật thường xuyên. Dường như nhiều bảo tàng Việt Nam chưa tận dụng khai thác được những lợi ích internet mang lại để quảng bá thông tin, kết nối với khách tham quan.

Một số bảo tàng đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý hiện vật, số hóa hiện vật, nhưng từ đó chuyển sang bảo tàng trực tuyến còn một khoảng cách. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đi đầu trong xây dựng bảo tàng ảo 3D và có lẽ cũng là đơn vị hiếm hoi đang triển khai việc này. Bảo tàng ảo 3D giúp khách tham quan tương tác thông tin sâu hơn, có thể kết nối, tham quan bảo tàng ở mọi lúc mọi nơi. Từ khi bảo tàng thực hiện dự án 3D, lượng khách có xu hướng tăng do khuyến khích sự tò mò của mọi người, thôi thúc họ tới thăm bảo tàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: tuoitre.vn

Căn cứ chủ đề của ICOM năm 2018, Cục Di sản văn hóa và ICOM Việt Nam đã đưa ra một số định hướng tổ chức hoạt động cho các bảo tàng như: Nghiên cứu và phân tích nội dung trưng bày hiện có của bảo tàng để xây dựng nội dung số phù hợp, từ đó tham khảo các công nghệ có thể áp dụng làm tăng tính hấp dẫn của trưng bày hiện có tại bảo tàng; xây dựng các trưng bày chuyên đề lưu động, các trưng bày tương tác và các trưng bày có ứng dụng công nghệ hiện đại; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các chương trình giáo dục hiện có của bảo tàng, đặc biệt là các hoạt động phục vụ trẻ em, học sinh, sinh viên. Nghiên cứu, xác định một nhóm công chúng thường xuyên của bảo tàng để xây dựng các nội dung số thí điểm và nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin cho phù hợp; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông của bảo tàng; quan tâm tới các nội dung truyền thông số trên các ứng dụng website, mạng xã hội hoặc các ứng dụng cho điện thoại thông minh; Tổ chức các buổi giới thiệu chuyên đề cho các nhà tài trợ, các tổ chức công nghệ và các nhà phát triển nội dung số để giới thiệu tiềm năng và nhu cầu ứng dụng kỹ thuật số của bảo tàng; Đánh giá về việc tiếp nhận nội dung số của khách tham quan làm cơ sở điểu chỉnh, phát triển và lựa chọn công nghệ phù hợp.

Ngày nay, quan niệm về bảo tàng không chỉ giới hạn ở việc trưng bày hiện vật của quá khứ, mà còn là sự kết nối giữa quá khứ và hiện đại, sự tương tác giữa hiện vật và khách tham quan. Chính vì vậy, bảo tàng cần thỏa mãn được những nhu cầu của công chúng đương đại, đồng thời phải tham gia vào cuộc cạnh tranh với vô vàn các hình thức giải trí của xã hội để thu hút công chúng. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, các hiện vật bảo tàng nói riêng sẽ góp phần tạo ra cơ hội mới cho các bảo tàng để hấp dẫn du khách.

THỦY TRỊNH

cinet.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Tìm hiểu kỹ thuật sản xuất lu gốm

Tìm hiểu kỹ thuật sản xuất lu gốm

  • 10/05/2018 09:57
  • 3494

Mùa khô 1997-1998 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.HCM khai quật khu lò gốm Hưng Lợi thuộc Phường 16 - Quận 8. Đây là một trong những khu vực của xóm Lò Gốm – Sài Gòn xưa. Cuộc khai quật đã tìm thấy 3 lò gốm nối tiếp nhau, niên đại từ giữa TK 18 đến khoảng năm 1940, với 3 giai đoạn sản xuất các loại sản phẩm khác nhau: lu gốm, siêu, ơ, hũ men nâu, men vàng, hộp, chậu bông, chén, đĩa men xanh trắng… Lu gốm là sản phẩm chủ yếu của khu lò Hưng Lợi. Tại đây, phế phẩm lu dày đặc trong nền lò và hai bên thành lò, cùng phế phẩm loại khác tạo thành gò cao đến 5 – 6m. Các hố thám sát trong phạm vi 1000 m2 quanh gò cũng tìm thấy nhiều mảnh lu ở độ sâu 0,5 – 0,6m, vì thế di tích còn được gọi là khu lò lu. Nghiên cứu loại hình sản phẩm và dấu vết kỹ thuật, chúng tôi nhận thấy lu gốm ở lò Hưng Lợi rất giống các loại lu hiện đang được sản xuất và sử dụng rộng rãi ở Nam Bộ. Chính điều này đã gợi ý cho chúng tôi tìm hiểu về kỹ thuật sản xuất lu gốm ở hai khu vực nổi tiếng về sản phẩm này là Phường Tân Vạn – Biên Hòa – Đồng Nai và phường Long Thạnh Mỹ - Q9 – TpHCM. Tại những nơi này sản xuất loại lu hình cầu, dất nung không men, bằng phương pháp nặng tay với dải cuộn và bàn dập – hòn kê – một kỹ thuật làm gốm cổ truyền hiện nay chỉ còn tồn tại ở một vài nơi.