Thứ Hai, 16/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

09/12/2021 11:06 1586
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cách đây 70 năm, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy quyết định mở Chiến dịch Hòa Bình nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đập tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của thực dân Pháp.

Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình là dấu ấn quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tạo thế và lực cho cách mạng tiến lên, đẩy thực dân Pháp tiếp tục rơi vào thế bị động. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, là thắng lợi của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, của sự kết hợp nhịp nhàng giữa các chiến trường và sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của lực lượng vũ trang. Đồng thời khẳng định vai trò to lớn của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh trong chỉ đạo và điều hành chiến dịch, thể hiện trên những nội dung chủ yếu sau:

Một là, mở chiến dịch Hòa Bình-quyết định mang tầm chiến lược của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh

Trước những diễn biến mới của tình hình trên chiến trường, ngày 19-10-1951, Tổng Quân ủy báo cáo Bộ Chính trị về “Phương hướng chiến dịch mùa Đông năm 1951 và kế hoạch đề phòng địch tấn công”, trong đó dự kiến trường hợp địch đánh nhỏ và đánh lớn vào hướng Hòa Bình: “Trong trường hợp địch đánh lớn ra Hòa Bình thì chuẩn bị tiêu diệt địch ở Hòa Bình rồi sẽ xem tình huống” để tiếp tục phát triển trong Thu Đông 1951-1952. Trong khi vạch kế hoạch đánh địch ở hướng Hữu ngạn Liên khu 3, Tổng Quân ủy cũng dự kiến, “nếu địch đánh ra Hòa Bình thì đó là một cơ hội cho ta tiêu diệt địch”.

 
Tù binh bị bắt sau trận đánh Tu Vũ trong Chiến dịch Hòa Bình viết thư tỏ lòng biết ơn về chính sách nhân đạo của Việt Minh. (Ảnh tư liệu) 
 

Về phía thực dân Pháp, sau thắng lợi trong cuộc hành quân Chợ Bến, ngày 11-11-1951, Bộ chỉ huy Pháp ra lệnh mở cuộc hành quân đánh chiếm Hòa Bình. Với lực lượng quân sự vượt trội, ngày 14-11-1951, quân Pháp chiếm được thị xã Hòa Bình.

Sau khi đặt chân lên Hòa Bình, địch cấu trúc hệ thống phòng ngự dã chiến với nhiều cứ điểm lớn nhỏ bằng đất, gỗ, có hàng rào dây thép gai bao bọc. Khu vực Hòa Bình-sông Đà, Đường số 6 hình thành cụm cứ điểm mạnh-một hình thức tổ chức chiếm đóng quy mô tương đối lớn, lần đầu tiên xuất hiện ở Đông Dương.

Thực hiện chủ trương của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, ngày 17-11-1951, Bộ Tổng Tham mưu tổ chức Hội nghị giao nhiệm vụ sơ bộ cho các Đại đoàn 308, 312, 316 và Liên khu Việt Bắc. Các đơn vị được phổ biến, quán triệt những nhận định và chủ trương sắp tới của Tổng Quân ủy là: “Tranh thủ thời gian, lợi dụng lúc địch chưa được củng cố, tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, tiến tới phá kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của địch...”. Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh quyết định sử dụng ba đại đoàn (308, 312 và 304) vây hãm và tiêu diệt quân cơ động của địch ở mặt trận Hòa Bình; Đại đoàn 320 và Đại đoàn 316 phối hợp với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đánh phá bình định, phát triển chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch Đồng bằng Bắc Bộ.

Mở Chiến dịch Hòa Bình là quyết định mang tầm chiến lược của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh. Quyết định được đưa ra trên cơ sở phân tích đúng đắn tình hình địch-ta và khả năng thực tế chiến trường.

Hai là, sự chỉ đạo, điều hành của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh-nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi Chiến dịch Hòa Bình.

Chiến dịch Hòa Bình có nhiệm vụ đánh địch trên cả hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, có sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ hai mặt trận với nhau. Tại mặt trận Hòa Bình, lực lượng của địch lúc nhiều nhất là 29 tiểu đoàn, lúc ít nhất là 21 tiểu đoàn. Chúng đóng thành ba phân khu: Phân khu Chợ Bến, phân khu sông Đà và phân khu Hòa Bình (bao gồm cả Đường số 6). Ở thị xã Hòa Bình, địch xây dựng một cụm cứ điểm lớn với binh lực gần 8 tiểu đoàn. Hình thức phòng ngự theo kiểu tập đoàn cứ điểm đã xuất hiện.

Ngày 20-11-1951, Bộ Tổng tư lệnh ra “Mệnh lệnh” tác chiến số 1 cho Đại đoàn 312: Đánh địch từ thị xã Hòa Bình lên Trung Hà, dọc hai bên tả ngạn và hữu ngạn sông Đà, tiêu diệt những cứ điểm địch mới chiếm đóng, lực lượng cơ động đường bộ và đường thủy, quân địch đi càn quét sục sạo xung quanh các vị trí… Yêu cầu đại đoàn khẩn trương ra quân, trận đầu phải đánh thắng, chủ động tìm địch mà đánh; khi có điều kiện thuận lợi thì tổ chức đánh địch, không phải chờ lệnh; thực hiện nhiệm vụ tác chiến phải nhanh chóng, bí mật, nắm vững tình huống, không bỏ lỡ thời cơ. Đồng thời, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Đại đoàn 316 được tăng cường Trung đoàn 246 tranh thủ thời gian, hoạt động mạnh ở Bắc Bắc, cho một bộ phận táo bạo vào sâu địch hậu phát triển chiến tranh du kích, mở rộng vùng du kích, căn cứ du kích, tiêu diệt sinh lực địch; có kế hoạch phối hợp, giúp đỡ bộ đội địa phương chống càn quét... Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh cho Đại đoàn 308 dự bị chiến lược và các phân đội pháo binh phối thuộc, bố trí Trung đoàn 88 ở phía nam Phong Vực, Trung đoàn 102 và Trung đoàn 36 ở Bắc tỉnh Phú Thọ, từ Đào Giã đến Chí Chủ giáp tới sông Lô, chuẩn bị sẵn sàng tác chiến và khi có điều kiện tập trung tiêu diệt địch nếu chúng chiếm đóng Hưng Hóa hoặc đánh lên Phong Vực, Phú Thọ.

Ngày 10-12-1951, Trung đoàn 88 đánh chiếm cứ điểm Tu Vũ, mở màn Chiến dịch Hòa Bình. Qua 3 đợt chiến đấu trong suốt 78 ngày đêm. Trên mặt trận chính diện, ta đã phá kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của địch, giải phóng gần 2.000km2 và 2 vạn dân, diệt hơn 6.000 tên địch, thu 24 khẩu pháo các loại, 788 súng, 98 máy vô tuyến điện, phá hủy 12 khẩu pháo, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 17 ca nô, phá hủy 246 xe quân sự.

Có thể khẳng định, mở Chiến dịch Hòa Bình là quyết định đúng đắn của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh. Quyết định được đưa ra trên cơ sở cân nhắc, phân tích, tính toán kỹ tình hình mọi mặt địch-ta. Do vậy, ngay từ khâu chuẩn bị chiến dịch, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời đối với các lực lượng tham gia chiến dịch, với các chiến trường phối hợp nhằm đảm bảo chiến dịch diễn ra được thuận lợi và giành thắng lợi. Khi chiến dịch diễn ra, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh luôn có sự chỉ đạo, điều hành sát thực tế chiến trường.

Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình là thành công của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh trong việc chỉ đạo tiến công địch trên cả hai hướng chiến lược chủ yếu, kết hợp hai mặt trận chính diện và sau lưng địch, kết hợp vận động chiến và du kích chiến, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng. Trong chiến dịch này, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, lực lượng vũ trang ta có bước tiến bộ mới về trình độ kỹ, chiến thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày cũng như về sự phối hợp tác chiến giữa ba thứ quân, để lại nhiều kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, 

Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

https://www.qdnd.vn

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4817

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào dân tộc thiểu số

  • 16/11/2021 14:05
  • 2482

Trong cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình thương yêu tới tất cả đồng bào dân tộc Việt Nam, luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tình thương của Người trải rộng tới mọi đối tượng, giai tầng trong xã hội, nhưng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Người luôn dành tình cảm đặc biệt nhất.