Thứ Hai, 16/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/10/2021 12:01 3805
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/1/1941-28/1/2021)

Bối cảnh lịch sử

Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ ngày 1/9/1939 đã làm tình hình chính trị thế giới có những biến động sâu sắc. Nước Pháp và các thuộc địa của Pháp cũng dần bị xoáy vào cuộc chiến tranh đế quốc. Ở Đông Dương, thực dân Pháp đã thi hành chính sách chính trị, kinh tế, xã hội thời chiến đàn áp các phong trào cách mạng, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ của nhân dân, ra sức bòn rút sức người sức của của các tầng lớp nhân dân làm cho đời sống của các giai tầng trong xã hội bị ảnh hưởng sâu sắc, nền kinh tế Đông Dương sa sút.

Tháng 11/1939, Hội nghị lần thứ VI Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp tại Mười tám thôn Vườn Trầu (Thập bát phù viên), Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm hoạt động về nông thôn cho phù hợp với tình hình mới. “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để tranh lấy giải phóng độc lập” (Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương 1977: 56). Chủ trương của Đảng lúc này là tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, thay thế bằng khẩu hiệu chống địa tô, chống vay nặng lãi, tịch thu ruộng đất của thực dân đế quốc và địa chủ phản động chia cho dân nghèo. Đồng thời, thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương nhằm tập hợp các giai tầng trong xã hội, các đảng phái và cá nhân yêu nước đoàn kết chống chiến tranh đế quốc, chống phát xít giành lại độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương.

Tình hình chiến tranh thế giới ngày càng diễn biến nhanh chóng và phức tạp, tháng 6/1940, nước Pháp bị phát xít Đức tấn công và nhanh chóng thất thủ, chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức. Ở Đông Dương, thực dân Pháp hết sức hoang mang dao động, nhân cơ hội này phát xít Nhật nhảy vào xâm lược Đông Dương. Thực dân Pháp ở Đông Dương chống đỡ yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng phát xít Nhật. Đông Dương từ thuộc địa của Pháp đã trở thành thuộc địa của cả Pháp và Nhật. Nhật - Pháp và các thế lực phong kiến đã câu kết ra sức bóc lột, vơ vét và đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940), Nam Kỳ (11/1940), binh biến Đô Lương (1/1941) đã nổ ra nhưng đều bị thực dân Pháp và phát xít Nhật đàn áp song đã để lại tiếng vang lớn, báo hiệu cho một cao trào đấu tranh vũ trang giành độc lập dân tộc của nhân dân Đông Dương.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước

Trước diễn biến chiến tranh thế giới lần thứ II và tình hình chính trị trong nước có những thay đổi. Với nhãn quan chính trị sâu rộng và nhạy bén, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời nắm bắt xu thế của cuộc chiến tranh đế quốc theo chiều hướng trong thời gian tới sẽ mở ra thời cơ mới có lợi cho mạng mạng Việt Nam và các dân tộc Đông Dương đánh đổ đế quốc, thực dân giành độc lập cho dân tộc. Sau 30 năm bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, ngày 28/1/1941 lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình đã vượt qua mốc 108 (nay là mốc 675) biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao bằng để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị lực lượng về chính trị và vũ trang cách mạng, xây dựng căn cứ địa cách mạng khi thời cơ đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền. 

 

Mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng  Việt Nam, ngày 28/1/1941.  (Tư liệu BTLSQG)

 
 

Hang Cốc Bó ở Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở và làm việc những ngày đầu     về nước từ ngày 8/2/1941 đến giữa tháng 3/1941. (Tư liệu BTLSQG)

Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay vào việc xây dựng căn cứ địa cách mạng, liên tiếp mở các lớp huấn luyện ngắn ngày nhằm đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng, đồng thời chuẩn bị cho triệu tập Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng bàn về chủ trương cứu nước và giải phóng dân tộc. Với tư cách là đại biểu Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII tại Pác Bó từ ngày 10 đến 19/5/1941. Dự hội nghị còn có các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt cùng một số các đồng chí đại biểu của Xứ ủy Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

 

Lán Khuổi Nậm ở Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ở và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ ngày 10-19/5/1941. (Tư liệu BTLSQG)                                  

Hội nghị đã phân tích nguồn gốc, đặc điểm, tính chất của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, từ đó khẳng định sự thất bại của phe phát xít cũng như sự thắng lợi của phe đồng minh và sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới. Đặc biệt, hội nghị đi sâu phân tích tình hình chính trị - xã hội Đông Dương, xác định rõ kẻ thù của nhân dân Đông Dương lúc này là đế quốc Pháp và phát xít Nhật. Nhiệm vụ đánh Pháp đuổi Nhật là nhiệm vụ của toàn thể nhân dân Đông Dương, Đảng Cộng sản Đông Dương là đội tiên phong lãnh đạo và tổ chức các lực lượng cách mạng. Hội nghị xác định “cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ giải quyết một vần đề cần kíp dân tộc giải phóng” (Đảng cộng sản Việt Nam 2000: 119). Nghị quyết hội nghị nhấn mạnh: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được” (Đảng cộng sản Việt Nam 2000: 113). Tại hội nghị, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa bỏng” (Hồ Chí Minh 1995a: 198). Hội nghị chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước và thành lập mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để đánh Pháp đuổi Nhật giành lấy độc lập tự do. Ở Việt Nam, theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy tên là “Việt Nam Độc lập đồng minh” gọi tắt là Việt Minh. Các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc của Việt Minh đều lấy tên là "Cứu Quốc" nhằm tập hợp "lực lượng cách mạng toàn cõi Đông Dương, không phân biệt thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ, ai có lòng yêu nước thương nòi sẽ cùng nhau thống nhất mặt trận, thu góp toàn lực đem tất cả ra giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc, đánh tan giặc Pháp-Nhật xâm chiếm nước ta" (Đảng cộng sản Việt Nam 2000: 112 - 113). Cao Bằng được chọn là nơi thí điểm của Mặt trận Việt Minh, nhiều tổ chức "Cứu Quốc" ra đời. Báo “Việt Nam Độc lập”, cơ quan của Việt Minh Cao Bằng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra số đầu tiên ngày 1/8/1941, Người còn trực tiếp chỉ đạo, viết bài, vẽ tranh tuyên truyền cho báo.

 

Báo “Việt Nam Độc lập”, cơ quan tuyên truyền của Ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng (số 101, ngày 1/8/1941) (Tư liệu BTLSQG)

 

 Sau Cao Bằng, phong trào Việt Minh phát triển ra các tỉnh Bắc Cạn, Lạng Sơn, Báo “Việt Nam Độc Lập” trở thành cơ quan liên tỉnh hội Việt Minh Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn. Ngày 6/6/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết bức thư “Kính cáo đồng bào” kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh kẻ thù chung là thực dân Pháp, phát xít Nhật và Việt gian. Người viết cuốn “Lịch sử nước ta” theo thể diễn ca nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho nhân dân. Phong trào Việt Minh tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh trong cả nước, nhiều hội "Cứu Quốc" của Mặt trận Việt Minh các tỉnh đã xuất hiện hòa chung vào sự nghiệp cứu nước giành độc lập dân tộc. Mặt trận Việt Minh ra đời là một chủ trương sáng tạo, kịp thời của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong bối cảnh lịch sử mới, thể hiện sự nhạy bén trong sách lược của Đảng, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn phong trào cách mạng.

Tháng 8/1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh, dưới danh nghĩa là đại biểu của "Việt Nam Độc lập đồng minh" sang Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng đồng minh chống phát xít với cách mạng Việt Nam. Người đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt và giam đến tháng 9/1943 qua nhiều nhà lao tại Quảng Tây (Trung Quốc). Cũng trong thời gian này, người đã viết tập thơ bất hủ “Nhật ký trong tù” gồm 133 bài thơ theo thể Đường luật bằng chữ Hán thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc, bản lĩnh và tầm nhìn sâu rộng của Người về qui luật phát triển và thắng lợi tất yếu của cách mạng Việt Nam (tác phẩm “Nhật ký trong tù” được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2012).

 

“Nhật ký trong tù”, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam tại Quảng Tây (Trung Quốc) từ tháng 8/1942 đến tháng 9/1943. (Tư liệu BTLSQG)  

Sau khi thoát khỏi nhà tù của chính quyền Tưởng Giới Thạch, cuối năm 1944 Người lại trở về Pác Bó tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng đang sôi sục trong cả nước. Thực hiện chỉ thị của Người, ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thành lập đội “Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” với 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy nhằm chuẩn bị lực lượng vũ trang đón thời cơ tổng khởi nghĩa. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, nhận thấy thời cơ tổng khởi nghĩa đang đến, tháng 5/1945, Người rời Pác Bó về Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cùng Trung ương Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

 

Đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang nơi diễn ra Quốc dân đại hội quyết định Tổng khởi nghĩa, bầu ra  Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tháng 8/1945.(Tư liệu BTLSQG)   

Từ ngày 13-16/8/1945, Người đã chủ trì Hội nghị Cán bộ toàn quốc của Đảng và Quốc dân đại hội tại Tân Trào, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Người làm Chủ tịch và gửi thư kêu gọi: "Hỡi đồng bào yêu quí! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ra đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” (Hồ Chí Minh 2011: 596). Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã đứng lên dưới ngọn cờ Việt Minh tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19/8/1945 tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, ngày 23/8/1945 cách mạng thành công ở Huế, ngày 25/8/1945 cách mạng thành công ở Sài Gòn, đến cuối tháng 8/1945 cách mạng thành công ở các địa phương trong cả nước.

Tuyên ngôn độc lập - Quảng trường Ba Đình lịch sử

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, với cương vị là Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mặc dù sức khỏe còn yếu vì vừa trải qua cơn ốm nặng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định cùng các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí Trung ương Đảng nhanh chóng trở về Hà Nội để lãnh đạo tổng khởi nghĩa và xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng còn non trẻ. Ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô "nằm giữa khu buôn bán sầm uất, khách hàng ra vào nhộn nhịp, từ trên tấng 4 có thể quan sát động tĩnh cả một khu vực lớn từ chợ Đồng Xuân đến ngã tư Hàng Đào, nhà 48 Hàng Ngang rất phù hợp với hoạt động bí mật của Đảng. Hơn nữa, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô là một gia đình yêu nước, đã được giác ngộ cách mạng từ lâu và trở thành một cơ sở tin cậy của Đảng trong nội thành Hà Nội" (Lưu Minh Trị, Vũ Quang Du 2006: 267 - 268). Với địa thế thuận lợi khá phù hợp với công tác bảo vệ an toàn cho Bác nên được Ban chấp hành Trung ương Đảng chọn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc những ngày đầu về Hà Nội. Ngày 22/8/1945, Người rời Tân Trào, Tuyên Quang về Hà Nội. "Ngày 23-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến thôn Phú Gia (Từ Liêm) - một địa điểm ở ngoại thành Hà Nội. Ngày 25-8, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào nội thành. Các đồng chí lãnh đạo Đảng đón Người về ở nhà số 48 Hàng Ngang. Tại nhà số 48 Hàng Ngang, Người đã viết bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ" (Phùng Hữu Phú 2004: 132). 

 

Tầng 2 nhà 48 Hàng Ngang, Hoàn Kiếm (Hà Nội), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập, tháng 8/1945. (Tư liệu BTLSQG)     

 

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, chiều ngày 2/9/1945 trước hàng chục vạn nhân dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình và dưới các loa phóng thanh ở các địa điểm trong nội thành Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy” (Hồ Chí Minh 1995b: 4). Sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập, Chính phủ lâm thời đã ra mắt quốc dân đồng bào và làm lễ tuyên thệ, hàng vạn người tham dự lễ độc lập đã đồng thanh xin thề một lòng ủng hộ Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.

 

Lễ đài Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2/9/1945. (Tư liệu BTLSQG)

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á - ra đời ngày 2/9/1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vì tự do và hạnh phúc của nhân dân. Từ Pác Bó cách mạng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử là một chặng đường lịch sử vẻ vang, một mốc son chói lọi ghi dấu bản lĩnh, tầm nhìn và khát vọng độc lập tự do cho dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam giai đoạn 1941-1945./.

 

Tài liệu tham khảo

Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương 1977. Văn kiện Đảng - Tập 3 (1930-1945), Hà Nội.

Đảng Cộng sản Việt Nam 2000. Văn kiện Đảng, Toàn tập – Tập 7 (1940-1945). Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

Hồ Chí Minh 1995a. Toàn tập – Tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Hồ Chí Minh 1995b. Toàn tập – Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Hồ Chí Minh 2011. Toàn tập – Tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội.

Phùng Hữu Phú 2004. Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb Hà Nội.

Lưu Minh Trị, Vũ Quang Du (đồng chủ biên) 2006. Di tích Cách mạng - Kháng chiến ở Hà Nội, Nxb. Hà Nội.

                                            ThS. Phan Tuấn Dũng

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4817

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

'Thiên thời, địa lợi, nhân hòa' hội tụ để giành độc lập dân tộc

'Thiên thời, địa lợi, nhân hòa' hội tụ để giành độc lập dân tộc

  • 02/09/2021 22:01
  • 2125

Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công trọn vẹn. Đây là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Và bài học đó còn nguyên giá trị trong bối cảnh xã hội hiện nay.