Sau cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, chính quyền đã về tay nhân dân, ngày 20-8-1945, Ban nhạc Giải phóng quân được thành lập với 75 nhạc công do đồng chí Đinh Ngọc Liên làm nhạc trưởng, nòng cốt là các nhạc công của đội kèn Bảo an binh. Ban nhạc có nhiệm vụ luyện tập các ca khúc cách mạng để biểu diễn phục vụ buổi lễ thành lập nước. Sau khi nhận nhiệm vụ, anh em nhạc công vô cùng vui sướng, đặc biệt là được tập luyện và biểu diễn bài hát “Tiến quân ca”.
Với niềm tự hào, tự tôn dân tộc, dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên, 75 nhạc công của ban nhạc đã dồn hết tâm trí vào từng nốt nhạc, sử dụng chuẩn xác các loại kèn hiện đại nhất thời bấy giờ. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, giai điệu trầm hùng, hào sảng của các ca khúc: Diệt phát xít, Giải phóng quân, Chiến sĩ Việt Nam... được ban nhạc xướng lên trong niềm tự hào bất tận, khiến không khí buổi lễ thêm rộn ràng, trang trọng. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hàng vạn người đứng im lặng, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên trên nền giai điệu bài hát “Tiến quân ca” của Nhạc sĩ Văn Cao.
Sau buổi Lễ Tuyên ngôn độc lập, Ban nhạc Giải phóng quân tiếp tục phục vụ nhân dân, chiến sĩ ở khắp các mặt trận Khu 3, Khu 4, Việt Bắc... Đi tới đâu, tiếng kèn của ban nhạc cũng vang lên những giai điệu ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, cổ vũ, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân trong cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ.
Năm 1959, đồng chí Đinh Ngọc Liên đã trao tặng Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) bộ kèn đồng gồm 20 chiếc mà Ban nhạc Giải phóng Quân đã sử dụng trong Lễ Tuyên ngôn độc lập, ngày 2-9-1945. Hơn sáu thập kỷ đã trôi qua, trải qua bao biến cố và thăng trầm lịch sử, 20 chiếc kèn vẫn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ bảo tàng giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn, trưng bày trong không gian trang trọng gắn với sự kiện Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9.
Bài, ảnh: MAI PHƯƠNG