Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

02/09/2021 22:01 2115
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công trọn vẹn. Đây là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Và bài học đó còn nguyên giá trị trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Bác Hồ về thăm nhân dân Pắc Bó (Cao Bằng) ngày 20.2.1961
Nhưng đó không phải là những yếu tố có sẵn, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhận thấy, tận dụng, xây dựng và sáng tạo hội tụ những yếu tố đó để làm nên thành công. Hôm nay, những bài học kinh nghiệm đó vẫn mang nhiều ý nghĩa.

Tích cực xây dựng “địa lợi”

Căn cứ địa cách mạng là chỗ dựa của phong trào cách mạng. Căn cứ địa gắn chặt với khởi nghĩa vũ trang của quần chúng giành chính quyền. Trong cuộc vận động giải phóng dân tộc (1941-1945), nhiều căn cứ địa cách mạng đã ra đời. Các căn cứ địa được xây dựng và mở rộng ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Lúc đầu là những căn cứ địa Cao Bằng - Bắc Cạn, căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai… Nhiều căn cứ trở thành chiến khu, khu giải phóng.
Tại các căn cứ địa cách mạng, Đảng vừa xây dựng, phát triển lực lượng chính trị, huấn luyện, đào tạo cán bộ, vận động tổ chức quần chúng, vừa xây dựng lực lượng vũ trang và phát động đấu tranh vũ trang khi có thời cơ thuận lợi. Mỗi chiến khu, căn cứ đều có những sáng tạo riêng về tổ chức địa bàn, xây dựng lực lượng, lựa chọn phương thức tác chiến phù hợp với những đặc điểm tình hình của địa phương.
Các đô thị là những trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, là nơi tập trung cơ quan đầu não của bộ máy thống trị của địch. Trong khi coi nông thôn, rừng núi là địa bàn vững chắc để xây dựng căn cứ địa, chiến khu, khu giải phóng, Đảng cũng chú trọng xây dựng các An toàn khu (ATK) của Trung ương ở ngoại vi thành phố, phát triển cơ sở quần chúng ở đô thị là lực lượng đông đảo nhân dân lao động, tiểu thương, học sinh, trí thức, công chức tiến bộ, lấy đó làm chỗ dựa vững chắc để phát động đấu tranh bằng nhiều hình thức và mức độ phù hợp tình thế chung của cả nước.
 
 Ảnh tư liệu 
Nhìn rộng hơn, trong nhãn quan địa - chính trị của các nhà phân tích chiến lược, Đông Dương được đánh giá chính là khâu yếu để Mỹ có thể phá vỡ độc quyền hệ thống thuộc địa của các nước thực dân châu Âu ở Đông Nam Á, giành ảnh hưởng của họ với Anh, Pháp và các nước tư bản châu Âu khác ở Viễn Đông sau chiến tranh. Hồ Chí Minh đã sáng suốt nhận thấy điều đó và chủ trương thiết lập các mối liên hệ với lực lượng Đồng minh, cụ thể là Mỹ, để tăng thêm nguồn ngoại lực cho cách mạng Việt Nam, tăng thêm lực lượng ngoại giao, uy thế chính trị của Việt Minh để giành độc lập cho dân tộc và tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập sau này. 

Tập hợp và đoàn kết “nhân hòa”

Ngày 19.5.1941, giữa vùng núi rừng Pắc Bó, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời với quyết tâm “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng tư do” , đã giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do.
Những chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội được thể hiện trong chính sách của Việt Minh phù hợp với nguyện vọng, mong ước của nhiều thành phần xã hội đã thu hút, tập hợp được đông đảo nhân dân dưới ngọn cờ Việt Minh. Các tầng lớp quần chúng được tổ chức trong những Hội cứu quốc là thành viên của Mặt trận Việt Minh làm thành một phong trào Việt Minh sôi nổi, tạo nên những chuyển biến cách mạng mạnh mẽ. Những lực lượng yêu nước và cách mạng được mở rộng, tập hợp và rèn luyện trong Cao trào kháng Nhật cứu nước đã sẵn sàng đón thời cơ giành độc lập.
Mặt trận Việt Minh đã đóng vai trò to lớn trong việc tổ chức, phát động nhân dân cả nước đứng lên khi thời cơ xuất hiện. Toàn dân Việt Nam đã đồng loạt nổi dậy với tinh thần phấn khởi cách mạng lạ thường, với một khí thế mãnh liệt chưa từng thấy để giành lấy tự do và độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ngày 2.9.1945.

Chớp lấy “thiên thời” Tổng khởi nghĩa thắng lợi

Trong những năm cuối của cuộc vận động giải phóng dân tộc (1941 - 1945), khi phân tích về diễn biến cuộc chiến tranh giữa phe phát-xít và Đồng minh, Hồ Chí Minh sớm khẳng định thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về phe dân chủ và nhận định thời cơ giải phóng dân tộc đang đến rất gần, tình thế cách mạng sắp xuất hiện:
“Ấy là nhịp tốt cho ta,
Nổi lên khôi phục nước nhà tổ tông” .
Tháng 5.1945, phát xít Đức, Ý đã bại trận ở châu Âu. Ba tháng sau đó, ở châu Á, phát xít Nhật đang trên đường thất bại và sụp đổ. Dù đang ốm nặng ở Tân Trào, Hồ Chí Minh vẫn chỉ thị cho các đồng chí: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập” .
Thắng lợi trọn vẹn của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Việt Nam đã chứng minh bản lĩnh lãnh đạo khởi nghĩa, nghệ thuật chớp thời cơ của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo. Nghệ thuật đó được biểu hiện tập trung trong việc dự đoán xu thế phát triển của tình hình và xác định đúng thời điểm để phát động Tổng khởi nghĩa. Việc chọn đúng thời điểm để kêu gọi toàn dân Việt Nam Tổng khởi nghĩa xuất phát từ thực lực của cách mạng Việt Nam, từ tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta” và sự nhạy bén, kịp thời tận dụng thời cơ.
Để có cuộc Tổng khởi nghĩa toàn dân giành chính quyền trọn vẹn, nhanh gọn và tổn thất ở mức tối thiểu trong nửa cuối tháng 8/1945 tại Việt Nam, không thể không nhắc đến và nhấn mạnh vai trò của người lãnh đạo cao nhất và xuất sắc nhất: Hồ Chí Minh.
Một học giả nước ngoài đã bình luận về vai trò Hồ Chí Minh trong cuộc cách mạng này như sau: “Những đánh giá như vậy (với xu hướng hạ thấp ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 - N.V.A) không thể che giấu sự thật rằng cuộc Cách mạng Tháng Tám là một thành tựu phi thường… trong khi những nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa khác bằng lòng ở lại nam Trung Quốc và đợi đến khi quân Nhật bị quân Đồng minh đánh bại, ông Hồ và các đồng sự của ông mới chứng tỏ khả năng có thể đối phó với thách thức và đặt cả thế giới trước sự đã rồi” .

Những bài học được phát huy trong bối cảnh mới

Bài học kinh nghiệm về việc xác định đúng đối tượng, nhiệm vụ và lực lượng của cách mạng, cả trong tầm nhìn chiến lược dài hạn cũng như trong những giai đoạn cụ thể, ngắn hạn, càng có ý nghĩa trong hiện tại khi Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và không ít thách thức, nguy cơ cần phải vượt qua: nghèo nàn, dịch bệnh, suy thoái môi trường tự nhiên và cả môi trường văn hóa - xã hội… 
 
 Đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng cơ bản, nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Trên nền tảng Tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh và kinh nghiệm từ lịch sử đấu tranh, Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định tiếp tục “thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc ở tầm cao và chiều sâu mới”. Điểm chung của toàn dân tộc trước đây là độc lập tự do. Điểm chung, điểm tương đồng của mọi người dân Việt Nam hiện nay là “giữ vững độc lập, thống nhất, xây dựng đất nước phồn thịnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây cũng chính là điểm mấu chốt để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay, các nguồn lực hợp tác từ bên ngoài được khẳng định là những nhân tố quan trọng để tăng cường cho những nỗ lực từ bên trong. Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có sự kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Đây là tư tưởng lớn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam thực hiện thành công trong cách mạng giải phóng dân tộc. Tư tưởng đó cần và đang được tiếp tục kế thừa và phát triển trong bối cảnh mới hôm nay.
 
https://thanhnien.vn/

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

Đồng chí Xuân Thủy với báo Suối Reo và báo Cứu Quốc

  • 18/06/2019 10:06
  • 4796

* Làm báo Suối Reo trong nhà tù Sơn La

Bài viết khác

Bộ kèn đồng trong Ngày độc lập

Bộ kèn đồng trong Ngày độc lập

  • 01/09/2021 14:28
  • 2307

Trong số hơn 300 hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý liên quan đến cuộc Cách mạng Tháng Tám và buổi Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, có một hiện vật đặc biệt. Đó là bộ kèn đồng được Ban nhạc Giải phóng quân sử dụng cử Quốc ca trong ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.