Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/02/2014 00:00 347
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Từ năm 1998 - 1999, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã tiến hành điều tra, khảo sát khảo cổ học tại khu Nam hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Tây cũ) nhằm phục vụ cho việc xây dựng Làng Văn hoá các Dân tộc Việt Nam. Đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa kinh tế - xã hội lớn, với qui mô đầu tư trên phạm vi 547ha.

Đến nay, Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam đã đi vào hoạt động hiệu quả và phát huy giá trị to lớn, thực sự là nơi hội tụ và tôn vinh tinh hoa văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Cảnh quan đảo nổi khu vực Đồng Mô (Sơn Tây)

Về mặt địa hình, đây là khu vực vùng đệm, chuyển tiếp giữa vùng đồi núi cao dưới chân núi Ba Vì tới vùng đồng bằng thấp. Nơi đây mang đặc trưng của miền địa hình "bán sơn địa", với các đồi núi thấp dạng "bát úp" cùng hệ thống các sông suối nhỏ, hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi sớm được người Việt cổ chọn làm nơi cư trú. Khoảng những năm 1960, các dòng chảy khu vực này được đắp chặn tạo thành hồ Đồng Mô để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quá trình ấy đã tạo nên những biến đổi lớn về cảnh quan môi trường vốn có ở nơi đây. Nhiều quả đồi trở thành "đảo nổi" giữa hồ nước mênh mông, nhiều dòng suối đã biến mất hay bị "chết" vì khô cạn... và, theo đó nhiều di tích của con người phản ánh lịch sử lâu đời của vùng đất đã bị nhấn chìm. Mùa khô năm 1998 là năm hồ Đồng Mô nước xuống ở mức thấp nhất (cốt 13m), là cơ hội “lý tưởng” có thể tiến hành nghiên cứu, khảo sát khảo cổ học một cách thuận lợi.

Kết quả khảo sát đã xác định được mật độ phân bố dày đặc của các di tích khảo cổ học từ hậu kỳ đá cũ cho đến các thời kỳ lịch sử, với dấu tích cư trú liên tục của con người từ hàng vạn năm trước đây.

Các di tích và di vật cổ xưa nhất ở khu vực này thuộc văn hoá Sơn Vi - một văn hoá khảo cổ thuộc hậu kỳ thời đại Đá cũ, có niên đại khoảng 2 vạn năm cách ngày nay. Các di tích và di vật phân bố trên hầu hết những sườn đồi trong khu Nam Đồng Mô như: Đảo Vải, Đảo Mỏ Vít, Đảo Xanh... với các công cụ cuội sông suối, cấu tạo hạt mịn, làm từ đá quarzitte màu vàng gan gà, xanh xám. Các loại hình đặc trưng như công cụ rìa lưỡi dọc, rìa lưỡi ngang (dạng chopper), 1/4 viên cuội, hạnh nhân, các công cụ mảnh tước được ghè đẽo trên một mặt, mặt còn lại và đốc giữ nguyên vỏ cuội. Sự hiện diện của những công cụ ghè đẽo đã chứng minh quá trình lao động sản xuất của cư dân thời Sơn Vi ở vùng đất này, song, điểm đáng chú ý là sự xuất hiện những công cụ rìa lưỡi ngang có vết ghè đẽo thô sơ, gợi ý về dấu tích của văn hoá Sơn Vi giai đoạn sớm ở nơi đây.

Công cụ văn hóa Sơn Vi

Công cụ mảnh tước Sơn Vi

Công cụ ¼ viên cuội

Công cụ văn hóa Sơn Vi

Bước sang thời đại Đá mới, có lẽ do ảnh hưởng của những đợt biển tiến, con người thay đổi địa bàn cư trú, rút lên những vùng núi cao, sinh sống trong những vùng núi đá vôi, bởi vậy các vết tích của văn hoá Hoà Bình với những công cụ phản ánh đặc trưng của văn hoá này ít xuất hiện.

Công cụ văn hóa Hòa Bình

Tiếp đến, rất đậm đặc là nhóm di tích và di vật thuộc hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí được tìm thấy ở hầu khắp các sườn đối, sát với mép các con suối nhỏ với các loại hình công cụ như: rìu bôn tứ giác, rìu bôn có vai và các loại bàn mài (rãnh, vũm) thể hiện rõ tính chất chế tác tại chỗ của các loại hình công cụ này.

Rìu tứ giác

Rìu bôn tứ giác

Rìu bôn

Rìu bôn có vai

Công cụ đục đá

Về cơ bản các di tích và di vật này đã phản ánh sinh động đời sống con người cách đây khoảng 4 - 5.000 năm, với kỹ thuật chế tác công cụ đá khá "hoàn hảo", các công cụ điển hình của thời kỳ này. Các loại hình di vật không có gì khác biệt, ngoại trừ đặc trưng nguyên liệu sử dụng tại chỗ với các loại đá "kém" chất lượng (đá phtanit), dạng đá trầm tích, mềm, hạt thô khá giống với các di tích cùng thời ở vùng Tây Nguyên. Có lẽ bởi đặc trưng này qui định nên các công cụ dạng rìu/bôn, mặc dầu lưỡi được tạo có tiết diện hình chữ V cân hay lệch, song các mặt vát đều mài hơi cong khum, phần rìa lưỡi hơi tù, tạo cho tiết diện gần giống hình parabol, nên lưỡi không thật sắc và mỏng, nên thường xuyên được tu chỉnh (mài, rũa) khiến số lượng các loại bàn mài tìm được nhiều, phản ánh rõ tính chất của “xưởng chế tác”.

Bàn mài lõm.

Bàn mài rãnh.

Thời Sơ sử, các dấu tích của con người cũng được phát hiện, song mờ nhạt hơn với các di vật của văn hoá Đông Sơn gồm một số mảnh vỡ của thạp đồng, trang trí đường tròn tiếp tuyến và vạch ngắn song song, cùng một vài mảnh gốm nhỏ trang trí văn khắc vạch kết hợp văn chải là mảnh của nồi và các đồ đựng gốm, bên cạnh mảnh vỡ của hũ gốm văn in ô vuông đặc trưng văn hoá Hán. Thực tế nghiên cứu và phát hiện đã cho thấy vào thời kỳ này, khu vực địa hình như Đồng Mô dường như không còn phù hợp với xu thế hình thành các trung tâm chính trị hồi đầu Công nguyên.

TS. Nguyễn Văn Đoàn-Phó Giám đốc BTLSQG

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Những thông tin mới về ngôi mộ cổ Việt Khê

Những thông tin mới về ngôi mộ cổ Việt Khê

  • 03/12/2013 00:00
  • 380

Cuối tháng 9 năm 2013, nhằm bổ sung tư liệu cho trưng bày chuyên đề Báu vật Khảo cổ học Việt Nam sẽ diễn ra tại một số bảo tàng quốc gia Đức (2014-2016), các chuyên gia khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học Đức đã tiến hành khảo sát thực địa tại thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng - nơi phát hiện ngôi mộ cổ Việt Khê nổi tiếng cách đây hơn nửa thế kỷ.