Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/07/2013 00:00 344
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Vào tháng 9 năm 2012, ngư dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện một số đồ gốm sứ trong tàu cổ bị đắm. Dấu tích tàu cổ cách bờ biển Bình Châu khoảng 200m và nằm sâu 3,5-4m so với mực nước biển. Đây là tàu đắm cổ thứ 6 trong vùng biển Vệt Nam.

Kể từ khi phát hiện, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tốt việc bảo vệ di tích tàu cổ và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện theo Luật di sản văn hóa, đồng thời ra quyết định cấp phép khai quật khẩn cấp di sản văn hóa dưới n­ước tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển.

Dựa trên kết quả khảo sát, ngày 28/12/2012 Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt Phương án khai quật khẩn cấp di tích tàu đắm cổ Bình Châu và giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương, đồng thời ra quyết định thành lập ban chỉ đạo, Ban thăm dò, khai quật gồm các thành viên là các chuyên gia ở Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi.

Hiện trường khai quật con tàu đắm cổ Bình Châu.

Thực hiện hợp đồng đã ký, Công ty TNHH Đoàn Ánh Dư­ơng đó khẩn trương chuẩn bị cho cuộc khai quật. Do điều kiện thời tiết trên biển không thuận lợi, có diễn biến phức tạp, địa điểm tàu đắm cổ lại ở vị trí bãi ngang nên chịu sự tác động rất lớn của điều kiện khí hậu. Do đó công việc chuẩn bị triển khai dự án có bị chậm trễ theo tiến độ. Từ cuối tháng 3/2013 công việc khảo sát thủy văn và xác định vị trí tàu cổ đó có kết quả. Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương đã xây dựng phương án thi công mới làm bờ kè lá sen bao trùm vị trí tàu cổ với diện tích khoảng 300 m2. Đây là cách làm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác khai quật khảo cổ học.

Đồng thời công ty chuẩn bị hơn 300 thùng xốp đựng hiện vật, kích thước 70 x 50 x 40 cm. Đây là loại thùng xốp có bọc ni lông, không chỉ đảm bảo giữ an toàn hiện vật mà còn sử dụng trong việc ngâm nước xả mặn. Tất cả các nguyên liệu theo yêu cầu khai quật như cọc, dây giăng ô, thùng, rổ nhựa, các loại phương tiện máy hút thổi bùn cát đã được chuẩn bị đầy đủ.

Ngày 4/6/2013 trước sự chứng kiến của lãnh đạo UBND tỉnh và đông đảo nhân dân trong vùng, phóng viên các báo, đài trung ương và địa phương, cuộc khai quật khảo cổ học tàu đắm cổ Bình Châu đã được bắt đầu

Ban khai quật đã cho hút cạn nước biển trong khu vực tàu cổ và thu thập các hiện vật, mảnh vỡ trên bề mặt, đóng thùng, niêm phong và chuyển về kho Bảo tàng Quảng Ngãi để xử lý theo qui trình. Hiện vật tiếp tục được thu theo từng khoang. Sau khi hút thổi bùn cát hình dáng con tàu đã xuất lộ với 12 khoang. Khoang 1 là mũi tàu đã bị vỡ và không thu được hiện vật. Kể từ khoang thứ 2 cho đến khoang 13 (đuôi tàu), khoảng cách các khoang tương đối đều nhau…

Cuộc khai quật khảo cổ học tàu đắm cổ Bình Châu được diễn ra từ ngày 04/6 đến ngày 23/6/2013. Theo thống kê, công trường đã thu được 91 thùng hiện vật nguyên và 177 thùng hiện vật vỡ, tổng số là 268 thùng.

Ngoài ra, trong ngày 25 và 26/6/2013, công trường tiếp tục thu được 06 thùng hiện vật khi thổi bùn cát khu vực xung quanh con tàu.

Sau khi đã hút cạn bùn cát, xác tàu đã lộ rõ với chiều dài từ đuôi tàu cho đến phần mũi tàu còn lại là 20,5 m, chiều ngang rộng nhất của tàu nằm phía sau khoảng giữa tàu là 5,6m, thân tàu được chia làm 13 khoang với 12 vách ngăn. Con tàu đã bị cháy trước khi chìm, đặc biệt thể hiện với các dấu tích từ khoang 5 đến khoang 7.

Tiền cổ lỗ vuông thu được trên tàu đắm cổ Bình Châu.

Trong tàu tìm được một số đồ kim loại như: Gương đồng, quả cân đồng, đinh thuyền bằng sắt dùng để liên kết các thanh ván cấu trúc của tàu và các loại tiền đồng. Đây là loại tiền mặt tròn lỗ vuông, phát hiện ở các khoang 5, 6 và 7, nơi có dấu tích bị cháy. Qua phân tích sơ bộ đã phát hiện được 19 loại tiền thời Đường-Tống, trong đó muộn nhất là thế kỷ 13.

Hàng hóa trong tàu là đồ gốm sứ bao gồm các chủng loại dòng gốm men nâu, men ngọc, đồ sứ hoa lam và sứ men trắng xanh. Thuộc dòng gốm men nâu có các loại hình: hũ, lọ và chậu. Hũ có văn hoa chanh, hoa dây, song nước, hoa văn hình học, khắc chìm để mộc trên nền men nâu với nhiều kích thước khác nhau. Nhiều loại hũ và lọ có 4 tai nổi trên vai, men nâu phủ 2/3 chiều cao. Chậu gốm men nâu có loại miệng tròn thành cao; có loại thấp với 3 cỡ lồng vào nhau. Trong lòng các chậu này phủ men nâu màu da lươn. Ngoài ra có một số lọ chum kích thước lớn trên vai có in nổi mác hiệu của lò sản xuất như: Đức Chính Nhuận, Ngô Nhậm Hiệu.

Đồ gốm men ngọc có các loại hình gồm: đĩa, bát, lư hương, chén, tước và lọ. Trong đó đáng chú ý loại đĩa có kích thước 32- 34 cm; dáng chậu miệng loe ngang, thành trong in lõm băng cánh hoa cúc. Dưới đáy phủ men để lại dấu bàn kê hình vành khăn. Đặc biệt hơn có loại đĩa trang trí nổi hình rồng mang đặc trưng nghệ thuật thế kỷ 13. Loại lư hương nhỏ có miệng tròn, thân hình trụ có gắn 3 chân nổi. Men ngọc có màu xanh da táo, màu vàng chanh, oliu, trắng đục với nhiều sắc độ khắc nhau. Loại bát men ngọc có miệng loe, thành cong, đế thấp, đáy mộc khá phổ biến. Loại này xuất hiện từ khoang 3 đến khoang 12. Ngoài ra, các loại khác như tước, lọ 2 tai nổi có số lượng ít. Nhưng các loại hình này cũng mang đặc trưng gốm men ngọc thế kỷ 13.

Đồ sứ hoa lam trong tàu xuất hiện, tuy không nhiều nhưng đã gặp các mẫu đồ sứ hoa lam mang đặc trưng đồ gốm sứ hoa lam thế kỷ 13. Như loại ấm 2 bầu, lọ 2 tai nổi thân chia múi vẽ hoa bèo 3- 4 chấm. Loại chén vẽ hoa cúc dây phía ngoài phủ men trắng xanh, đáy mộc. Loại nắp nhỏ vẽ lá sen. Đặc biệt có mảnh đĩa sứ hoa lam loại lớn vẽ hoa mẫu đơn. Đây là loại hoa văn điển hình của sứ hoa lam thế kỷ 13.

Đồ sứ men trắng xanh gồm các loại hình đĩa trong lòng in nổi 2 hình cá, đĩa trong lòng có hình lá đề để mộc. Thân hộp hình tròn, thành cong, đế mộc. Ngoài ra trong tàu xuất hiện một số loại hình có men màu xanh ngọc sẫm, như loại nắp hình lá sen

Hoa văn vẽ trên đồ gốm tìm thấy trên tàu đắm cổ Bình Châu.

Qua xem xét các loại hình thuộc dòng đồ gốm men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh, chúng tôi cho rằng đây là các loại đồ gốm sứ thuộc thế kỷ 13. Đặc biệt, các đồng tiền tìm đươc, qua nghiên cứu cho thấy các đồng tiền muộn nhất cũng là thế kỷ 13.

Theo tài liệu Southeast Asian Ceramics Museum Newsletter (Volume VI Number 2-3-2013) ở trang 6 có đăng tải bài và ảnh của tác giả Walter Kassela về tàu cổ Quảng Ngãi Việt Nam. Bài báo này cũng cho rằng niên đại của hàng hóa trong tàu thuộc đầu thời Nguyên.

Như vậy, chúng tôi cho rằng niên đại hàng hóa trong tàu thuộc thế kỷ 13, cách ngày nay khoảng 700 năm, là con tàu đắm cổ nhất được tìm thấy trong vùng biển Việt Nam từ trước đến nay.

Cuộc khai quật khảo cổ học tàu đắm cổ Bình Châu là cuộc khai quật con tàu cổ thứ 6 trong vùng biển Việt Nam. Kết quả khai quật đã đóng góp vào việc nghiên cứu con đường tơ lụa gốm sứ trên biển Đông trong nhiều thế kỷ trước đây.

Các loại hình hiện vật mang lại nhiều nhận thức mới về đồ gốm sứ thế kỷ 13 ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Đây là những tài liệu hiện vật cổ đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.

Hiện trạng con tàu tuy cách ngày nay gần 700 năm nhưng còn khá nguyên vẹn có cấu trúc độc đáo hiếm thấy, là một hiện vật cổ quan trọng rất có giá trị đóng góp vào việc nghiên cứu tàu cổ trên thế giới.

Kết quả khai quật tàu đắm cổ Bình Châu đã thể hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa của tỉnh Quảng Ngãi là đúng đắn, có hiệu quả phù hợp với thực tế và là hiện tượng mới chưa từng có. Cuộc khai quật đã được sự quan tâm chỉ đạo tích cực của Bộ VHTT&DL, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi và các Sở ban ngành chức năng huyện Bình Sơn xã Bình Châu.

Trong quá trình thực hiên thể hiên rõ sự phối hợp của các thành phần tham gia. Các khâu khai quật, đóng gói, vận chuyên, bảo vệ, xử lý tại kho đều thực hiện theo đúng phương án đã được duyệt, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và hiện vật.

Công việc nghiên cứu về các loại hình hiện vật trong tàu cổ Bình Châu và việc xử lý bảo quản vỏ tàu cổ vẫn đang được tiếp tục triển khai. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có bản báo cáo khoa học đầy đủ về kết quả khai quật khảo cổ học dưới nước tàu đắm cổ Bình Châu.

Hình ảnh một số đồ gốm sứ men nâu và men ngọc thu được trên tàu đắm cổ Bình Châu:

TS. Nguyễn Đình Chiến- TS. Phạm Quốc Quân.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Chia sẻ: