Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/10/2013 00:00 351
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Tháp Mẫm là một di tích kiến trúc đền - tháp Champa nổi tiếng, nằm ở thôn Vạn Thuận, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, thuộc khu vực thành ngoại kinh đô Chà Bàn/Đồ Bàn của Vương triều Vijaya xưa. Di tích được nhà khảo cổ học người Pháp - J.Y. Clayes (Viện Viễn Đông Bác Cổ) phát hiện và khai quật lần đầu vào năm 1934.

Kết quả đã phát hiện được nền móng của một tháp thờ (Kalan) chính ở khu vực trung tâm và một khối lượng lớn hiện vật điêu khắc đá tinh xảo (theo thống kê lên đến 58 tấn)(1). Qua nghiên cứu, các học giả người Pháp đã xác lập một phong cách nghệ thuật Champa mới - phong cách tháp Mẫm, đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc Champa trên vùng đất Bình Định. Tuy nhiên, những thông tin cụ thể về quy mô, mặt bằng và kết cấu tổng thể của khu đền - tháp nổi tiếng này đã không được người Pháp quan tâm, làm rõ. Do vậy, di tích rất cần được đầu tư nghiên cứu một cách hệ thống và khoa học.

Bản vẽ phục dựng mặt bằng tổng thể di tích kiến trúc Tháp Mẫm.

Bản vẽ mặt bằng các hố khai quật di tích Tháp Mẫm.

Trên tinh thần đó, được sự đồng ý của UBND tỉnh Bình Định và thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 9 năm 2011, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định đã phối hợp tiến hành khai quật di tích Tháp Mẫm lần thứ 2. Với diện tích hơn 1.000m2 thám sát và khai quật, toàn bộ mặt bằng và dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Tháp Mẫm đã được xác định, làm rõ, đem đến những nhận thức mới về quy mô, bố cục và tính chất của di tích trong suốt quá trình tồn tại và biến đổi, bước đầu có thể khôi phục được diện mạo của di tích.

Qua kết quả khai quật cùng với những diễn biến địa tầng trong các hố đào, cho thấy di tích Tháp Mẫm được xây dựng trên một gò đất thấp (cao hơn mực nước biển 33m, rộng khoảng 2ha), được bao bọc bởi con sông La Vĩ, một nhánh của sông Kôn. Đây là một gò đồi tự nhiên, dốc dần từ Tây sang Đông và đã được cải tạo, bồi đắp, tạo mặt bằng để xây dựng kiến trúc bên trên. Qua nghiên cứu, nhận thấy ở 1/2 gò đất phía Tây, từ độ sâu 0m - 1,8m là lớp đất đắp, đất sét thuần, màu vàng, không lẫn tạp chất, đầm kỹ, rắn chắc. Từ độ sâu 1,81m - 4,8m là đất laterite thuần, đây là lớp đất tự nhiên của gò Tháp Mẫm; Ở 1/2 gò đất phía Đông, do là chân gò nên khi xây dựng, người Chăm đã đắp một lượng đất đáng kể, cao đến 3m, để tạo mặt bằng xây dựng kiến trúc. Đất đắp là đất sét vàng, thuần, được gia cố thêm các lớp đất laterite xen giữa các lớp đất sét vàng. Sau đó, từ độ cao 3m lên đến độ cao 4,8m lại tiếp tục được đắp đất gia cố bằng đất sét vàng, thuần, nện chặt. Điều này cho thấy, Tháp Mẫm là một khu di tích hết sức quan trọng, được đầu tư nhiều công sức, tiền của để thiết kế xây dựng.

Toàn bộ mặt bằng kiến trúc Tháp Mẫm được bố cục trong vòng tường bao hình chữ nhật, dài 41,6m (chiều đông - tây), rộng 32,8m (chiều nam - bắc), mặt chính quay về phía Đông, lệch bắc 10O, lấy núi Mò O làm Tiền án. Qua những dấu tích gia cố và và đáy móng được làm xuất lộ, có thể thấy được sự chắc chắn và kiến cố hệ thống tường bao của di tích. Ở khu vực phía đông, toàn bộ gia cố và móng tường rộng 6,0m, được kết cấu bởi 3 cấp khác nhau: Cấp 1 là lớp đáy móng, lót bằng đá ong, rộng 1,5m, cao 0,55m; Cấp 2 giật vào trong 0,8m, được xây ốp bằng gạch bìa hình chữ nhật, cao 1,7m, dày 0,7m, phía trong đầm bột gạch nện chặt, rộng 1,0m, tiếp đến là lớp đất sét vàng nện chặt, rộng 3,5m; Cấp 3 giật tiếp vào trong 1,8m, dưới đáy đầm một lớp bột gạch dày 5cm, phía trên xây ốp toàn bộ bằng đá ong, rộng 2,7m, cao bằng mặt nền của toàn bộ kiến trúc (cao hơn 2m) và ngăn cách với nền móng kiến trúc bằng lớp bột gạch đầm kỹ, rộng trên 40cm. Phía trên lớp đá ong này sẽ xây tường bao xung quanh, nhiều khả năng tường bao được xây bằng gạch bìa. Tương tự như vậy, ở khu vực phía nam, phía bắc và phía tây, do tận dụng được đất đồi laterite nguyên thủy nên việc gia cố móng tường bao đơn giản hơn, chủ yếu chỉ xử lý lớp đáy móng và bó móng bên ngoài, xong kết cấu 3 cấp và vật liệu ốp ngoài cũng giống với khu vực phía Đông.

Bên trong vòng tường bao là một tổ hợp kiến trúc đồ sộ, trong đó tháp Giữa là một Kalan chính, nằm ở vị trí trung tâm của di tích, xung quanh là các tháp thờ phụ, bao gồm tháp Nam, tháp Bắc, tháp Tây, tháp Cổng, tháp Hỏa và tháp Bia.

Dấu tích nền móng kiến trúc tháp Giữa.

- Tháp Giữa đã được tìm thấy trong đợt khai quật của người Pháp năm 1934, nền móng đã bị sạt phá nhiều. Dấu tích còn lại chỉ là một đường móng bó bằng đá ong, dài 3m, gồm 3 lớp đá xếp chồng lên nhau, chạy thẳng trục Đông - Tây. Căn cứ vết tích xuất lộ và qua ghi chép của người Pháp, có thể xác định kiến trúc tháp Giữa có mặt bằng rộng nhất so với hai kiến trúc tháp Nam và tháp Bắc, rộng trên 9m, đáy móng được gia cố bằng nhiều lớp đá ong xếp chồng lên nhau, không có mạch liên kết.

Dấu tích nền móng kiến trúc tháp Nam.

- Tháp Nam nằm sát mép trong của tường bao phía nam, cách tường bao phía Đông 23m, tường bao phía Tây 10,9m. Dấu vết gia cố còn lại là phần đáy móng, dài 7,7m, rộng 6,4m, cao 1,89m, được xử lý công phu bằng việc rải lớp đá núi ở dưới đáy, tiếp đến là lớp đá ong lót, phía trên được xếp chồng bởi các lớp gạch bìa vỡ, tận dụng, xen giữa các lớp gạch được đầm kỹ bằng đất laterite. Quan sát nhận thấy mặt phía bắc của đáy móng cũng đã bị sạt phá do mép hố khai quật của người Pháp năm 1934. Chắc chắn, khởi thủy kiến trúc tháp Nam có mặt bằng rộng trên 5m.

Dấu tích nền móng kiến trúc tháp Bắc.

- Tháp Bắc nằm đăng đối với tháp Nam qua trục trung tâm, có cùng tính chất, quy mô với tháp Nam, đáy móng kiến trúc còn lại cũng đã bị sạt phá nhiều, dài còn lại 7,5m, rộng 5,6m, cao 1,26m, mặt phía Nam đã bị sạt phá.

- Tháp Tây nằm ở sát mép tường bao phía Tây, thẳng trục Đông - Tây của toàn bộ khu di tích, cách đều mép trong của tường bao phía Nam và Bắc 13,075m. Dấu tích nền móng còn lại cao 1,27m, dài 6,65m, rộng 5m, tính chất và vật liệu gia cố tương đồng với gia cố nền móng kiến trúc tháp Nam và tháp Bắc.

Dấu tích nền móng kiến trúc tháp Tây.

Dấu tích nền móng kiến trúc tháp Hỏa và tháp Cổng.

- Tháp Hỏa/Tháp Lửa (Kosagraha) nằm ở phía Đông nam của tháp Giữa, sát ngay góc trong tường bao. Dấu tích còn lại là toàn bộ lớp gia cố nền phía dưới với các lớp đất laterite ken dày, đầm chắc. Những vị trí bổ móng trụ được gia cố công phu hơn với việc đầm đan xen và chồng lên nhau những lớp đất sét thuần và laterite cùng bột gạch. Dấu vết còn lại dài 11,7m (chiều Đông - Tây), rộng 6,5m (chiều Nam - Bắc), mặt nền còn tương đối nguyên vẹn, cao hơn cote nền chung của toàn bộ mặt bằng đáy móng các kiến trúc là 1,95m. Trên bề mặt còn dấu vết lớp lót móng bằng đá ong, dài 2,2m, rộng 0,4m, cao 0,4m. Ở mặt phía Bắc, đầu phía Tây còn dấu vết nền của cửa ra vào, rộng 2,8m.

- Tháp Cổng (Gopura) nằm ở chính giữa trục trung tâm, thẳng trục với tháp Giữa, tháp Tây, cách nền gia cố tháp Hỏa 4,1m. Dấu tích còn lại là những lớp gia cố chắc chắn có cùng tính chất, kết cấu với gia cố nền móng tháp Nam, tháp Bắc và tháp Tây. Ngoài ra, do vị trí được xây dựng trên nền đất đắp nên việc gia cố chân nền phía dưới chủ yếu sử dụng đất laterite nện chặt cùng đất sét thuần. Kích thước nền kiến trúc tháp Cổng dài 10,3m (nam - bắc), rộng còn lại 7,7m (đông - tây), cao còn lại 1,89m, mặt phía tây đã bị sạt phá do hố đào của Pháp năm 1934.

Từ tháp Cổng ra đến mép trong tường bao là nền sân, rộng 3,2m, được gia cố bằng các lớp gạch vỡ đan xen với đất sét. Phía ngoài tường bao phía đông, thẳng trục với tháp Cổng và nền sân là nền bậc cấp và lối đi chính vào trong di tích. Lối đi được bó bằng đá ong, lòng nền đầm đất sét nện chặt và ngăn cách với mép móng bó đá ong là lớp bột gạch đầm kỹ. Lối đi rộng 4,8m (nam - bắc), dài 2,7m (đông - tây), cao hơn cấp 3 chân móng tường bao là 1,35m, thấp hơn mặt nền tháp Hỏa 0,35m.

- Tháp Bia: Ở các nhóm đền tháp lớn và quan trọng, thường có thêm kiến trúc tháp Bia ở góc Đông bắc. Tại đây, chúng tôi đã tiến hành thám sát và xác định được dấu vết gia cố nền móng của một công trình. Tuy nhiên, do hạn chế mặt bằng và dấu vết đã bị sạt phá nhiều nên chưa xác định được quy mô cụ thể của công trình. Nhưng với việc phát hiện được nhiều mảnh đá có minh văn cùng gạch vỡ gia cố ở khu vực này đã cho thấy được vị trí của tháp Bia trong tổng thể di tích.

Dấu tích nền móng kiến trúc tháp Nhà dài-Tiền Đường.

Một vài nhận xét: Như vậy, qua gần 3 tháng tiến hành nghiên cứu, thám sát và khai quật, kết quả đã đem đến nhiều nhận thức mới, cung cấp nhiều thông tin bổ ích, xác đáng, giúp chúng ta hiểu biết sâu rộng hơn về di tích Tháp Mẫm, vốn từ lâu đã không chỉ rất nổi tiếng ở trong nước mà còn lan tỏa rộng rải ở nước ngoài. Dựa trên những kết quả nghiên cứu đó có thể xác định di tích Tháp Mẫm là một tổ hợp kiến trúc đồ sộ, với đầy đủ các loại hình kiến trúc quan trọng của một khu vực đền - tháp Champa, trong đó tháp Giữa nổi lên với vai trò là tháp chính, một Kalan rõ nét với quy mô và kết cấu lớn hơn hẳn các tháp phụ xung quanh. Qua đó có thể xác định tháp Giữa thờ thần Siva, các tháp phụ xung quanh là đền thờ các vị thần khác của Ấn Độ giáo như Brahma, Visnu hoặc các vị thần phương hướng (dikpalakas): Tháp Cổng thờ thần Sấm sét Indra, tháp Hỏa thờ thần Lửa Agni, tháp Nam thờ thần Chết/Diêm vương Yama, tháp Tây thờ thần Nước/Thủy Thiên Varuna, tháp Bắc thờ thần Tài lộc và Sức khỏe Kuvera.

Hướng chính của khu di tích là hướng Đông (lệch Bắc 10o), lấy ngọn núi lớn đứng độc lập giữa đồng bằng An Nhơn - núi Mò O làm tiền án. Ngọn núi này được xem là “chủ sơn” của vùng Vijaya cổ, có thể coi như ngọn núi thiêng tượng trưng cho thần Shiva.

Qua diễn biến địa tầng, tính chất di tích và các loại hình di vật thu được có thể xác định tổng thể di tích kiến trúc Tháp Mẫm được xây dựng trong cùng một giai đoạn, có thiết kế và huy động xây dựng đồng loạt, nhất thống. Kết hợp với minh văn trên các hiện vật khai quật năm 1934 đã được phiên dịch, có thể xác định niên đại xây dựng khu đền - tháp Mẫm vào khoảng nửa sau thế kỷ XIII(2).

Di tích nhiều khả năng bị triệt phá trong giai đoạn cuối thể kỷ XV bởi những cuộc chiến tranh. Nhiều hiện vật đá như bia ký, chóp tháp bị đập phá rất rõ nét. Trong giai đoạn thời kỳ Tây Sơn, đúng như báo cáo của J. Y. Claeys, nơi đây có thể là một khu vực vui chơi trong thành, đại đa số các mảnh sứ, gốm men, đất nung và đồ sành tìm thấy đều thuộc giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, phù hợp với bối cảnh lịch sử thời bấy giờ. Đồng thời những viên đạn gang, chì được tìm thấy ở đây càng minh chứng rõ nét cho giai đoạn chiến tranh khốc liệt diễn ra trên vùng đất này.

Từ những kết quả nghiên cứu, cho thấy di tích Tháp Mẫm là một di tích kiến trúc độc đáo, tiêu biểu cho các di tích kiến trúc đền - tháp Champa trên đất Bình Định. Việc phát hiện, tìm hiểu và nghiên cứu các tác phẩm điêu khắc đá ở đây đã sớm định hình một phong cách nghệ thuật nổi tiếng trong gần 100 năm qua, việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy phần "hồn, cốt" của nó ngay tại Tháp Mẫm là việc hết sức cần thiết và quan trọng. Rất mong chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm gìn giữ, những cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp để đánh giá giá trị di tích, khoanh vùng bảo vệ và phát huy một cách tối đa.

Nguyễn Ngọc Chất (phòng NCST)

Chú thích:

1. J.Y.Claeyes, Tháp Mẫm - Bình Định do Thúy - Hà lược dịch, trong Thông báo khoa học năm 2011 của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tr: 164 - 170.

2. Arlo Griffiths, Amandise Lepoutre, William A. Southworth và Thành Phần 2012. Văn khắc Champa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh: 95-104.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Di tích Bãi Cọi qua 3 lần khai quật

Di tích Bãi Cọi qua 3 lần khai quật

  • 14/08/2013 00:00
  • 395

Di tích Bãi Cọi thuộc địa phận xóm 1, thôn 9, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tọa độ địa lý của di tích được xác định là 18o36’577” vĩ Bắc, 105045’010” kinh Đông. Bãi Cọi là một cồn cát lớn kéo dài theo hướng đông tây khoảng 1km, rộng khoảng 800m có xu hướng thoải dần từ tây sang đông. Bãi Cọi nằm trong thung lũng của hệ thống núi Hồng Lĩnh.