Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

16/10/2013 00:00 371
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Từ ngày 15-10 đến 3-11, BQL các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật tại khu vực bãi cọc Yên Giang, phường Yên Giang và khu vực cánh đồng thuộc phường Hải Yến, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Di tích bãi cọc Bạch Đằng
Trong thời gian hơn 2 tuần, các nhà khảo cổ sẽ khai quật trên diện tích 200m², bao gồm: 100m² khu vực bãi cọc Yên Giang, 100m² khu vực cánh đồng thuộc phường Hải Yến. Bà Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) chủ trì cuộc khai quật.
Dấu tích phát hiện được qua các lần khai quật khảo cổ gồm 3 bãi chính: Bãi cọc Yên Giang (phường Yên Giang), bãi cọc Đồng Vạn Muối và bãi cọc Đồng Má Ngựa (phường Nam Hòa). Các bãi cọc gồm 3 loại gỗ cứng (lim, sến, táu) đều được phân bố với chiều dài hàng trăm mét, rộng hàng chục mét, chia thành nhiều lớp hình chữ chi theo chiều ngược với dòng sông. Các dấu tích khảo cổ học, loại hình và tính chất của các cọc gỗ được phát hiện và sử liệu cho thấy Trần Hưng Đạo đã huy động mọi nguồn lực cho trận đánh. Cuộc đại thắng giặc Mông - Nguyên năm 1288 trên sông Bạch Đằng đã ghi vào lịch sử dân tộc ta như một biểu tượng hào hùng, ý chí quật cường, tinh thần bách chiến bách thắng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Di tích quốc gia đặc biệt này mang giá trị nổi bật về lịch sử quân sự, văn hóa và giáo dục.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, qua nhiều lần khảo sát kể từ khi được phát hiện di tích vào năm 1953, giới nghiên cứu vẫn chưa dựng được sa bàn trận đánh, hoặc ít ra là tìm được các vết tích thuyền bè cháy, mảnh vũ khí... để xóa đi những hồ nghi rằng bãi cọc trên là sản phẩm của một công trình lấn biển trong lịch sử. Lần gần nhất vào năm 2011, chuyến khảo sát do Viện Khảo cổ tổ chức tại đây cũng gặp rất nhiều khó khăn do sự phức tạp của vùng sình lầy dưới đáy sông, cũng như các hạn chế về thiết bị chuyên dụng... đến giờ ngoài bãi cọc trận Bạch Đằng 1288, chúng ta gần như chưa có một thành quả gì.
Vì vậy, việc khai quật bãi cọc Yên Giang (phường Yên Giang) cũng sẽ là một phần giải đáp đang được mong đợi từ phía các nhà nghiên cứu cũng như công chúng.
Ngọc Hà
daidoanket.vn

Chia sẻ: