Thứ Hai, 21/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/10/2019 14:26 2691
Điểm: 4/5 (1 đánh giá)
Trống đồng là một loại nhạc cụ dân tộc cổ đại, đó là điều mà mọi người đã nói!

Chức năng âm nhạc của trống là do đâu, trước tiên do cấu tạo và hình dáng của trống: mặt trống là nơi đánh trống phát ra âm thanh, u tròn trên mặt là điểm đánh, thân trống là phần cộng hưởng âm, tai trống hỗ trợ khi sử dụng trống. Thứ đến là nguyên liệu chế tạo, kỹ thuật chế tạo… đều có tác dụng quan trọng đến chất lượng âm thanh của trống. Những yếu tố đó đều có biến đổi theo thời gian, theo trình độ của người thợ đúc trống, xu hướng của sự biến đổi khiến trống ngày càng hoàn thiện, chất lượng về hình dáng và âm thanh ngày càng tốt hơn.

Còn vấn đề tộc thuộc của trống được biểu hiện như thế nào? Chúng ta đều biết trên trống thường được trang trí hoa văn, hoa văn đó không liên quan đến chức năng âm nhạc của trống mà nó có quan hệ trực tiếp từ người thợ đúc trống với dân tộc, chủ nhân của những chiếc trống đó. Nền tảng của hoa văn đó là sự tái hiện tiêu chí của dân tộc, là tiêu chí của văn hóa đồ đồng, mà trống đồng là một di vật của văn hóa đó…

Những tư liệu phát hiện được đến nay cho thấy, trống đồng phân bố trong một khu vực khá rộng, vượt xa phạm vi cư trú của một dân tộc cổ đại cũng như dân tộc hiện tại. Một số tỉnh thành ở miền nam Trung Quốc như Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông… và một số nước ở Đông Nam Á như: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đều có phát hiện; đồng thời cũng hình thành các trung tâm phân bố như khu vực Điền Trì (Vân Nam, Trung Quốc), khu vực Bắc bộ (Việt Nam). Tại đây, trống đồng không những phát hiện nhiều mà chủng loại cũng phong phú, đan xen nhau…

Do vậy, trong quá trình nghiên cứu trống đồng, vấn đề tộc thuộc, vấn đề niên đại phát triển của trống trở thành những đề tài cơ bản, đầu tiên cần được quan tâm.

Sách trống đồng cổ đại Trung Quốc do Hội nghiên cứu trống đồng cổ đại Trung Quốc biên soạn, xuất bản năm 1998 là một tác phẩm lớn, nghiên cứu toàn diện về trống đồng cổ đại ở Trung Quốc.

Những người nghiên cứu trống đồng ở đây đã phân chia trên 1.400 chiếc trống tàng trữ ở Trung Quốc thành 8 loại hình phát triển khác nhau, trong đó 46 trống thuộc “Loại hình Thạch Trại Sơn”, chúng là những cột mốc chính trong tiến trình phát triển của trống đồng.

Trước tiên là vấn đề phân loại trống, theo tác giả của cuốn sách: “Trong việc phân tích loại hình trống đồng. Chúng tôi cho rằng, nên kết hợp phương pháp phân loại theo tiêu hình (hay trống tiêu chuẩn) với phương pháp phân loại tổng hợp để xác định thứ tự của loại hình và sử dụng phương pháp tiêu hình để xác định niên đại của các trống trong toàn bộ hệ thống, như vậy mới tương đối hợp lý” (Hội nghiên cứu trống đồng cổ đại Trung Quốc 1998).

“Tiêu hình” hay “trống tiêu chuẩn” của “Loại hình Thạch Trại Sơn” cụ thể như thế nào?

Ở đây, “trống tiêu chuẩn” gồm có: T.M1:32A, T.M1:58, T.M3:3, T.M6:2, T.M6:120, T.M11:1, T.M12:205, T.M13:2, T.M14:15, T.M14:18, T.M15:7, T.M16:3, T.M17:4, T.M13:3, T.M16:1… (T: Thạch Trại Sơn, M: mộ) (Hội nghiên cứu trống đồng cổ đại Trung Quốc 1998). Mười lăm chiếc “trống tiêu chuẩn” này đều phát hiện trong nhóm mộ cổ người Điền ở Thạch Trại Sơn. Nó là một nhóm gồm nhiều tiêu bản “chuẩn”, mà không phải là một chiếc trống cụ thể!

Trong nhóm những tiêu bản “chuẩn”, đa số là trống đồng, có một số không phải là trống đồng, cụ thể như:

Tiêu bản số 2 và 120 mộ số 6, là đồ tùy táng trong mộ vua Điền. Ở trang 6 của cuốn sách, chúng được coi là thùng đựng vỏ ốc hình trống. Nhưng đến trang 46, chúng lại được coi là trống đồng thuộc thời kỳ muộn “Loại hình Thạch Trại Sơn” và được chọn vào nhóm “trống tiêu chuẩn”. Còn theo như lời giới thiệu của các tác giả đối với chiếc số 120, một trong hai tiêu bản thì “giữa mặt không trang trí hoa văn, phía ngoài là vành hoa văn hình răng cưa kẹp bởi văn hình tròn đồng tâm, trên vành hoa văn lại nhô lên một đoạn ống tròn nhỏ…”(Hội nghiên cứu trống đồng cổ đại Trung Quốc 1998). Xem ra, hiện vật này không phải là thùng đựng vỏ ốc hình trống, mà cũng không phải là trống đồng có thể chỉ là một chiếc đế hình trống để đặt tượng, một loại đồ vật thường gặp trong các ngôi mộ cổ ở đây.

Chiếc số 205 mộ 12 ở Thạch Trại Sơn có hình dáng là một chiếc trống, giữa mặt đúc thành một lỗ tròn nhỏ, đường kính khoảng 15cm, để thả vỏ ốc biển, một thứ tiền của người Điền. Thùng đựng vỏ ốc hình trống là sản phẩm do người Điền đúc, là di vật điển hình, tiêu biểu cho văn hóa Điền và nó cũng được chọn làm “trống tiêu chuẩn”!

Lại còn các tiêu bản như: T.M1:32A, T.M15:7, T.M16:3… chúng đều là trống Đông Sơn, giữa mặt bị ghè thủng một lỗ nhỏ, đường kính từ 15 - 20cm, tương tự như thùng đựng vỏ ốc hình trống số 205 mộ 12 (trống minh khi số 12 mộ 24 ở Thạch Trại Sơn, giữa mặt cũng ghè thủng một lỗ tròn nhỏ). Những chiếc trống đồng Đông Sơn này đã bị người sử dụng ghè thủng mặt để đựng vỏ ốc, chúng không còn là trống đồng nhưng cũng được chọn làm “trống tiêu chuẩn”.

Như vậy, giá trị là “trống tiêu chuẩn” trong quá trình phân loại trống đồng sẽ được hiểu như thế nào? Nếu không muốn nói là không có giá trị!

Về tộc thuộc của trống “Loại hình Thạch Trại Sơn”, tác giả của cuốn sách đã lập luận: “Khu vực phân bố trống đồng loại hình Thạch Trại Sơn, về đại thể là khu vực phân bố của người Điền, người Lao Tẩm, người Mimạc, người Dạ Lang, người Câu Đinh và người Lạc Việt, có thể suy luận loại hình Thạch Trại Sơn là di vật của những dân tộc này chế tạo và sử dụng”(Hội nghiên cứu trống đồng cổ đại Trung Quốc 1998). Như vậy, sáu dân tộc đã cùng nhau chế tạo ra loại hình trống này bằng cách nào? Trong khu vực phân bố của “Loại hình Thạch Trại Sơn”, đến nay, văn hóa đồ đồng đã phát hiện gồm: văn hóa Đông Sơn của người Lạc Việt và văn hóa Điền của người Điền, còn bốn dân tộc (Lao Tẩm, Mimạc, Câu Đinh và Dạ Lang), chẳng lẽ họ chỉ biết chế tạo ra trống “Loại hình Thạch Trại Sơn”, còn văn hóa đồ đồng mà trống “Loại hình Thạch Trại Sơn” là một di vật, thì không thể(?). Đó là điều không diễn ra trong thực tế lịch sử!

 

Trống 15A mộ 14 – Thạch Trại Sơn

Để chứng minh nguồn cội của trống “Loại hình Thạch Trại Sơn”, cùng quá trình phát triển của trống, các nhà nghiên cứu trống đồng Trung Quốc đã chia nhỏ trống “Loại hình Thạch Trại Sơn” thành ba thời kỳ: sớm, giữa và muộn khác nhau và khẳng định trống “Loại hình Thạch Trại Sơn” đã sinh ra từ trống “Loại hình Vạn Gia Bá”, cuối cùng phát triển thành trống “Loại hình Lãnh Thủy Xung”:

Tiêu biểu cho thời kỳ sớm của trống “Loại hình Thạch Trại Sơn” gồm 4 trống. Những chiếc trống này đều được phát hiện ở bên ngoài nhóm mộ của người Điền ở Thạch Trại Sơn, và quan trọng hơn là: “Hoa văn trên những chiếc trống này tương đối đơn giản, bảo lưu đặc điểm của thời kỳ giữa và thời kỳ muộn của loại hình Vạn Gia Bá”(Hội nghiên cứu trống đồng cổ đại Trung Quốc 1998), trái lại trên những chiếc trống này lại không mang đặc điểm của trống “Loại hình Thạch Trại Sơn”, đó là điều không nên xảy ra ở đây! Sau đó, nhà khảo cổ học Trung Quốc - Lý Côn Thanh đã xếp các trống này về kiểu III, IV của “Loại hình Vạn Gia Bá” (Lý Côn Thanh 1998). Kết quả, “Loại hình Thạch Trại Sơn” không có giai đoạn sớm, điều đó đồng nghĩa giữa “Loại hình Thạch Trại Sơn” và “Loại hình Vạn Gia Bá” không có quan hệ nguồn gốc với nhau, “Loại hình Vạn Gia Bá” không sinh ra “Loại hình Thạch Trại Sơn”!

Trống “Loại hình Thạch Trại Sơn”, chỉ còn gồm các trống thời kỳ giữa và muộn của “Loại hình Thạch Trại Sơn”; gồm 40 trống, trong đó có 23 trống phát hiện trong nhóm mộ cổ của người Điền ở Thạch Trại Sơn và Lý Gia Sơn và trở thành nhóm trống chính, nhóm chủ thể của “Loại hình Thạch Trại Sơn”.

 

Trống 36 mộ 24 – Lý Gia Sơn

 

Trống Hoàng Hạ

Theo Trương Tăng Kỳ, nhà khảo cổ học Trung Quốc, ông đã từng tham gia khai quật ở Thạch Trại Sơn nhận xét: “Trong mộ táng khu vực Điền Trì phát hiện tương đối nhiều trống đồng, mặt trống phần lớn được trang trí văn mặt trời và văn chim bay, tang và lưng trống có văn ‘người lông chim’ đua thuyền và văn trâu bò… Loại trống này chế tạo đẹp, hoa văn nhiều… Trong văn hóa Đông Sơn - Việt Nam, cũng có trống đồng tương tự, hình dáng và hoa văn trang trí, đại thể tương tự như những chiếc trống tìm được ở Thạch Trại Sơn, Tấn Ninh”(Hội nghiên cứu trống đồng cổ đại Trung Quốc 1998). Trương Tăng Kỳ đã có nhận xét chính xác. Hoa văn “người lông chim” trong đó, đồ án chính là hình “người lông chim” (HI), ngoài ra là cảnh lễ hội truyền thống của người Lạc Việt, hình ảnh quần thể động vật trong cùng môi trường sinh sống với người Lạc Việt…

 

Trống Ngọc Lũ

 

Trống Miếu Môn

Hoa văn “người lông chim” không chỉ trang trí trên trống đồng, mà còn trang trí trên các đồ đồng khác của văn hóa Đông Sơn như: thạp, thố, chậu, rìu các loại, hộ tâm phiến… đó là những hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn. Một khi trên một di vật nào đó có trang trí loại hoa văn này được phát hiện ngoài vùng phân bố của văn hóa Đông Sơn, không vì địa điểm phát hiện, nó vẫn là di vật của văn hóa Đông Sơn hoặc có quan hệ nguồn gốc từ văn hóa Đông Sơn. Chiếc trống “Thổ.1011” là một ví dụ. Năm 1955, trống phát hiện trong một ngôi mộ quách gỗ thời Tây Hán, chôn cùng với trống còn có trên 30 đồ vật khác bằng đồng, bằng sắt và tiền ngũ thù… Đường kính mặt trống 42,3cm, trên mặt trống có 8 vành hoa văn, giữa mặt trống là văn mặt trời 8 cánh, giữa các cánh điền đầy văn lông chim, từ vành 2 đến 4, từ 6 đến 8 là văn răng lược kẹp giữa văn cuộn tròn, vành hoa văn chính là văn chim bay… Hoa văn trang trí trên trống là hoa văn “người lông chim”, do vậy trống là trống Đông Sơn. Kết quả phân tích đồng vị chì của trống cũng đã xác nhận điều đó: “Số đồng vị chì của trống trong trường I phân bố đồng vị chì của trống Đông Sơn, thực nghiệm đã chứng minh chiếc trống này, sau khi đã được chế tạo ở khu vực văn hóa Đông Sơn, thông qua con đường nào đó, đưa đến Quý Huyện - Quảng Tây”. Giáo sư Vạn Phụ Bân cùng đồng nghiệp đã kết luận như vậy, sau khi phân tích đồng vị chì của trống. Quy mô của ngôi mộ quách gỗ tương đối lớn, đồ tùy táng nhiều. Chủ mộ có thể là một viên quan, đã từng được phái đến đất Giao Chỉ làm quan, khi cáo lão về quê chắc đã mang theo chiếc trống này.

 

Trống Khai Hóa

 

Thạp đồng của văn hóa Đông Sơn

Như vậy, “Trong nhóm mộ táng khu vực Điền Trì tìm được nhiều trống đồng, trên mặt phần lớn trang trí văn mặt trời và văn chim bay, tang và lưng trống có văn “người lông chim” đua thuyền và văn trâu bò…” như Trương Tăng Kỳ nhận xét là trống Đông Sơn và trống có nguồn gốc từ trống Đông Sơn. Đáng chú ý là trống số 3 mộ 13 ở Thạch Trại Sơn, hoa văn tả thực được đúc cùng với trống đã bị cạo đi còn sót lại một phần, một loại hoa văn tả thực mới được khắc đè lên. Loại hoa văn này khác với loại hoa văn “người lông chim”, đó là người mặc áo dài kẻ sọc, tay cầm qua đồng, một loại di vật của văn hóa Điền, đứng trên thuyền vốn là loại hoa văn gốc, mặt hướng Tây, ngược chiều với người ngồi chèo thuyền; cùng những con vật sinh sống trong cùng môi trường với người Điền ở vùng Điền Trì như: hổ, khỉ, chim công, uyên ương… (Hội nghiên cứu trống đồng cổ đại Trung Quốc 1998)(HII). Hoa văn tả thực loại này còn được trang trí trên đồ đồng khác của văn hóa Điền như trên thùng đựng vỏ ốc hình trống số 205 mộ 12 (HII3), là loại di vật điển hình, tiêu biểu của văn hóa Điền. Hoa văn tả thực loại này là hoa văn của văn hóa Điền, là tiêu chí của dân tộc chủ thể của nước Điền - người Điền. Chiếc trống số 3 mộ 13 ở Thạch Trại Sơn, là một chiếc trống Điền, do người Điền chế tạo ra bằng cách chuyển đổi tiêu chí của người Lạc Việt sang tiêu chí của người Điền.

Đến nay, đã phát hiện hơn 10 chiếc trống Điền, số lượng không nhiều, song chủng loại khá phong phú, có trường hợp là do chuyển đổi tiêu chí tộc thuộc như chiếc trống số 3 mộ 13 (đã nói ở trên), có trường hợp mô phỏng trống Đông Sơn như chiếc số XV ở Lào Cai - Việt Nam, còn lại là những chiếc trống do người Điền đúc… Phương pháp chế tạo tuy có khác nhau, song chúng có đặc điểm chung: bên cạnh hoa văn tả thực của văn hóa Điền, hình dáng trống, hoa văn trang trí chủ yếu là hoa văn hình học, vẫn bảo lưu đặc điểm của văn hóa Đông Sơn. Điều đó, đã chứng minh trống Điền và trống Đông Sơn có quan hệ nguồn gốc với nhau, trống Điền phái sinh ra từ trống Đông Sơn. Một số lượng lớn trống Đông Sơn tồn tại trong đời sống người Điền là tiền đề quan trọng cho trống Điền ra đời, còn cung cấp một khối lượng lớn trống Đông Sơn để người Điền sử dụng làm thùng đựng vỏ ốc, trên 40 đồ vật có liên quan mật thiết với trống đồng phát hiện trong mộ người Điền ở Thạch Trại Sơn là một bằng chứng cụ thể. Do vậy, với người Điền, trống đồng là một thứ ngoại lai, có nguồn gốc từ bên ngoài nên không phải là “quốc bảo”, trống có thể tùy ý sử dụng, tùy ý chuyển đổi theo nhu cầu của mình, thậm chí mộ vua có thể không chôn theo trống đồng… Ngược lại, có hiện tượng đáng chú ý, mộ có chôn theo trống đồng; ít là một chiếc, nhiều có tới 4-5 chiếc, trong 5 ngôi mộ của người Điền ở Lào Cai, phát hiện được 19 trống… Ở đây, trống đồng tương tự như một tài sản riêng, tương tự như chiến lợi phẩm của chủ mộ… Những hiện tượng này, chưa từng phát hiện trong văn hóa Đông Sơn, là tư liệu quan trong để nghiên cứu xã hội của người Điền!

 

Trống “Chuyển hóa thuộc tộc” số 3 mộ 13 – Thạch Trại Sơn

 

Trống Hộ Lý số 3

 

Thùng đựng vỏ ốc hình trống số 2 một 12 – Thạch Trại Sơn, văn hóa Điền

Niên đại của trống Điền như trên đã nêu, trống Điền là trống phái sinh ra từ trống Đông Sơn, do vậy niên đại sớm của trống Điền không thể sớm hơn niên đại xuất hiện của trống Đông Sơn ở vùng này. Theo sách Trống đồng cổ đại Trung Quốc,  trống số 3 mộ 13 ở ThạchTrại Sơn được xếp vào niên đại cuối của sưu tập trống trung kỳ Thạch Trại Sơn, thuộc trung kỳ Tây Hán. Căn cứ vào đồ tùy táng trong mộ số 13 chôn cùng với trống số 3 còn có 4 đồng tiền bán lạng thời Văn đế Tây Hán (năm 179 trước Công nguyên), đã xác nhận niên đại trung kỳ Tây Hán là niên đại sớm của trống Điền. Năm 1993-1994, ở Lào Cai - Việt Nam phát hiện một nhóm mộ của người Điền, chôn theo 19 chiếc trống. Phát hiện này đã xác nhận ba loại trống: trống Đông Sơn, trống Điền và trống Vạn Gia Bá có quá trình phát triển song hành với nhau, ít ra đến sơ kỳ Đông Hán (Nguyễn Văn Hảo 2018: 212). Theo nghiên cứu của Trương Tăng Kỳ: “Đến sơ kỳ Đông Hán, vua Điền và danh xưng của vua Điền rất ít được bổ sung trong những tư liệu có liên quan. Đến trung kỳ Đông Hán, một nước Điền có hàng trăm năm phát triển đã biến mất trong lịch sử ở Vân Nam, kẻ thống trị nước Điền hiển hách một thời và nền văn hóa đồ đồng rực rỡ của nước Điền nằm ngủ yên dưới lòng đất hoang vu ở Thạch Trại Sơn - Tấn Ninh, và mọi người đã quên lãng”(Trương Tăng Kỳ 1997). Cùng vận mệnh với người Điền, trống Điền đã thành loại trống đoản mệnh, không còn phát triển thành loại trống muộn sau đó. Do vậy, trống Điền chỉ tồn tại trong khoảng từ trung kỳ Tây Hán đến trung kỳ Đông Hán, một khoảng niên đại không dài.

Như vậy, khu vực Điền Trì, trung tâm phân bố của trống đồng được mệnh danh là trống “Loại hình Thạch Trại Sơn” tồn tại hai loại trống: trống Đông Sơn do người Lạc Việt chế tạo và trống Điền - loại trống phái sinh ra từ trống Đông Sơn của người Điền; còn trống “Loại hình Thạch Trại Sơn” do 6 dân tộc (Điền, Lao Tẩm, Mimạc, Dạ Lang, Câu Đinh và Lạc Việt) chế tạo và sử dụng, chưa từng xuất hiện ở đây, cũng như trong lịch sử phát triển của trống đồng!

Nguyễn Văn Hảo

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Hảo 2018, “Nhóm mộ cổ phát hiện ở Lào Cai - Việt Nam (1993-1994), chủ mộ là người Lạc Việt hay người Điền”, Khảo cổ học (2), tr. 212.

2. Hội Nghiên cứu trống đồng cổ Trung Quốc 1998, Trống đồng cổ Trung Quốc, Nxb. Văn vật, Trung Quốc.

3. Trương Tăng Kỳ 1997, Nước Điền và văn hóa Điền, Nxb. Mỹ thuật Vân Nam.

4. Lý Côn Thanh 1998, “Bàn về trống loại hình Vạn Gia Bá”, Tập luận văn khảo cổ học Vân Nam, Nxb. Nhân dân Vân Nam.

 

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

Loại hình chân chạc trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên

  • 11/06/2019 08:28
  • 4967

Là loại hình di vật độc đáo xuất hiện từ văn hóa Phùng Nguyên và tồn tại qua các giai đoạn văn hóa tiếp sau (Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn). Đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như chức năng của loại hình hiện vật này. Chúng được gọi bằng nhiều tên khác nhau như hòn kê, ông đầu rau, vật hình cốc, vật hình phễu, vật hình sừng bò, vật giữ lửa, chân giò, chân chạc, vật có liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy... Đến nay tên gọi chạc gốm được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn cả. Chạc gốm được tạo bằng tay, chất liệu gốm thô pha nhiều cát sạn sỏi nhỏ, đa số có văn thừng, một số ít trang trí văn khắc vạch. Chạc gốm chia thành hai phần: Phần cốc loe ở trên và phần chân ở dưới. Kích thước to nhỏ khác nhau.

Bài viết khác