Thứ Sáu, 03/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

11/12/2013 12:11 5452
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cùng thời gian khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm, năm 1998 - 1999, con tàu cổ ở vùng biển Cà Mau cũng được tiến hành khai quật khảo cổ học. Đây là cuộc khai quật hoàn toàn do cán bộ, kỹ thuật viên Việt Nam với kinh phí do nhà nước cấp khoảng 13 tỷ đồng.

Con tàu bị chìm ở độ sâu 36m, dài 24 m, rộng 8m. Qua phân tích mẫu gỗ tàu, các nhà khoa học Viện Lâm nghiệp đã xác định là loại gỗ kim giao đế nạc. Không kể phần cổ vật bị trục vớt trái phép của ngư dân, cuộc khai quật khảo cổ học đã thu được trên 60 nghìn hiện vật. Hàng hoá trong tàu này là đồ gốm sứ sản xuất ở khu lò Cảnh Đức trấn tỉnh Giang Tây, lò gốm vùng Quảng Đông. Các vật dụng của thuỷ thủ đoàn cũng thấy nhiều chảo gang, đèn, chậu, hộp, khoá bằng đồng, dấu triện và nghiên mực đá...

Đề tài trang trí đồ gốm sứ không chỉ là các loại theo truyền thống Trung Quốc mà còn có phong cảnh nhà cửa châu Âu, như loại đĩa sứ hoa lam với 5 cỡ từ to đến nhỏ, những bình đựng sữa, những cốc uống bia có quai... Điều đó chứng tỏ hàng hoá trong tàu là loại sản xuất theo đơn đặt hàng của châu Âu. Minh văn viết bằng men lam trên nhiều bát và chén sứ trong tàu cho phép xác định niên đại hàng hóa của tàu vào đời Ung Chính nhà Thanh (1723 - 1735).

Kết quả khai quật tàu cổ Cà Mau còn góp phần khẳng định nguồn gốc gần 60 nghìn đồ gốm sứ khác do các ngư dân trục vớt trái phép đã được các ngành nội vụ thu giữ về kho bảo tàng.

Tàu cổ Bình Thuận được Chính phủ cho phép khai quật năm 2001 - 2002. Tàu dài 23,4 m, rộng 7,2m, được đóng bằng loại gỗ tốt và chia làm 25 khoang. Tàu nằm ở độ sâu 39 - 40 m. Cuộc khai quật khảo cổ học đã đưa lên bờ trên 60 nghìn hiện vật là đồ gốm được sản xuất ở vùng Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến và Sơn Đầu phía bắc tỉnh Quảng Đông. Sưu tập gốm sứ tàu cổ Bình Thuận cho thấy sự phong phú của loại đồ sứ men trắng, men trắng vẽ nhiều màu, hoa lam kết hợp nhiều màu, đồ sứ hoa lam và đồ gốm men nâu đen, xanh lục. Đại đa số đồ sứ vẽ nhiều màu là bát đĩa, nay đã bị biến màu. Nhiều chiếc đĩa sứ hoa lam vẽ phượng và hoa lá trong tàu này là thuộc cùng loại với đĩa sứ hoa lam phát hiện trong các ngôi mộ cổ ở Hòa Bình và Lâm Đồng. Điều đó cũng chứng tỏ một thời kỳ hàng hóa gốm sứ xuất khẩu của Trung Quốc ra vùng Đông Nam Á.

Một số hình ảnh hiện vật tàu cổ Cà Mau:

Tàu cổ Bình Thuận được xác định niên đại vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, tương ứng niên hiệu Vạn Lịch, thời Minh. Bảo tàng Bình Thuận đã được lưu giữ sưu tập độc bản tàu cổ Bình Thuận gồm 191 hiện vật (bao gồm cả đồ dùng của thủy thủ đoàn), 1 sưu tập đầy đủ gồm 246 hiện vật và 1 sưu tập vừa gồm 173 hiện vật. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được nhận 1 sưu tập đầy đủ gồm 246 hiện vật và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được nhận 1 sưu tập vừa gồm 173 hiện vật.

Như vậy là, với 5 con tàu cổ được khai quật, nhiều bảo tàng đã được tiếp nhận những sưu tập hiện vật rất có giá trị, tăng cường cho kho tàng di sản văn hoá quốc gia. Qua khai quật 5 con tàu chúng ta còn khẳng định "con đường tơ lụa" gốm sứ qua vùng biển Việt Nam ở thế kỷ 15-18. Hơn thế nữa, những phần tài sản mang đấu giá (hoặc sẽ được bán trong thời gian tới) cũng là nguồn giá trị kinh tế khá lớn. Ví như, 25 nghìn hiện vật tàu cổ Hòn Cau, được bán đấu giá ở Hà Lan, năm 1992, thu được 6,7 triệu USD.

Như vậy là mới qua hơn 10 năm, ngành khảo cổ học Việt Nam đã khai quật 5 con tàu cổ, có niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Trong đó, tàu cổ Cù Lao Chàm, thế kỷ 15, chở hàng gốm Việt Nam xuất khẩu, với số chủng loại gốm phong phú, đạt chất lượng cao thuộc các dòng gốm men trắng, men hoa lam, men nhiều màu kể cả việc vẽ vàng kim trên men, lần đầu tiên mới được biết đến trên đồ gốm Việt Nam. Tàu cổ Hòn Dầm, thế kỷ 15, chở hàng xuất khẩu sản xuất từ khu vực lò Sawankhalok (Thái Lan). Ba con tàu khác chở hàng gốm sứ do Trung Quốc sản xuất: Tàu cổ Bình Thuận có niên đại cuối thời Minh (thế kỷ 16 - 17), gồm chủng loại đồ gốm sứ sản xuất từ khu vực lò Chương Châu tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông.

Tiếp theo là Tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu), có niên đại 1690, dưới đời Khang Hi nhà Thanh, với các chủng loại đồ gốm sứ sản xuất ở khu vực lò Cảnh Đức Trấn tỉnh Giang Tây, lò Đức Hóa, tỉnh Phúc Kiến, lò Quảng Châu tỉnh Quảng Đông.

Một số hình ảnh khai quật tàu cổ Bình Thuận :

Tàu cổ Cà Mau, có niên đại 1723-1735, dưới đời Ung Chính nhà Thanh. Các chủng loại đồ gốm sứ cũng phản ánh nguồn gốc sản xuất giống như tàu cổ Hòn Cau...

Việc khai quật 5 con tàu cổ trên đây đã góp phần chứng minh "con đường gốm sứ" trên biển Việt Nam ở thế kỷ 15 - 18.

Nhưng thành tựu đáng kể hơn là việc định hình cho một ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam , chỉ với hơn 10 năm, qua 5 cuộc khai quật khảo cổ học với nhiều phương thức thực hiện khác nhau nhưng đã cho phép chúng ta rút ra nhiều kinh nghiệm và bài học bổ ích để có thể tự mình xử lý một công trường khảo cổ học dưới nước.

Những khó khăn trở ngại:

Khai quật khảo cổ học dưới nước bao giờ cũng chịu một sức ép rất lớn là về mặt kinh phí. Tàu cổ bị chìm thường nằm xa bờ và rất sâu dưới đáy biển. Chính vì thế, mỗi khi phát hiện ra dấu tích một con tàu cổ ở đâu là đặt thêm cho địa phương đó một nhiệm vụ trông giữ rất tốn kém. Việc chi phí trông giữ bảo vệ điểm tàu cổ có khi phải kéo dài qua hàng mấy tháng vì phải chờ các cấp hoàn thành phê duỵệt dự án, hình thành ban bệ và nhiều khi phải chờ điều kiện thời tiết cho phép.

Ở nước ta, cho đến nay chưa thành lập được một trung tâm khảo cổ học dưới nước chưa có. Viện khảo cổ học thuộc trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia cũng chưa có chuyên gia trong lĩnh vực này. Cho nên 5 cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước vừa qua, đã được tiến hành đều do một cơ quan không có chức năng khảo cổ học là Visal tham gia, và một bộ máy điều hành cũng không có chuyên gia khảo cổ học dưới nước. Tôi và các đồng nghiệp khác tuy được đào tạo khảo cổ học nhưng khi được Bộ Văn hóa - Thông tin chỉ định làm Trưởng ban khai quật tàu cổ Cà Mau và Bình thuận cũng thực sự rất lấy làm lo lắng. Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam, chúng tôi là những người yêu nghề và liều lĩnh nên cấp trên điều động làm một công việc mới, vẫn luôn phải sẵn sàng. Vừa làm vừa học và vì vậy, kết quả thực hiện rõ ràng còn nhiều hạn chế.

Khó khăn trở ngại cho các cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam còn ở khâu hình thành văn bản pháp luật, Nghị định và việc triển khai theo các phương thức khác nhau, chế độ chính sách đặc thù chưa thỏa đáng.

Những điều kiện phương tiện phục vụ cho công trường tuy đã có cố gắng và học hỏi ở các đồng nghiệp nước ngoài nhưng trong thực tế còn nhiều khi bất cập. Chỉ với đầu camera quay phim dưới nước bị hỏng, công trường ngưng nghỉ. Các thiết bị cũ kỹ sẽ thiếu an toàn cho việc lặn, khó khăn thêm cho người điều hành. Nước uống, nước ăn đựng trong thùng sắt không sạch gây ra bệnh tật. Sóng cấp 6, 7, biển động cả công trường ăn ngủ trong thế nghiêng ngả. Nhiều người say sóng, nôn mửa, không ăn, không ngủ, sức khỏe giảm sút. Những nhà khảo cổ chỉ quen thao tác xử lý trên bờ nay không thể lặn sâu dưới biển mà phải theo dõi qua màn hình, nhờ tay mắt các chuyên viên lặn. Mặt biển thì sóng to, dưới biển thì dòng chảy mạnh làm cho khung ô khai quật bị xê dịch, phao điểm đánh dấu vị trí công trường nhiều lúc thay đổi... cùng biết bao khó khăn khác.

Mỗi công trường khảo cổ học dưới nước khi thực hiện đều phải làm theo một quy trình thống nhất để có thể theo dõi quản lý từng hiện vật từ vị trí ô khai quật trong tàu, ở giỏ đựng số mấy thuộc ca lặn của ai, ngày tháng năm nào... cho tới khi hiện vật đó vào kho bảo tàng được ngâm rửa mặn, đăng ký số hiệu kiểm kê vào sổ sách đăng ký tài sản quốc gia. Chúng tôi đã phải rút kinh nghiệm từ các công trường đầu tiên để xử lý sao cho nhanh gọn, chính xác, khoa học nhất.

Hướng đến tương lai:

Biển Việt Nam với trên 3000 km, còn ẩn giấu nhiều chứng tích những con tàu cổ nằm trên hải trình giao lưu quốc tế qua nhiều thế kỷ trước đây. Với kết quả khai quật 5 con tàu cổ, chúng ta thấy nhiều vấn đề đã và đang đặt ra với các cấp có thẩm quyền. Việt Nam ta cần phải có một trung tâm khảo cổ học dưới nước? Cơ quan nào sẽ có trách nhiệm điều hành? kèm theo việc lập ra trung tâm này cần phải trang bị các phương tiện tàu thuyền cùng các thiết bị vật tư dùng cho nghiệp vụ. Việc đào tạo những chuyên gia khảo cổ học dưới nước theo hệ chính quy ở trong hay ở ngoài nước? Điều đó liên quan đến trách nhệm của các cơ sở đào tạo là Trường, là Viện?

Các văn bản pháp qui, Nghị đinh cần được ban hành sớm và có hướng dẫn thi hành rộng rãi trong các địa phương, nhất là vùng ven biển sao cho các thông tin về tàu cổ được xử lý nhanh chóng, kịp thời, an toàn, hiệu quả. Việc khen thưởng, kỷ luật cần làm đúng nơi, đúng chỗ, khuyến khích người có công bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa dưới nước. Cho đến khi nào chúng ta sẽ có thể khảo sát, đánh giá đầy đủ và lên được tấm bản đồ các di tích khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam? Bao giờ đây chúng ta mới có thể chủ động xử lý và phát huy trọn vẹn những giá trị của các kho báu vật ở biển Việt Nam? Tất cả các câu trả lời đang còn chờ phía trước .

TS. Nguyễn Đình Chiến – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam (Phần 1)

Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam (Phần 1)

  • 06/12/2013 15:45
  • 4168

Hơn 10 năm trước đây, trên nhiều tờ báo rộ lên tin những giỏ cần xé đựng đầy cổ vật được bán trên đường Lê Lợi, đường Lê Công Kiều, TP. Hồ Chí Minh. Đó là hiện tượng những cổ vật trong con tàu đắm ở Hòn Cau bị vớt trộm và mang ra bán trái phép. Dạo đó, tàu Hòn Cau được gọi là con tàu đắm ở toạ độ X. Cũng hơn 10 năm trở lại đây, giới khảo cổ học Việt Nam mới quen dần với cụm từ "Khảo cổ học dưới nước".