Hơn 10 năm trước đây, trên nhiều tờ báo rộ lên tin những giỏ cần xé đựng đầy cổ vật được bán trên đường Lê Lợi, đường Lê Công Kiều, TP. Hồ Chí Minh. Đó là hiện tượng những cổ vật trong con tàu đắm ở Hòn Cau bị vớt trộm và mang ra bán trái phép. Dạo đó, tàu Hòn Cau được gọi là con tàu đắm ở toạ độ X. Cũng hơn 10 năm trở lại đây, giới khảo cổ học Việt Nam mới quen dần với cụm từ "Khảo cổ học dưới nước".
Ngành khảo cổ học Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và thu được rất nhiều thành tựu. Năm 2001, Viện Khảo cổ học thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia tổ chức Hội nghị quốc tế " Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam". Đóng góp của ngành khảo cổ học với việc tìm hiểu lịch sử nước nhà thật là rất lớn. Đặc biệt là làm sáng rõ hơn về lịch sử thời đại các vua Hùng dựng nước. Hệ thống các di tích văn hoá kế tiếp nhau, đã được nghiên cứu khám phá, chứng minh sự phát triển và đấu tranh kiên cường của nhân dân ta qua lịch sử 4000 năm.
Nhưng khảo cổ học dưới nước, một lĩnh vực rất mới đối với khảo cổ học Việt Nam, xem như mới hình thành và phát triển chỉ hơn 10 năm qua.
Những thành tựu của khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam:
Với chỉ hơn 10 năm, đã có 5 con tàu cổ bị đắm trong vùng biển Việt Nam được Chính phủ cho phép khai quật khảo cổ học.
Điểm lại từ cuộc khai quật con tầu cổ đầu tiên ở toạ độ X, năm 1990 là tầu cổ Hòn Cau, đến cuộc khai quật con tàu cổ Bình Thuận năm 2002, khảo cổ học Việt Nam đã chứng tỏ khả năng độc lập xử lý với một con tàu cổ. Những công trường khảo cổ ngoài biển Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện, và các chuyên gia lặn cấp 3.1.U của Xí nghiệp Liên hợp trục vớt cứu hộ Visal được giao một nhiệm vụ mới: tham gia khai quật khảo cổ học.
Một số hình ảnh về hiện vật khai quật từ con tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa- Vũng Tàu).
Kết quả cuộc khai quật tàu cổ Hòn Cau rất khả quan. Sau hơn 3 mùa khai quật, con tàu chìm dưới cát biển 0.6 - 1m, dưới độ sâu 40 m so với mặt biển đã được khám phá. Con tàu có chiều dài 32,71m, rộng 9m. Mặc dù con tàu đã bị ngư dân khai thác trái phép, dùng lưới cào quét trước đó nhưng số hiện vật còn thu được là trên 60 nghìn. Các nhà khảo cổ học thuộc Hội đồng giám định cổ vật Bộ Văn hoá - Thông tin đã tiến hành giám định, phân loại. Hàng hoá trong tàu chủ yếu là đồ gốm sứ của Trung Quốc, sản xuất từ khu vực lò Cảnh Đức trấn tỉnh Giang Tây, lò Đức Hoá tỉnh Phúc Kiến, để xuất khẩu sang châu Âu. Sản phẩm gốm sứ được chế tạo tinh xảo với hoa văn mang đặc điểm truyền thống Trung Quốc cùng những đề tài phong cảnh nhà cửa châu Âu. Cả những trang thiết bị trên tàu như đồng hồ đo thời gian bằng ánh sáng mặt trời, súng thần công... được sản xuất từ châu Âu. Ngoài ra, hiện vật trong tàu cũng còn thấy những đồ dùng của thủy thủ đoàn như chảo gang, khay, siêu đun nước, bát, đĩa, gương soi bằng đồng, nhíp nhổ râu, que móc ráy tai...
Nghiên mực bằng đá cùng với thoi mực nho bị cháy mà trên rìa cạnh có in nổi 2 chữ Canh Ngọ. Chính đây là một thông tin quan trọng cho việc xác định niên đại con tàu bị chìm khoảng năm 1690. Đây cũng là niên đại con tàu được hãng Christies đưa vào catalogue đấu giá một phần hiện vật tàu Hòn Cau tại Hà Lan năm 1992.
Năm 1991, chỉ vài tháng sau cuộc khai quật tàu cổ Hòn Cau, những chuyên viên lặn của Visal lại đến với công trường khai quật tàu cổ Hòn Dầm (Kiên Giang). Vị trí phát hiện tàu nằm cách Hòn Dầm 5 km, thuộc vùng biển xã An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tàu này nằm ở độ sâu 17 m, có chiều dài gần 30 m, rộng 7 m, còn nhiều khoang hầm ở phần giữa tàu, mỗi khoang rộng 1,8 m. Hàng hoá trong tàu khai quật được hơn 10 nghìn , chủ yếu là đồ gốm men ngọc với nhiều sắc độ khác nhau. Các nhà khảo cổ học đã so sánh và xác định nguồn gốc đồ gốm này được sản xuất ở khu vực lò Sawankhalok (Thái Lan) vào thế kỷ 15.
Một số hình ảnh về hiện vật khai quật từ con tàu cổ Hòn Dầm (Kiên Giang).
Trong khoảng 1997- 2000, tàu cổ Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) đã được Chính phủ cho phép tổ chức khai quật khảo cổ học với phương thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, quyền lợi được hưởng về phía Việt Nam là được lựa chọn sưu tập hiện vật độc bản cùng với 30 % tổng số hiện vật. Tàu cổ nằm ở độ sâu 72m, dài 29,4m, rộng 7,2m. Tổng số hiện vật thu được hơn 240 nghìn. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Hà Nội (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) được Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép tiếp nhận sưu tập độc bản bản này với 789 hiện vật bao gồm chỉ những loại có duy nhất 1 bản trong đó có những đồ gốm sứ Trung Quốc, Thái Lan... là đồ dùng của thủy thủ đoàn. Ngoài ra, là những vật dụng bằng kim loại khác như nồi, chảo, cốc, tiền đồng, nhẫn vàng... Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (BTLSQG) còn được tiếp nhận hơn 4300 hiện vật trong số 10 % chia cho các bảo tàng. Hàng hóa trong tàu được xác định vào khoảng thế kỷ 15, và đây là những tiêu bản được coi là loại hàng gốm xuất khẩu sớm nhất của Việt Nam.
Một số hình ảnh về hiện vật khai quật từ con tàu cổ Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam).
Như vậy là, sau cuộc khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm đã có 5 bảo tàng được tiếp nhận quản lý và trưng bày là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (BTLSQG), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hải Dương, nơi có những dấu tích lò gốm sản xuất cho xuất khẩu ở thế kỷ 15 và Bảo tàng Quảng Nam, nơi phát hiện tàu cổ.
(Còn tiếp........)
TS. Nguyễn Đình Chiến – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia