Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/12/2013 09:50 4013
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Cuối tháng 9 năm 2013, nhằm bổ sung tư liệu cho trưng bày chuyên đề Báu vật Khảo cổ học Việt Nam sẽ diễn ra tại một số bảo tàng quốc gia Đức (2014-2016), các chuyên gia khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Viện Khảo cổ học Đức đã tiến hành khảo sát thực địa tại thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng - nơi phát hiện ngôi mộ cổ Việt Khê nổi tiếng cách đây hơn nửa thế kỷ.

Ngôi mộ này đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1, Phạm Ngũ Lão, Hà Nội.

1. Theo các tài liệu hiện biết, trong khoảng tháng 3 đến tháng 5 năm 1961, tại công trường khai thác đất Việt Khê (thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) công nhân đã phát hiện được 5 ngôi mộ cổ có quan tài bằng thân cây khoét rỗng phân bố trong phạm vi khoảng 400m2, ở độ sâu từ 1,5 đến 2m ở góc dải ruộng nằm cách bên bờ sông Hàn khoảng 50m.

Đoàn khảo sát thăm hỏi, xác định vị trí phát hiện mộ thuyền Việt Khê.

Đoàn khảo sát xác định vị trí qua sơ đồ từ hơn 50 năm trước trên núi Một.

- Các mộ phát hiện đều có hình thuyền độc mộc, to dài 4,67m, mộ nhỏ dài 4,54m, một đầu to (rộng 0,58-0,77m), một đầu nhỏ (rộng 0,44-0,57m), hai đầu được bịt kín bằng những miếng ván hình bán nguyệt, liên kết mộng và ngoàm với áo quan.

- Trong số 5 ngôi mộ, 4 mộ không thấy có hiện vật, chỉ duy nhất có ngôi mộ số 2 to nhất có tới 107 hiện vật (?). Trong đó, 93 hiện vật bằng đồng gồm các loại công cụ sản xuất (đục, nạo, dũa, dao); vũ khí (rìu, dao găm, lao, giáo, kiếm); nhạc khí (trống đồng, chuông, lục lạc); các loại thạp, âu, thố khay, ấm, đèn, muôi... Ngoài ra, còn có một số di vật khác như đồ đất nung, đồ da, đồ sơn, dấu vết vải và đồ đan. Xương cốt trong mộ đã bị tiêu hủy hết, không còn vết tích.

Đoàn khảo sát thăm hỏi người từng tham gia khai quật mộ thuyền Việt Khê.

- Hiện vật trong quan tài được sắp xếp với đầu to xếp bình, đỉnh, thạp, trống đồng, đầu nhỏ đặt công cụ và vũ khí như rìu, đục, dao găm, một bên quan tài để các loại giáo, một bên có bơi chèo và các di vật khác, ở giữa có chuông, khay, thố và mảnh da có dấu sơn. Lót dưới các di vật trên còn có đồ đan như chiếu cói, dấu vết vải đều đã mục nát, tiêu hủy.

Phát hiện về ngôi mộ rất có ý nghĩa trong nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn nói chung cũng như tìm hiểu táng thức mộ thuyền nói riêng hơn 2.000 năm trước đây. Từ kích thước to lớn của ngôi mộ, đặc biệt là số lượng hiện vật nhiều và rất đa dạng, phong phú như vậy, các nghiên cứu đều đưa ra nhận xét, đánh giá về vị trí, địa vị xã hội của chủ nhân mộ phải là người giàu sang, quyền thế, nhiều của cải, có ý kiến cho rằng chủ nhân mộ là “quý tộc quân sự” bởi chiếm số lượng lớn trong đồ tùy táng là các loại vũ khí….

Ao này ngày xưa là nơi tìm thấy mộ thuyền Việt Khê, hiện vẫn còn áo quan thân cây khoét rỗng dưới ao.

2. Từ hồ sơ di tích cùng những hiểu biết về ngôi mộ cổ Việt Khê nêu trên, vừa qua chúng tôi đã tiến hành khảo sát phúc tra khu vực phát hiện ngôi mộ Việt Khê (thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng), đã bổ sung thêm một số thông tin mới rất lý thú:

- Nơi phát hiện nằm ở vị trí đầu thôn Ngọc Khê hiện nay, ngay dưới chân dải núi Một, bên hữu ngạn sông Kinh Thầy, giáp danh địa phận tỉnh Hải Dương. Theo cụ Lê Văn Phí, (sinh năm 1930, người trực tiếp tham gia công trường) trong số 5 ngôi mộ trên cụ đã được nhìn thấy có 2 mộ có hiện vật tùy táng, còn các mộ khác cũng có, song do bí mật công trường nên 3 mộ kia cụ không xác định chắc chắn. Như vậy, từ thông tin trên cho chúng ta đặt ra giả thuyết liệu trong tổng sổ 107 hiện vật của ngôi mộ Việt Khê đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia có phải là của 1 ngôi mộ như lâu nay chúng ta biết ?.

- Đáng chú ý, theo các cụ cao tuổi ở địa phương thì trong số các hiện vật trong mộ, có một tượng người cưỡi ngựa, dài khoảng 20cm, cao khoảng 5cm, có bọc vàng (?). Nếu thông tin trên là đúng thì hiện vật này rất quí giá bởi kích thước “khá lớn” cùng chất liệu đặc biệt khi đem ra so sánh và đặt trong hệ thống các tượng đồng thuộc văn hóa Đông Sơn hiện biết ?.

- Mộ phát hiện trên công trường khai thác đất mang tên Việt Khê, nhưng lại nằm ở thôn Ngọc Khê, xã Phù Ninh, còn thôn Việt Khê nằm ở gần khu vực đó và là một thôn thuộc xã Phù Ninh cùng với Ngọc Khê. Theo nguyên tắc định danh cho các di chỉ khảo cổ học thì ngôi mộ Việt Khê nổi tiếng này lẽ ra phải được gọi là mộ cổ Ngọc Khê ?.

TS. Nguyễn Văn Đoàn - Phó Giám đốc BTLSQG

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Khảo sát các di tích khảo cổ học giai đoạn Tiền - Sơ sử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Khảo sát các di tích khảo cổ học giai đoạn Tiền - Sơ sử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • 19/11/2013 09:08
  • 2887

Theo chương trình hợp giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc đợt 2 ký ngày 10/10/2013, các cán bộ khảo cổ học của hai bảo tàng đã tiến hành cuộc điều tra, khảo sát các di tích khảo cổ học giai đoạn Tiền - Sơ sử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.