Từ ngày 9/11/ 2016- 16/11/2016 Đoàn công tác của Bảo tàng Lịch sử quốc gia do TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc với bảo tàng Vân Nam và bảo tàng Sangrila tại tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Một trong những nội dung chính của chuyến thăm nhằmtrao đổi, bàn bạc, thống nhất một số nội dung trưng bày chuyên đề tại 2 bảo tàng: Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Vân Nam (Trung Quốc), hợp tác đào tạo cán bộ và trao đổi, học tập kinh nghiệm xây dựng bảo tàng mới.
Đoàn có buổi gặp gỡ với lãnh đạo (Bí thư, Phó Giám đốc) Bảo tàng Vân Nam và thống nhất chương trình công tác của Đoàn trong thời gian làm việc tại Vân Nam; tham quan hệ thống trưng bày và nghiên cứu thực trạng hiện vật hiện đang trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Vân Nam. Bảo tàng Vân Nam hiện lưu giữ và trưng bày khoảng 223.000 tài liệu, hiện vật, trong đó có những sưu tập hiện vật quý như: sưu tập văn hóa Điền thời kỳ Kim khí, hiện vật về các dân tộc Vân Nam. Bảo tàng Vân Nam mới được khánh thành vào tháng 5/2015 với tổng diện tích Bảo tàng là 9ha, diện tích sử dụng là hơn 60.000m2, trong đó diện tích trưng bày cố định là 12.000m2, trưng bày chuyên đề đặc biệt, có thời hạn là 1.600m2. Trưng bày giới thiệu tập trung vào các nội dung: đất nước, con người Vân Nam, lịch sử Vân Nam, các dân tộc ở Vân Nam với giải pháp trưng bày khá hiện đại.
Bảo tàng Vân Nam mới được khánh thành và mở cửa trưng bày đón khách tham quan từ tháng 5/2015, tính đến nay (tháng 11/2016) đã đón tiếp khoảng 1 triệu lượt khách tham quan.
Đoàn có buổi làm việc, trao đổi, bàn bạc chi tiết về các cuộc trưng bày giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Vân Nam. Sau khi trao đổi trên cơ sở nghiên cứu các sưu tập ở Bảo tàng Vân Nam cũng như những kết quả kháo sát của Đoàn Bảo tàng Vân Nam tại Việt Nam năm 2015, cả 2 bên đã đi đến thống nhất các cuộc trưng bày, gồm:
+ Trưng bày sưu tập hiện vật văn hóa Champa (Việt Nam) tại Bảo tàng Vân Nam, sau đó có thể chuyển đến trưng bày ở một số địa điểm khác vào năm 2017 - 2018.
+ Trưng bày sưu tập hóa thạch khủng long của Bảo tàng châu Sở Hùng (Vân Nam, Trung Quốc) tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia vào năm 2017.
Đồng thời, hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu, có thể lựa chọn để tổ chức trưng bày về chủ đề tôn giáo hoặc tín ngưỡng của người Việt Nam tại Vân Nam hoặc sưu tập văn hóa Điền Vân Nam tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (đây là nền văn hóa gần gũi tương đồng với văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, những văn hóa này đã góp phần hình thành nét văn hóa đặc sắc Bách Việt thời kỳ Kim khí) …
Các cuộc trưng bày được tổ chức sẽ do Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và Bảo tàng Vân Nam (là đầu mối đại diện, kết nối phối hợp với Bảo tàng Sở Hùng và một số bảo tàng khác ở Vân Nam)
Trước hết, cuối năm 2016 - đầu năm 2017, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ khảo sát, lập danh mục sưu tập hiện vật văn hóa Champa để gửi Bảo tàng Vân Nam, hai bên sẽ cùng nhau thống nhất tiến hành các thủ tục tiếp theo để thực hiện tổ chức cuộc trưng bày, dự kiến sẽ khai mạc vào giữa hoặc cuối năm 2017.
Đồng thời với việc thống nhất nội dung và thời gian tổ chức các cuộc trưng bày, hai bảo tàng đã thống nhất trong những năm tới sẽ tập trung, đẩy mạnh hợp tác trao đổi về đào tạo cán bộ.
Sau khi thống nhất các nội dung trong khuôn khổ hợp tác 5 năm, đoàn tiếp tục khảo sát, tham quan, trao đổi chi tiết về công việc xây dựng bảo tàng mới: tham các khu trưng bày và giải pháp trưng bày, kho bảo quản, các khu công năng: khu hành chính, nhà làm việc, hội trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, các khu dịch vụ, căng tin, nhà hàng, quầy lưu niệm, thiết kế kiến trúc… và một số điểm cần rút kinh nghiệm trong khi xây dựng bảo tàng mới… trong đó đáng lưu ý nhất là tính toán kỹ lưỡng về việc nghiên cứu xây dựng và sử dụng hệ thống media trong trưng bày.
Giám đốc Nguyễn Văn Cường và đoàn Việt Nam làm việc, trao đổi, thống nhất nội dung hợp tác với Đại diện Bảo tàng Vân Nam (Phó Giám đốc Điền và quản lý các phòng liên quan) tại Bảo tàng Vân Nam.
PGĐ Điền dẫn Đoàn tham quan và trao đổi kinh nghiệm xây dựng bảo tàng mới: khu sảnh chính Bảo tàng Vân Nam (1.600m2).
Đoàn thăm quan hệ thống kho bảo quản tài liệu, hiện vật Bảo tàng Vân Nam.
Toàn cảnh Bảo tàng Vân Nam (thiết kế theo ý tưởng hình ảnh núi Thạch Lâm nổi tiếng ở Vân Nam).
Ngày 12/11/2016: Đoàn đi Sangrila (thị trấn cực Bắc của Vân Nam, giáp Tây Tạng, ở độ cao khoảng 3,400m so với mực nước biển) là một địa chỉ du lịch nổi tiếng của Vân Nam với những nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu là di sản văn hóa Phật giáo Tây Tạng. Đoàn đã có buổi gặp gỡ với Phó Cục trưởng Cục Văn vật Sangrila và Giám đốc cùng một số cán bộ Bảo tàng Sangrila.Tại đây đoàn thăm một số điểm di tích tiêu biểu của Sangrila, khảo sát thực tiễn những nét văn hóa đặc sắc của Tây Tạng cũng như của Sangrila
Đoàn cũng đã tham quan, khảo sát tài liệu, hiện vật trưng bày của Bảo tàng Sangrila - đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp… để nắm bắt tình hình hiện vật và học hỏi kinh nghiệm về giải pháp trưng bày. Bảo tàng Sangrila là một kiến trúc cổ nằm trong quần thể khu di tích du lịch ở thị trấn cổ Sangrila. Hiện nay, Bảo tàng đã hoàn thành việc chỉnh lý, đổi mới trưng bày phần nội dung về thời Tiền sử ở Sangrila với tài liệu, hiện vật và giải pháp trưng bày khá hấp dẫn.
Trên cở sở nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, đại diện 3 Bảo tàng (Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Vân Nam và Bảo tàng Sangrila) đã cùng nhau trao đổi và thống nhất sẽ triển khai cuộc trưng bày về văn hóa Champa ở Bảo tàng Sangrila (sau khi tổ chức tại Bảo tàng Vân Nam) và cuộc trưng bày về văn hóa Sangrila và di sản Phật giáo Tây Tạng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia năm 2018 về sau.
Đoàn Bảo tàng Lịch sử quốc gia tham quan, khảo sát tài liệu, hiện vật, giải pháp trưng bày và trao đổi với Lãnh đạo và một số cán bộ liên quan tại Bảo tàng Sangrila.
Kết thúc chuyến thăm đoàn trở vê Côn Minh, đoàn có buổi làm việc với Giám đốc Bảo tàng Vân Nam để thống nhất các nội dung hợp tác giữa hai bên trong khuôn khổ ghi nhớ hợp tác 5 năm, gồm:
+ Tổ chức phối hợp trưng bày:
1.Trưng bày sưu tập hiện vật văn hóa Champa (Việt Nam) tại Bảo tàng Vân Nam năm 2017.
2.Trưng bày về hóa thạch khủng long tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam năm 2017 - 2018
3.Trưng bày về văn hóa Sangrila và văn hóa Phật giáo Tây Tạng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam năm 2018 về sau.
+ Trao đổi đào tạo cán bộ 2 bên.
Chuyến công tác đã diễn ra thuận lợi và đạt kết quả tốt, phía Bảo tàng Vân Nam đã bố trí, sắp xếp thời gian đón và trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ rất kỹ lưỡng nhằm đưa ra những cơ sở, phương án khả thi cho sự hợp tác của Bảo tàng Lịch sử quốc gia với Bảo tàng Vân Nam trong khuôn khổ ghi nhớ hợp tác đạt chất lượng, hiệu quả .
Đây là một trong những hoạt động chuyên môn thường xuyên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Bảo tàng Vân Nam nói riêng và bảo tàng các nước trên thế giới nói chung. Các chương trình làm việc, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ sẽ giúp các bảo tàng của 2 nước có cơ hội và điều kiện khai thác tốt nhất các tài liệu, hiện vật vốn rất phong phú để giới thiệu tới công chúng 2 nước (nhằm góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt mối quan hệ của 2 nước, 2 dân tộc); tạo điều kiện cho đông đảo công chúng nước ngoài khi đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia hay Bảo tàng Vân Nam có điều kiện khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam và Trung Quốc (Vân Nam); đồng thời tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ chuyên nghiệp để các bảo tàng hoạt động hiệu quả hơn.
Thu Hoan – Hải Vân