Trong 2 năm 2016 - 2017, trưng bày chuyên đề “Từ đất nước Rồng bay lên – Báu vật khảo cổ học Việt Nam” lần đầu tiên được giới thiệu trên khắp nước Đức.
Mở đầu, trưng bày diễn ra tại Bảo tàng Khảo cổ học LWL ở Herne từ 7/10/2016 đến 26/2/2017 và sau đó tiếp tục ra mắt công chúng tại Bảo tàng Reiss-Engelhorn Mannheim và Bảo tàng Khảo cổ học quốc gia Đức tại Chemnitz. Trưng bày là cơ hội giúp công chúng Đức nói riêng và châu Âu nói chung có thể tiếp cận gần hơn, hiểu biết hơn về văn hóa, con người Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có nhiều phát hiện khảo cổ học nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong đó có những khám phá được thực hiện bởi sự phối hợp giữa các nhà khảo cổ học Việt Nam và Đức trong 6 thập niên gần đây. Bạn đang có một hành trình hấp dẫn nhất để khám phá nền văn hóa lâu đời, đặc sắc và đa dạng của đất nước ở vùng Viễn Đông này, từ đồng bằng Sông Hồng ở miền Bắc đến đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam. Những chiếc qua ngọc tráng lệ, những linh vật huyền thoại bằng đá và đất nung, các vị thần, những chiếc trống đồng lớn và tinh mỹ... là những bằng chứng sinh động, xác thực về lịch sử lâu đời của Việt Nam, từ thời đại đồ Đá đến hiện tại.
Trưng bày giới thiệu gần 400 hiện vật tiêu biểu, được lựa chọn kỹ lưỡng từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam và 7 bảo tàng, di tích quan trọng khác ở các địa phương của ba miền Bắc, Trung, Nam. Nhiều hiện vật trong đó lần đầu tiên xuất hiện ngoài Việt Nam, đặc biệt trong đó là các các bảo vật quốc gia Việt Nam như: mộ thuyền Việt Khê, tượng động vật Dốc Chùa và nhiều hiện vật có nguồn gốc từ các di sản văn hóa Thế giới như Thánh địa Mỹ sơn ở miền Trung và Hoàng thành Thăng Long ở Hà Nội.
Trưng bày “Từ đất nước Rồng bay lên – Báu vật khảo cổ học Việt Nam” là nỗ lực cho lần đầu tiên cung cấp tới công chúng Đức và châu Âu, đặc biệt là người Việt tại Đức một bức tranh toàn cảnh về lịch sử, văn hóa Việt Nam, mà đã được chứng minh là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất thế giới năm 2015.
Trưng bày gồm 10 chủ đề:
Chủ đề 1: Săn bắt, hái lượm và làm nông - Thời đại đồ Đá
Giới thiệu sự xuất hiện của người cổ ở Việt Nam từ người vượn đứng thẳng đến người khôn ngoan, quá trình con người từ các hang động miền núi xuống chiếm lĩnh vùng đồng bằng, ven biển và hải đảo ven bờ, phát triển kỹ nghệ công cụ, phát triển kinh tế từ săn bắt, hái lượm đến chăn nuôi, làm nông nghiệp.
Hiện vật trưng bày gồm công cụ đá Núi Đọ, Sơn Vi thời đại Đá cũ; công cụ đá Hòa Bình thời đại Đá mới, công cụ, đồ trang sức và những chiếc qua ngọc văn hóa Phùng Nguyên thuộc hậu kỳ Đá mới, sơ kỳ Kim khí.
Góc trưng bày chủ đề "Săn bắt, hái lượm và làm nông - Thời đại đồ Đá".
Chủ đề 2: Hơn cả sự xuất hiện vật liệu mới – Thời đại Đồng thau
Giới thiệu sự xuất hiện và ưu việt của đồng trong chế tác công cụ, đặc trưng di tích, di vật và những thành tựu phát triển trong thời đại Đồng thau Việt Nam ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.
Hiện vật trưng bày: giới thiệu trang sức văn hóa Đồng Đậu; hiện vật gốm Giồng Cá Vồ; đồ đá, khuôn đúc rìu đồng di tích Dốc Chùa. Đặc biệt là tượng thú Dốc Chùa, bảo vật quốc gia Việt Nam.
Góc trưng bày chủ đề "Hơn cả sự xuất hiện vật liệu mới – Thời đại Đồng thau”.
Chủ đề 3: Tiếng vang của trống đồng - Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam
Giới thiệu sự phát triển đỉnh cao của công nghệ đúc đồng trong văn hóa Đông Sơn, sự phong phú của các loại hình công cụ, vũ khí, vật dụng, trang sức bằng đồng, đặc biệt là trống đồng với kỹ thuật tinh xảo và vẻ đẹp tinh mỹ của chúng. Thông qua hiện vật, chủ đề trưng bày còn giới thiệu hình thái xã hội, nhà nước sơ khai Văn Lang – Âu Lạc và tập tục, táng thức đương thời.
Hiện vật trưng bày: tập trung giới thiệu Bảo vật quốc gia mộ thuyền Việt Khê, sưu tập lưỡi cày đồng và mũi tên đồng Cổ Loa cùng một số trống đồng như Sao Vàng, Phú Phương, Trường Thịnh.
Góc trưng bày chủ đề "Tiếng vang của trống đồng - Văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc Việt Nam".
Chủ đề 4: Táng thức mộ chum và tâm thức hướng biển – Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam
Giới thiệu khái quát những thành tựu của văn hóa Sa Huỳnh, tập trung vào hai đặc trưng điển hình là táng thức mộ chum và kinh tế hướng biển của cư dân Sa Huỳnh.
Hiện vật trưng bày trong chủ đề gồm: mộ chum Sa Huỳnh, trang sức Sa Huỳnh miền Trung và hiện vật di tích Giồng Cá Vồ, TP Hồ Chí Minh.
Góc trưng bày chủ đề "Táng thức mộ chum và tâm thức hướng biển – Văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam".
Chủ đề 5: Các vị Thần, đền tháp và giao thương quốc tế đường biển – Vương quốc cổ Chămpa
Hiện vật trưng bày: tập trung giới thiệu nhóm di vật kiến trúc, điêu khắc đá Ấn Độ giáo, nhấn mạnh vào Thần Shiva, vị thần tối cao của người Chămpa.
Góc trưng bày chủ đề "Các vị Thần, đền tháp và giao thương quốc tế đường biển – Vương quốc cổ Chămpa".
Chủ đề 6: Đồ đồng Đông Sơn trong những gò đất Đông Nam bộ – Văn hóa Tiền Óc Eo và thời đại Đồng thau ở miền Nam Việt Nam
Chủ đề giới thiệu sưu tập hiện vật Gò Ô Chùa (Long An) với kỹ thuật làm muối, và đặc biệt là sưu tập hiện vật Phú Chánh (Bình Dương) với sự xuất hiện của trống đồng và đồ đồng Đông Sơn.
Góc trưng bày chủ đề "Đồ đồng Đông Sơn trong những gò đất Đông Nam bộ – Văn hóa Tiền Óc Eo và thời đại Đồng thau ở miền Nam Việt Nam".
Chủ đề 7: Giao thương mở rộng khắp thế giới – Văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long
Chủ đề giới thiệu điêu khắc nghệ thuật Phật giáo, Ấn Độ giáo, phát triển kinh tế thương mại đường biển của cư dân văn hóa Óc Eo qua các sưu tập hiện vật khai quật được ở Gò Tháp (Đồng Tháp) và Cát Tiên (Lâm Đồng).
Góc trưng bày chủ đề "Giao thương mở rộng khắp thế giới – Văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long".
Chủ đề 8: Đấu tranh giành độc lập và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam - 10 thế kỷ đầu Công nguyên chống Bắc thuộc
Giới thiệu những thành tựu văn hóa, kỹ thuật, kinh tế của Việt Nam trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa. Tập trung nhấn mạnh vào sưu tập hiện vật khai quật tại Luy Lâu với phát hiện mới về các mảnh khuôn đúc trống đồng.
Góc trưng bày chủ đề "Đấu tranh giành độc lập và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam - 10 thế kỷ đầu Công nguyên chống Bắc thuộc"
Chủ đề 9: Rồng bay lên – Đại Việt với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập, tự chủ
Giới thiệu sự kiện dời đô của Vua Lý Công Uẩn, huyền tích trả gươm của vua Lê Lợi, những thành tựu văn minh Đại Việt qua các sưu tập hiện vật khai quật ở Hoàng thành Thăng Long, tàu đắm cổ Cù Lao Chàm và nhiều hiện vật tiêu biểu đặc sắc khác tìm thấy tại khu vực thành Thăng Long xưa...
Góc trưng bày chủ đề "Rồng bay lên – Đại Việt với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập, tự chủ".
Chủ đề 10: Người Tây – Cái nhìn của người Đức với Việt Nam
Giới thiệu giai đoạn từ khi Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với văn hóa phương Tây, thế kỷ 16 tới hiện đại, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm Việt Nam làm bạn với tất cả các nước cũng như những dấu ấn giao lưu văn hóa Việt – Đức trong lịch sử qua các tài liệu, hình ảnh khai thác từ nhiều thư viện, bảo tàng lớn trên thế giới.
Góc trưng bày chủ đề " Người Tây – Cái nhìn của người Đức với Việt Nam".
Ngoài 10 chủ đề chính, trưng bày còn bố trí các không gian thích đáng để giới thiệu những hình ảnh đặc trưng của văn hóa Việt Nam như múa rối nước; hình ảnh cây tre Việt Nam qua hàng loạt sản phẩm mỹ nghệ, nhạc cụ, dụng cụ lao động làm bằng tre, nứa...; khu gian hàng giới thiệu sản phẩm; Việt Nam – những con số ấn tượng và kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu Việt – Đức. Một cuốn catalog đầy đủ, toàn diện nhất cũng đồng hành cùng trưng bày trong suốt hành trình diễn ra ở Đức.
Góc hình ảnh Việt Nam qua cây tre.
Góc giới thiệu sản phẩm tiêu dùng.
Trưng bày là hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, 25 năm Hiệp định hợp tác văn hóa Việt – Đức và 5 năm ngày thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Đức.
Ths. Nguyễn Quốc Hữu