Bộ sách do Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu di sản văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc tổ chức bản thảo, biên soạn nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Hàn, xuất bản tại Hàn Quốc vào thời gian cuối 2019 đến đầu năm 2020. Sách có kích thước: 23 x 29cm, gồm 3 tập với tổng cộng hơn 1000 trang viết và hình ảnh minh họa sinh động.
Ấn phẩm là kết quả báo cáo nghiên cứu “Thương cảng cổ Việt Nam” được hai cơ quan phối hợp khảo sát từ năm 2013 đến năm 2019.
Thương cảng là nguồn tư liệu quan trọng để hiểu được toàn bộ về kinh tế, xã hội, văn hóa và lịch sử của một quốc gia. Thương cảng Việt Nam không chỉ đóng vai trò kết nối đồng bằng, cao nguyên và bờ biển mà còn là một cứ điểm quan trọng trong mạng lưới giao thương quốc tế, kết nối Đông Tây với các quốc gia trên bán đảo Đông Dương.
Qua quá trình khảo sát khoảng 400 địa điểm gồm các hải cảng, cửa biển, bến thuyền và các di tích liên quan như chợ quán, bến bãi, đình chùa, đền miếu …, phân bố trên toàn lãnh thổ Việt Nam dọc theo 3.260km bờ biển nhằm làm sáng tỏ thực tế lịch sử trong văn hóa biển của Việt Nam, đồng thời xác nhận một phần sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc từ xa xưa thông qua việc nghiên cứu các di vật, cổ vật…Bộ sách có một điểm rất đặc biệt là phần III và phần II được xuất bản trước (tháng 12 năm 2019), còn phần I được xuất bản tháng 4 năm 2020, nội dung cụ thể được giới thiệu trong từng phần của bộ sách:
Phần I: Thương cảng cổ ở miền Bắc Việt Nam, xuất bản năm 2020, 317 trang.
Trong phần này, cuốn sách tập trung giới thiệu khái quát về lịch sử hải thương với sự hình thành và phát triển thương cảng ở Việt Nam; hệ thống thương cảng cổ ở miền Bắc Việt Nam từ thời cảng thị sơ khai thời nhà nước Văn Lang cho đến giai đoạn quốc gia Đại Việt độc lập: Đô thị cổ Hoa Lư; Đô thị thương cảng Thăng Long - Kẻ Chợ; Đô thị thương cảng Phố Hiến…
Phần II: Thương cảng cổ ở miền Trung Việt Nam, xuất bản năm 2019, 449 trang, được nghiên cứu theo ba nội dung:
1. Thương cảng vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh (từ đầu công nguyên đến thế kỷ 20).
2. Khái quát về cảng thị sơ khai thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam (thế kỷ 5 TCN đến thế kỷ 1 SCN).
3. Hệ thống thương cảng cổ thời Champa đến Đại Việt (từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 20), tiêu biểu: Thương cảng ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hà, Bao Vinh, Hội An…
Phần III: Thương cảng cổ ở miền Nam Việt Nam, xuất bản năm 2019, 317 trang, với ba nội dung chính:
1. Từ những cảng thị sơ khai của văn hóa Đồng Nai cho đến thương cảng Óc Eo - Phù Nam ở miền Nam Việt Nam (khoảng thế kỷ 7 TCN đến thế kỷ 7 SCN).
2. Giai đoạn hoang hóa và sự tái sinh của vùng đất Nam Bộ.
3. Hệ thống thương cảng ở Nam Bộ từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, tiêu biểu: Thương cảng Cù Lao Đại Phố, Mỹ Tho Đại Phố, Hà Tiên, Sài Gòn - Chợ Lớn…
Việc xuất bản bộ sách Thương cảng cổ Việt Nam không chỉ cung cấp cho độc giả những thông tin thú vị và tương đối đầy đủ về hệ thống thương cảng cổ trong suốt quá trình lịch sử văn hóa dân tộc và giao thương của Việt Nam với các nước, mà còn khẳng định sự hợp tác có hiệu quả giữa hai cơ quan nghiên cứu. Hy vọng, đây là bước khởi đầu tốt đẹp phục vụ cho những chương trình hiệu quả tiếp theo của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam với Viện Nghiên cứu di sản văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc trong tương lai.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. Độc giả có thể tìm đọc ấn phẩm tại Thư viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia – 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thúy Hà