Những tấm bia, pho tượng, hoành phi trong đình đền và gian nhà cổ; những khuôn viên nhà tư, nhà thờ họ, bến sông... đều được vẽ lại và mô tả kỹ trong cuốn Kiến trúc làng cổ Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích.
Cảnh phía trước đình làng Phước Tích
ẢNH: KTS NGUYỄN PHÚ ĐỨC
Lối sống ở làng xưa
Những con ngõ hẹp hướng ra bờ sông và những bến sông được bố trí đều, dọc theo làng. Làng Thổ Hà (H.Việt Yên, Bắc Giang) là vậy. Đây được coi là một làng nghề tiêu biểu ở đồng bằng Bắc bộ, điển hình cho làng nghề thủ công truyền thống kết hợp buôn bán ven sông. Những ngôi nhà, để tránh ngập lụt, thường được xây trên nền khá cao. Những điều này không chỉ được mô tả bằng chữ, phân tích dữ liệu, mà còn bằng hình ảnh, bản đồ, bản vẽ trong cuốn Kiến trúc làng cổ Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích (NXB Văn hóa dân tộc) tập 1, ra mắt chiều 5.8 tại Hà Nội.
Trong tấm bản đồ, người ta nhìn thấy rõ những con ngõ đã hướng ra sông thế nào. Đình, chùa, đền Thổ Hà nằm ở vị trí ra sao; có cả vị trí những khuôn viên nhà dân. Đó là những ngôi nhà ở dân gian trong làng. Hiện tại, Thổ Hà có 6 ngôi nhà như thế, với niên đại từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20. Trong đó, 4 ngôi nhà đang trong tình trạng tốt, 2 ngôi ở tình trạng trung bình. Mỗi ngôi nhà cổ này cũng được mô tả bằng ảnh chi tiết: mặt trước, mặt sau, nội thất chính, bình phong phía trước, các vì nóc…
TS-KTS Hoàng Đạo Cương, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, chủ biên của cuốn sách, cho biết trong tập 1 này có 6 ngôi làng đều được mô tả kỹ lưỡng. Đó là các làng: Thổ Hà và Cự Đà (H.Thanh Oai, Hà Nội), Nôm (H.Văn Lâm, Hưng Yên), Hành Thiện (H.Xuân Trường, Nam Đình), Phước Tích (H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), An Truyền (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế). “Hiện nay, có 3.500 di tích quốc gia, trong đó chỉ có 4 ngôi làng cổ được công nhận là di tích quốc gia, đó là làng Phước Tích ở Thừa Thiên-Huế, làng Đông Hòa Hiệp ở H.Cái Bè (Tiền Giang), làng Đường Lâm ở Hà Nội và làng Lộc Yên ở Quảng Nam. Thế thì những ngôi làng cổ như trong sách này tuy rất có giá trị về nhiều mặt, nhưng hiện nay đang bị biến mất, nếu còn cũng bị mai một do đô thị hóa. Nghiên cứu vì thế gồm cả làng ở đồng bằng Bắc bộ, những vùng đất cũ còn lại là những làng ở miền Trung và miền Nam nữa”, ông Cương nói.
Bìa cuốn sách Kiến trúc làng cổ Việt Nam qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích
ẢNH: QUỐC KHÁNH
Không để mất gốc
Trong sách, có thể gặp được những câu chuyện tiếp biến văn hóa dễ thương ở làng. Chẳng hạn, làng Cự Đà hiện còn một công trình công cộng là vườn hoa do ông Vũ Tư Đường đứng ra xây dựng vào năm 1929. Vườn hoa xây ngay sát bờ sông với những cột đèn bằng gang, cột cờ, tường hoa thấp và những đường dạo. Các chuyên gia của Viện Bảo tồn di tích cho rằng: “Đây có thể coi là một ảnh hưởng của văn minh phương Tây, và là một sự khác biệt của làng Cự Đà với nhiều làng Việt khác”.
Cuốn sách cũng có nhiều ảnh chụp ngôi nhà cổ trong làng. “Trước nay mình hay quan tâm các di tích quan trọng kiểu như đình, đền, chùa. Di tích kiến trúc cư trú ở VN còn lại không nhiều, bị mai một và cũng ít được quan tâm. Thực tế, nhiều ngôi nhà cổ vẫn được chuyển đổi chủ nhân và mang đi nơi khác”, ông Cương chia sẻ.
Trang trí trên tường hồi Tiền điện đình An Truyền
ẢNH: KTS NGUYỄN PHÚ ĐỨC
Ông Cương còn cho biết: “Xem trong sách thì thấy những ngôi làng gắn với thiên nhiên xung quanh, con sông, ngôi nhà cổ có mối liên quan với nhau vừa gắn kết vừa là một dữ liệu quan trọng cho phát triển nữa. Phát triển theo nghĩa làm sao giữ được mà cuộc sống vẫn tốt hơn, nó phải gắn bó hài hòa với tự nhiên, con người hòa quyện như thế”.
Cuốn sách có độ dài nghiên cứu trải qua nhiều năm. Có những làng cổ như làng Phước Tích được Viện Bảo tồn di tích khảo sát điều tra mười mấy năm, kể từ lúc làng còn chưa được công nhận di tích, rồi thành di tích quốc gia và bây giờ, Viện xây dựng các dự án bảo tồn ở làng này. Việc theo dõi lâu năm giúp hình dung được khuôn mặt cũ - mới của làng thay đổi ra sao, cần thay đổi thế nào để vẫn giữ được giá trị cốt lõi.