Bản Hang Chú, xã Hang Chú, Bắc Yên, Sơn La nằm cheo leo trên những ngọn núi vùng Tây Bắc, nơi đa phần của dân tộc Mông sinh sống. Muốn vào đến bản, phải đi bộ băng rừng, vượt suối cả ngày đường. Tại bản, người dân vừa phát hiện ra bãi đá cổ với những hình thù chạm trổ rất kỳ lạ..
Bản Hang Chú, xã Hang Chú, Bắc Yên, Sơn La nằm cheo leo trên những ngọn núi vùng Tây Bắc, nơi đa phần của dân tộc Mông sinh sống. Muốn vào đến bản, phải đi bộ băng rừng, vượt suối cả ngày đường. Tại bản, người dân vừa phát hiện ra bãi đá cổ với những hình thù chạm trổ rất kỳ lạ.. Xuất hiện từ xa xưa
Ông Mùa Chông Dia, 92 tuổi dân tộc Mông, bản Hang Chú là một trong hai người già nhất ở bản cho chúng tôi biết: “Không biết bãi đá cổ này có từ bao giờ, nhưng dân bản ai cũng tin về sự linh thiêng từ bãi đá ấy. Ngày còn nhỏ tôi đã nghe bố tôi kể về sự tồn tại của bãi đá này rồi. Bà con trong bản hay đến bãi đá cúng bái thể hiện tín ngưỡng của mình.”
Trao đổi thêm với lãnh đạo xã và những người già trong bản Hang Chú, câu trả lời chung là: “Bãi đá có lâu lắm rồi, không rõ ai là người chạm trổ ra những hình thù kỳ dị trên những viên đá”. Ông Mùa Giả Nênh, 87 tuổi, cho biết, những người dân tộc Mông đầu tiên lên định cư ở Hang Chú đã khám phá ra bãi đá cổ này. Và với họ, bãi đá cổ trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt tín ngưỡng, họ cho rằng đó là vật mang lại may mắn cho dân bản do trời đất ban tặng nên phải thờ cúng. “Nhiều người dân coi bãi đá cổ đó như là đá thần, nên trong cuộc sống, làm ăn gặp khó khăn, họ đến để cầu xin…” – ông Nênh cho chúng tôi biết. Thầy giáo Đỗ Văn Tuyến, Hiệu trưởng trường THCS xã Hang Chú, cho biết thêm: “Không biết những viên đá này có linh thiêng không, nhưng hàng năm vẫn thấy bà con tới cúng bái. Mỗi người tới cúng bái đều có những ước nguyện riêng, nhưng đa phần thấy mọi người rất thoải mái về tinh thần khi đến đó để giải tỏa những câu chuyện, nỗi buồn hay ước vọng của mình với “thần đá”.
Cách đó không xa, tại bản Hang Đế người dân đã phát hiện ra bốn khối đá có khắc hình ly kỳ, nằm cách nhau từ 5m đến 16 m. Đây là một bãi đất khá rộng, bằng phẳng, xung quanh bãi đất là những ngọn núi cao với nhiều viên đá cùng loại to nằm rải rác từ đỉnh núi xuống chân núi. Chiều cao của các khối đá này gần bằng nhau, cao từ 1 đến 1,5m, rộng khoảng 1m. Trên bề mặt của bốn khối đá bằng mắt thường có thể nhìn rất rõ nhiều đường hoa văn lạ được chạm khắc khó hiểu, xoắn hình ốc và nối liền với nhau. Đặc điểm chung của các hoa văn đều xoáy hình ốc và chắc chắn phải được khắc bằng một vật kim loại rất cứng; các đường khắc rộng khoảng 2cm, sâu khoảng 1cm.
Cần kết luận của các nhà khoa học
Theo quan sát của chúng tôi, trong số bốn khối đá, có hai khối bề mặt được chạm khắc gần như kín hết, thậm chí kéo dài xuống tận chân đá. Nếu nhìn tổng thể, bản khắc trên bề mặt này giống như một bản đồ về đường đi hay sông suối chằng chịt. Các đường khắc nằm song song uốn lượn theo nhau; ở giữa các đường khắc thỉnh thoảng có những ô hình tròn to như quả cam; quả chanh với 1 hình đơn độc hay 2 hình nằm song song như hai con mắt. Những hình tròn nhỏ hơn chút với 3-4 hình nằm thành một đường thẳng. Có đường chạm khắc nhìn như một con rắn đang há mồm…
Theo ông Ngô Duy Ứng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La: “Để khắc được những hoa văn đó chắc chắn phải cư trú ở đó một thời gian nhất định. Đây là một phát hiện mới, là cơ sở cho các nhà khoa học nghiên cứu. Hiện tại, tôi được biết mới chỉ phát hiện ra ở một số nơi như Tả Phìn (Lào Cai), Bình Lư (Lai Châu), Xín Mần (Hà Giang)… còn tại Sơn La với những hình khắc và loại đá này thì đây là lần đầu tiên. Do vậy, việc cần làm trước tiên là phải tổ chức bảo vệ bãi đá này để làm cơ sở cho việc nghiên cứu sau này. Để kết luận về bãi đá cổ này cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học, nhà khảo cổ…”.
Cũng theo ông Ứng, những hình vẽ này chắc chắn do con người tạo ra và xung quanh đó chắc sẽ còn nhiều vết tích như hang động hay nơi trú ngụ của những “tác giả bí hiểm”. Đây là những hình vẽ rất kỳ lạ và rất khó hiểu mà bảo tàng Sơn La chưa từng gặp. Loại đá có những hình vẽ này giống với đá cổ ở Sa Pa và các hoa văn khắc trên đá cũng gần giống nhau nhưng ở đây có phần… rắc rối hơn. Tại bản Hang Chú còn có nhiều hang động và núi đá chưa được khám phá, rất có thể ở đó còn nhiều điều bí ẩn.
Theo NĐB