Thứ Ba, 21/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/08/2008 19:05 1905
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sáng 17/01/2008, tại UBND xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội đã diễn ra buổi báo cáo sơ bộ kết quả thám sát và khai quật khảo cổ học tại khu di tích miếu Đồng Cổ thuộc thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai.
Sáng 17/01/2008, tại UBND xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội đã diễn ra buổi báo cáo sơ bộ kết quả thám sát và khai quật khảo cổ học tại khu di tích miếu Đồng Cổ thuộc thôn Nguyên Xá, xã Minh Khai.


Đến dự buổi báo cáo có Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam, Lãnh đạo các Sở VHTT Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội, Ban Chỉ đạo 1000 năm Thăng Long, Lãnh đạo xã Minh Khai, các cụ Hội người cao tuổi và thủ miếu thôn Nguyên Xá cùng đông đảo các nhà nghiên cứu.

Trong thời gian 3 tháng (từ tháng 10 đến tháng 12/2007), đoàn khai quật đã tiến hành mở 9 hố với diện tích 150m2. Kết quả thật bất ngờ, đã phát lộ rất nhiều di vật có giá trị quan trọng đối với mục tiêu nghiên cứu đề ra nhằm phục vụ cho chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Đoàn khai quật đã phân chia các di vật làm ba nhóm chính:

Nhóm 1: mộ táng

Mộ vò thời Lê
Tại địa điểm khai quật đã phát hiện được các loại hình mộ táng tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử: Mộ đất Đông Sơn- Hán; Mộ táng trong lon sành thời Trần; mộ vò thời Lê. Theo Giáo sư Hà Văn Phùng- Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam, việc phát hiện ra vết tích của ngôi mộ thuộc giai đoạn Đông Sơn rất có ý nghĩa rất lớn, chứng tỏ di tích này nằm trên địa bàn cư trú của người Đông Sơn.

Vết tích mộ Đông Sơn - Hán
Đối với ngôi mộ thời Trần vẫn còn xương bên trong, vì vậy theo ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Anh Dũng (Viện khảo cổ học Việt Nam) cần được nghiên cứu thêm, nhất là công tác giám định xương. Về hình thức mai táng, theo đoàn khai quật bước đầu xác định đây có thể là dạng mộ vùi vì không tìm thấy biên mộ như một số mộ cổ thường gặp (tức là không đắp đầu, đắp đuôi ngôi mộ).

Nhóm 2: Vết tích lò nung

Lò nung gốm thời Lê
Qua 9 hố khai quật, đã phát lộ được một hệ thống lò nung vật liệu kiến trúc. Có khá nhiều lò đã bị sập, tuy nhiên hiện còn một lò nung ngói thời Lê (thế kỷ XVII- XVIII) được đánh giá là đẹp và hiếm gặp. Theo nhà nghiên cứu Trần Anh Dũng lò nung này còn nguyên vẹn, với đầy đủ cấu trúc. Phần thân tương đối giống với lò Cổ Loa. Lò có bầu đốt lửa từ hai phía.

Nhóm 3: Vết tích kiến trúc

Qua quá trình thám sát và khai quật khảo cổ học khu vực miếu Đồng Cổ đã dần xuất lộ vết tích kiến trúc, thể hiện sớm nhất là vào thời Trần; xuất hiện đậm đặc nhất vào thời Lê Trung Hưng, rồi đến thời Nguyễn. Theo báo cáo của đoàn khai quật, do bị khống chế bởi kiến trúc hiện tồn, nên mới chỉ tìm được các dấu tích phản ánh sinh hoạt và đống đổ phế liệu, chưa tìm thấy nền, móng kiến trúc của ngôi miếu đã được nhắc tới trong các sử sách. Vấn đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.

Trong buổi báo cáo, các nhà khoa học đã xác định tầm quan trọng của di tích, và nhất trí với ba kiến nghị của đoàn khảo cổ đưa ra. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề khoanh vùng bảo vệ di tích, nhất là sắp tới Quốc lộ 32 sẽ chạy qua khu di tích này.

Đối với lò nung gốm thời Lê còn khá nguyên vẹn, để phục vụ cho công tác nghiên cứu, phục vụ khách tham quan sau này cần có phương án bảo quản, phục dựng thích hợp, khẩn trương di dời về Bảo tàng trước mùa mưa.

Như chúng ta biết, theo sử sách và truyền thuyết dân gian, tín ngưỡng thờ thần Đồng Cổ gắn bó chặt chẽ với các đời vua nhà Lý. Tuy nhiên, qua công tác khảo sát và khai quật khảo cổ học tại miếu Đồng Cổ đã cho thấy vết tích kiến trúc thời Lý rất mờ nhạt, nhưng lại rất đậm đặc vào thời Trần. Đây là những căn cứ khoa học giúp cho việc tìm hiểu lịch sử ngôi miếu cũng như tín ngưỡng thờ thần Đồng Cổ ở Việt Nam.

Cho tới nay, ở Việt Nam mới phát hiện 4 di tích thờ thần Đồng Cổ (02 di tích tại Thanh Hóa, 01 di tích ở Bưởi và 01 di tích ở Từ Liêm- Hà Nội). Hy vọng với các nghiên cứu mở rộng trong tương lai, sẽ có thêm những di tích thuộc loại này được phát hiện, góp phần nhận thức đầy đủ hơn về một loại hình di tích còn ít được biết tới, cũng như vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa của di tích.

Ban Biên tập

(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam )

Chia sẻ: