Năm 1974 mộ Mường cổ bắt đầu thu hút sự chú ý của giới khảo cổ học, thông qua một bài viết ngắn của Đỗ Văn Ninh1. Đến nay, thời gian trôi đã được hơn một thập kỷ, sự quan tâm chú ý ấy được thể hiện cụ thể qua hàng loạt những cuộc khai quật các khu mộ Mường ở Ngọc Lâu (huyện Lạc Sơn), Phù Cát (huyện Quốc Oai), Dũng Phong (huyện Kỳ Sơn), Nhuận Trạch (huyện Lương Sơn) và Đống Thếch, Đồng Cúi (huyện Kim Bôi). Cho dù hết sức ngẫu nhiên, những khu mộ Mường ấy đã đại diện cho bốn mường lớn của tỉnh Hòa Bình (cũ): Bi, Vang, Thàng, Động. Từ kết quả của những đợt khai quật, đã có một số bài nghiên cứu, ít nhiều mang tính tổng kết2. Tuy nhiên, mọi kết luận, đến nay, xem ra đều chưa có sức thuyết phục, khi tư liệu mới chỉ dừng lại qua những đợt khai quật mộ Mường cổ thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, trong khi còn cả một khối Mường lớn ở Thanh - Nghệ và Vĩnh Phú chưa hề được quan tâm. Nói như thế, phải chăng còn phải đợi chờ tư liệu thêm ở những vùng đó rồi mới tiếp tục luận bàn? Hẳn sẽ rất lý tưởng nếu thực tế ấy có được trong một tương lai gần. Song với hoàn cảnh hiện tại, còn lâu ta mới có đủ trong tay toàn bộ tư liệu như mong muốn. Vì lẽ đó, bài viết này của chúng tôi cũng chủ yếu dựa vào các khu mộ Mường cổ của tỉnh Hà Sơn Bình, để đưa ra một số ý kiến ít nhiều mang tính giả định và có ý nghĩa về mặt phương pháp của những vấn đề chủ yếu thuộc mộ Mường cổ, đó là: cấu trúc, táng tục và niên đại.