Chủ Nhật, 27/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/12/2017 00:00 3177
Điểm: 4/5 (1 đánh giá)
Di tích Giồng Lớn thuộc đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một giồng cát nằm trong vùng sinh thái ngập mặn ven biển (cách bờ biển khoảng 1km), kéo dài khoảng 1km, rộng khoảng 100m, cao hơn xung quanh khoảng 3 – 4 m. Di tích này được phát hiện năm 2002 trong đợt khảo sát của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, sau đó được khai quật hai lần vào năm 2003 và 2005. Qua hai lần khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm được 80 mộ táng, trong đó có 72 mộ đất và 8 mộ nồi.

Di tích Giồng Lớn thuộc đảo Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một giồng cát nằm trong vùng sinh thái ngập mặn ven biển (cách bờ biển khoảng 1km), kéo dài khoảng 1km, rộng khoảng 100m, cao hơn xung quanh khoảng 3 – 4 m. Di tích này được phát hiện năm 2002 trong đợt khảo sát của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, sau đó được khai quật hai lần vào năm 2003 và 2005. Qua hai lần khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm được 80 mộ táng, trong đó có 72 mộ đất và 8 mộ nồi.

Trong nhóm mộ đất, đáng chú ý nhất là ba mộ kí hiệu 03.GL.H3.M2, 03.GL.H3.M10 và 05.GL.H1.M1, bởi mỗi mộ này được chôn theo một chiếc mặt nạ vàng. Đây là những hiện vật hết sức độc đáo, rất hiếm thấy ở Đông Nam Á trong giai đoạn này, nhất là lại được phát hiện trong bối cảnh khảo cổ học rõ ràng như ở Giồng Lớn. Dưới đây là những thông tin chi tiết về ba ngôi mộ đặc biệt này.

Mộ thứ nhất - 03.GL.H3.M2:

Mộ này được phát hiện trong lần khai quật năm 2003, ở hố đào thứ 3. Mộ xuất lộ ở độ sâu khoảng 1,0 m, nằm sát vách đông của hố khai quật, cách vách bắc khoảng 2,6 m. Mộ gồm hai cụm đồ tùy táng nằm cách nhau khoảng 1,0 m theo trục đông – tây. Đồ tùy táng trong mộ gồm có: 03 nồi gốm, 01 vò gốm, 01 bình gốm nhỏ, 01 gốm con tiện, 01 nắp hình chim, 01 chân đế bát bồng; 01 vòng ống bằng đá nephrite, 09 hạt chuỗi bằng đá, 26 hạt chuỗi thủy tinh; 01 kiếm sắt, 01 dao sắt, 02 đục sắt; 01 đồng tiền Ngũ Thù; 02 mảnh vàng nhỏ; 02 hòn cuội biển. Cùng với những đồ tùy táng nói trên, đáng chú ý là mộ này còn được chôn theo 01 mặt nạ vàng hình chữ nhật, dập nổi hình đôi mắt mở to với hàng lông mày cong xếch, sống mũi nổi khá rõ, bốn góc có 4 lỗ nhỏ, có lẽ để xỏ dây. Kích thước: dài 4,5 cm; rộng 10,9 cm. Mặt nạ vàng này có kí hiệu 03.GL.H3.M2.88a.

Đồ gốm và đồ sắt trong mộ 03.GL.H3.M2.

Mặt nạ vàng và hạt chuỗi trong mộ 03.GL.H3.M2.

Mộ thứ hai - 03.GL.H3.M10:

Mộ này cũng được phát hiện năm 2003, trong hố khai quật thứ 3. Độ sâu phát hiện mộ là 1,2 m, đồ tùy táng trong mộ nằm thành cụm phân bố theo trục đông – tây. Hiện vật trong mộ gồm có 01 nồi, 01 bình, 01 mũi giáo sắt, 79 hạt chuỗi thủy tinh, 05 hạt chuỗi mã não và 01 mặt nạ vàng hình chữ nhật, in nổi hình đôi mắt mở to, hai lông mày cong cụp xuống, sống mũi nổi khá rõ, cánh mũi to; rìa cạnh có 6 lỗ nhỏ để xỏ dây. Kích thước: dài 6,0 cm; rộng 9,7 cm. Mặt nạ vàng có kí hiệu 03.GL.H3.M10.89.

Đồ tùy táng trong mộ 03.GL.H3.M10.

Mộ thứ 3 - 05.GL.H1.M1:

Mộ này được phát hiện năm 2005, trong hố khai quật thứ nhất. Mộ xuất lộ ở độ sâu 0,8 m, tại góc phía đông của hố khai quật. Mộ nằm theo trục đông – tây, dài khoảng 1,8 m, rộng 0,8 m; đồ tùy táng trong mộ phân bố như sau: ở phía đông có 01 mặt nạ vàng, 01 đôi khuyên tai vàng, 01 hạt chuỗi mã não, 01 đục và 01 dao sắt; ở giữa mộ là 01 nồi gốm và 01 bát bồng; ở đầu phía tây là 02 bát bồng và 01 bình gốm có chân đế. Mặt nạ vàng trong mộ này có kí hiệu 08.GL.H1.M1.88. Mặt nạ có hình chữ nhật, dập nổi khuôn mặt người hoàn chỉnh (full-face mask) với đôi mắt to, đôi lông mày rậm giao nhau, mũi to, môi dày; ở các góc có lỗ để xỏ dây. Kích thước: dài 9,1 cm; rộng 7,5 cm.

Đồ tùy táng trong mộ 05.GL.H1.M1.

Những nhận xét ban đầu

Qua những gì vừa trình bày, ở đây chúng tôi đưa ra một số nhận xét về ba ngôi mộ này như sau:

1.Đầu tiên, có thể nhận thấy cả ba mộ này đều được chôn theo trục đông – tây. Tuy không còn dấu vết của hài cốt, nhưng qua sự phân bố đồ tùy táng như ở mộ 05.GL.H1.M1, có thể nhận thấy nhiều khả năng đầu người chết đặt ở phía đông, chân ở phía tây. Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong 72 mộ đất ở Giồng Lớn, có 16 mộ nằm theo trục bắc – nam, 8 mộ nằm theo trục tây bắc – đông nam, 29 mộ nằm theo trục đông – tây, còn lại là 19 mộ không rõ hướng. Điều đáng chú ý là những mộ nằm theo trục bắc – nam hoặc tây bắc – đông nam thường có đồ tùy táng ít, chỉ vài mộ có đồ trang sức là vòng tay và hạt chuỗi, không mộ nào có hiện vật vàng. Như vậy có thể thấy nhóm mộ này thuộc về một giai đoạn sớm hơn, còn nhóm mộ hướng đông – tây, trong đó có ba mộ mà chúng ta đang nghiên cứu, thuộc về giai đoạn muộn hơn. Sự thay đổi về hướng mộ cho thấy sự khác biệt về niên đại giữa các nhóm mộ, hoặc nó cũng phản ánh sự thay đổi trong tín ngưỡng và văn hóa, hay có thể là kết quả của sự thay đổi tộc người.

2.Đồ tùy táng của ba mộ có những nét đáng chú ý. Trước hết hãy xem xét sưu tập hiện vật của mộ 03.GL.H3.M2. Mộ này chôn theo 8 đồ gốm, là một trong những mộ chôn theo nhiều đồ gốm nhất trong 80 mộ táng. Trong 8 đồ gốm này, chiếc vò gốm số 27 rất giống với những tiêu bản ở Gò Ô Chùa và Prohear, trụ gốm số 50 và nắp trang trí hình chim số 47 có thể so sánh với Giồng Cá Vồ, còn chiếc bình hình con tiện chưa thấy có trong các di tích nào khác ở miền Nam. Sự có mặt của những hiện vật sắt như kiếm, dao, đục cho thấy có thể chủ nhân ngôi mộ này là nam giới. Đặc biệt, sự có mặt của chiếc mặt nạ vàng cũng cho thấy địa vị cao quý của chủ nhân ngôi mộ này trong cộng đồng khi còn sống. Hai lá vàng mỏng được cắt ra và chôn theo phần nào gợi nhắc cho chúng ta về tục chôn các lá vàng trong các hố thiêng ở văn hóa Óc Eo. Vòng đá nephrite số 83 giống với một số tiêu bản ở trong mộ chum Giồng Cá Vồ. Một hiện vật đáng chú ý khác liên quan đến việc xác định niên đại của mộ đó là đồng tiền Ngũ Thù. Dù hiện nay rất khó xác định đó là tiền thời Tây Hán hay Đông Hán, nhưng ít nhất với hiện vật này ta có thể biết mộ có niên đại không thể sớm hơn thế kỉ 2 TCN. Hiện tượng dao được chôn kèm với đục cũng đáng chú ý, có lẽ thể hiện cho một nghề thủ công đương thời, mà nhiều khả năng là nghề mộc. Chiếc kiếm sắt bị bẻ cong cũng rất giống với hiện tượng trong các mộ ở Giồng Cá Vồ.

Sưu tập hiện vật trong mộ 03.GL.H3.M10 có số lượng khiêm tốn hơn nhiều so với H3.M2. Mộ này chỉ chôn theo hai đồ gốm, gồm một nồi vai vát và 01 bình cổ cao vai gãy. Nếu như tiêu bản bình số 26 chưa gặp ở di tích nào khác, thì tiêu bản nồi số 8 lại giống với một số tiêu bản ở Gò Ô Chùa (Trương Đắc Chiến 2013: 42). Việc chôn theo một mũi giáo cho thấy khả năng chủ nhân mộ táng là nam giới.

Mộ 05.GL.H1.M1 chôn theo 5 đồ gốm, gồm một nồi nhỏ số 38, một bình vai gãy số 65 và ba bát bồng số 48, 57, 58. Chiếc nồi số 38 không giống bất cứ nồi gốm nào ở Giồng Lớn. Bình vai gãy số 65 giống với tiêu bản số 42 trong mộ 03.GL.H3.M2. Bát bồng số 48 thuộc loại bát bồng chân đế choãi, có mặt phổ biến trong nhiều di tích tiền sơ – sử ở Nam Bộ, trong khi đó hai bát bồng 57, 58 khá ít thấy, nhưng ít nhiều có thể so sánh với Gò Ô Chùa và Giồng Cá Vồ. Hạt chuỗi mã não có kích thước khá lớn, nhưng việc phát hiện một sản phẩm chưa hoàn chỉnh với những lỗ khoan dở trên thân đã phần nào gợi nhắc về việc đã có nghề thủ công chế tác tại chỗ. Hiện tượng dao sắt chôn kèm đục sắt ở mộ này hoàn toàn giống với mộ 03.GL.H3.M2. Đôi khuyên tai vàng của mộ H1.M1 rất giống với các tiêu bản ở di tích Lai Nghi (Quảng Nam) và Prohear (Campuchia).

3.Ba chiếc mặt nạ tìm được ở Giồng Lớn hết sức độc đáo, cả về hình dáng và kĩ thuật xử lí bề mặt. Ba chiếc mặt nạ đều có hình chữ nhật, được dát mỏng, sau đó được chạm nổi hình các bộ phận trên khuôn mặt. Đặc biệt, chiếc mặt nạ trong mộ 05.GL.M1.H1 thuộc dạng che cả mặt (full-face mask), trên đó thể hiện các đặc điểm rất đáng chú ý về mặt nhân chủng như: lông mày giao nhau, mũi to thô, môi dày. Đây được cho là các đặc điểm nhân chủng của người Indonesien. Trong khi đó, tiêu bản ở Gilimanuk được xử lí theo một cách khác. Đó chỉ là hai miếng vàng hình lá hoặc hình ô-van, được tạo khe hở ở giữa rồi đậy lên mắt của người chết.

Một số mặt nạ và lá vàng ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Bình Dương (Nam Việt Nam)

4.Dựa trên tổng thể hiện vật của ba mộ này, cũng như so sánh nó với các di tích khảo cổ khác như Giồng Cá Vồ, Gò Ô Chùa, Lai Nghi hay Prohear, đặc biệt là sự có mặt của các hiện vật đặc biệt như tiền Ngũ Thù, mặt nạ vàng, khuyên tai vàng, chúng tôi cho rằng ba ngôi mộ này nằm trong khung niên đại thế kỉ I tr.CN – thế kỉ I sau CN. Đây cũng chính là ba ngôi mộ tiêu biểu cho giai đoạn muộn của di tích Giồng Lớn.

Theo TS. Andreas Reinecke (Viện Khảo cổ Quốc gia Đức), ba ngôi mộ ở Giồng Lớn cùng với mộ thuyền Việt Khê là những mộ táng quan trọng nhất ở Việt Nam thời Sơ sử. Những mộ táng này đã cung cấp tư liệu quý báu cho việc nghiên cứu sự phân hóa xã hội ở thời điểm những thế kỉ cuối trước Công nguyên, cùng với đó là bằng chứng của những yếu tố mới như thương mại, tôn giáo thâm nhập vào khu vực ven biển này. Do vậy, cần phải có những nghiên cứu sâu kĩ hơn nữa về những mộ táng quý hiếm này để thu thập thêm những thông tin chân xác, góp phần phục dựng lại bức tranh lịch sử đầy sôi động của giai đoạn cận kề công nguyên ở miền Nam Việt Nam, giai đoạn hình thành nhà nước cổ đại đầu tiên ở Đông Nam Á - nhà nước Phù Nam.

Trương Đắc Chiến

Tài liệu tham khảo

Andreas Reinecke, Vin Laychour, Seng Sonetra 2009. The First Golden Age of Cambodia: Excavation at Prohear. Bonn.

Andreas Reinecke, Verena Leusch, Lâm Thị Mỹ Dung 2013. Đồ vàng sớm ở Việt Nam – Những kết quả phân tích đầu tiên về đồ vàng trong văn hóa Sa Huỳnh. Bài đọc tại Hội nghị Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2013, Hà Nội.

Trương Đắc Chiến 2013. Đồ gốm di tích Giồng Lớn (Long Sơn, Bà Rịa – Vũng Tàu) trong phức hệ gốm Tiền – Sơ sử Nam Bộ (Đề tài khoa học cấp cơ sở). Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Vũ Quốc Hiền, Trương Đắc Chiến, Lê Văn Chiến 2008. Di tích Giồng Lớn qua hai lần khai quật. Khảo cổ học 2008 (6): 32 – 46.

R.P. Soejono 1979. The Significance of the Excavations at Gilimanuk (Bali). In Early South East Asia – Essays in Archaeology, History and Historical Geography: 185 – 198.

Stanley J.O’Connor, Tom Harrison 1972. Gold-foil Burial Amulets in Bali, Philippines and Borneo. In Journal of the Malaysian Branch, Vol.44, part 1, 1971: 71 – 77.

Đặng Văn Thắng, Vũ Quốc Hiền, Ngô Thế Phong, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Kim Dung, Nguyễn Lân Cường 1998.Khảo cổ học tiền sử và sơ sử Thành phố Hồ Chí Minh. Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

Hội thảo khoa học “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”

  • 20/05/2019 14:45
  • 3957

Nhân dịp kỷ niệm này Quốc tế Bảo tàng 18/5/2019, sáng ngày 16 tháng 5 năm 2019, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Những phát hiện mới về khảo cổ học thời Tiền sử tại Thái Nguyên và kinh nghiệm trong việc phát huy giá trị hiện vật khảo cổ học tại bảo tàng”.

Bài viết khác

Thám sát nghiên cứu khảo cổ học khu vực đền Huyện ở Hà Tĩnh

Thám sát nghiên cứu khảo cổ học khu vực đền Huyện ở Hà Tĩnh

  • 07/12/2017 00:00
  • 1886

Đợt thám sát, nghiên cứu lần này nhằm mục đích sẽ tìm kiếm những vết tích của các công trình kiến trúc cổ liên quan, sự phân bố các công trình tín ngưỡng thời Lý, Trần và giai đoạn lịch sử tiếp theo - nơi được xem là trung tâm tín ngưỡng của vùng Nghi Xuân xưa.