Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

Bảo vật quốc gia:

Bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-12-1946.

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” gồm hai trang giấy màu ngà không có dòng kẻ, kích thước 13,5cmx 20,5cm được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tại gác hai ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Dương, làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Tây (cũ) kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trong bút tích “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, ngoài nét chữ mực nâu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có bút tích sửa bằng mực xanh của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau đó, Lời kêu gọi đã được phát trên Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam khi ấy đặt tại chùa Trầm (Hà Tây cũ) và đăng trên trang nhất báo Cứu Quốc - cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh và được in thành hàng ngàn áp phích, chuyển về nhiều địa phương trong toàn quốc. Tiêu đề “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” do đồng chí Xuân Thủy - Chủ nhiệm báo Cứu Quốc đặt, còn bản gốc Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn không có tiêu đề.

Tranh “Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiếu nhi Bắc, Trung, Nam” họa sỹ Diệp Minh Châu vẽ bằng máu trên vải lụa, năm 1947.

Tranh có kích thước 70x90cm. Họa sĩ dùng máu chích ở cánh tay mình vẽ hình Chủ tịch Hồ Chí Minh và ba em nhỏ đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam. Góc trái, phía dưới bức tranh có dòng chữ bằng bút chì màu đỏ: “Thay mặt cho nghệ sĩ Nam bộ, con xin kính dâng Cha già Hồ Chí Minh một tác phẩm sáng tạo trong những phút say sưa nhất của đời con và cũng là tác phẩm mà chính Cha đã tạo nên”. Nam bộ ngày 2-9-1946. Ký tên Diệp Minh Châu. Sau đó, bức tranh đã được chuyển ra Hà Nội kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bom ba càng, quyết tử quân Hà Nội dùng chống xe tăng Pháp trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, tháng 12-1946.

Bom hình chóp nón, đáy lõm, có ba càng, được làm bằng gang hàn kín, bên trong chứa thuốc nổ, bên ngoài có kíp nổ. Thân bom dài 27cm, đường kính đáy bom 21cm, mỗi càng bom dài 12cm, phần đầu có tạo một vòng kim loại để tra cán. Bom do xưởng Quân giới Việt Nam sản xuất năm 1946.

Hũ gạo nuôi quân của gia đình chị Vinh ở thôn Cổ Đô, huyện Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội).

Gia đình chị đã bớt gạo ăn hàng ngày cho vào hũ để ủng hộ bộ đội và dân quân du kích từ năm 1948 đến năm 1952. Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn và thiếu thốn của nhân dân ta, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những “Hũ gạo kháng chiến”, “Hũ gạo cứu đói”, “Hũ gạo tiết kiệm”... đã thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu nước của người dân Việt Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.

Hai bộ phận của Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ do các kỹ sư, công nhân của Đài tự sáng chế và lắp ráp năm 1950, sử dụng đến năm 1954.

Đây là một hiện vật độc đáo thể hiện sự sáng tạo, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị kỹ thuật của những người làm công tác phát thanh ở Nam bộ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Xe đạp thồ, ông Bùi Tín, dân công tỉnh Thanh Hóa dùng vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.

Chiếc xe mang nhãn hiệu Vina, sơn màu xanh, khung ngang. Vận chuyển trong điều kiện đường rừng núi, đèo cao dốc đứng vô cùng gian khổ, khó khăn từ Thanh Hóa lên Tây Bắc, lúc đầu ông Tín chỉ thồ được 80kg, sau đó, ông đã cải tiến, gia cố một số bộ phận giúp xe thêm chắc chắn và đã chở tới 213 kg gạo, vũ khí phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ.