Thứ Hai, 16/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

Trong thời kỳ vận động dân chủ (1936-1939), Đảng Cộng sản Đông Dương đã công khai xuất bản sách, báo chí để tuyên truyền cách mạng. Các tờ báo của Đảng, của Mặt trận Dân chủ và các đoàn thể ra đời ở hầu hết các tỉnh thành trong nước nhằm truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lê nin và nâng cao nhận thức cách mạng cho quần chúng. Thời kỳ này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ hơn 20 đầu báo chí cách mạng, một số báo tiêu biểu được lựa chọn trưng bày như:

Báo Dân Chúng, cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 41, ra ngày 3/1/1939.

Báo do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sáng lập. Tòa soạn: từ số 1 đến 33 tại 51E Colonel Grimaud (Nay là Phạm Ngũ Lão, thành phố Hồ Chí Minh), từ số 34 trở đi tại 43 phố Hamelin (nay là đường Lê thị Hồng Gấm, thành phố Hồ Chí Minh). In ở nhà in Sati, Bảo tồn, Xưa nay.

Báo Le Travail (Lao động), tuần báo chính trị và kinh tế xuất bản thứ 4 hàng tuần bằng tiếng Pháp tại Hà Nội, số 6, ngày 21/10/1936

Báo Tin Tức, tuần báo, cơ quan của Mặt trận Dân chủ Đông dương, số 36, ra ngày 24/9/1938

Báo Lao Động, cơ quan bênh vực quyền lợi của giai cấp cần lao, số 20, ra ngày 14/7/1939.

Trụ sở báo “Tin tức”, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân chủ tại số nhà 105 phố Henri d’Orléan, Hà Nội, năm 1938. (nay là phố Phùng Hưng).

Báo Việt Nam Độc Lập, cơ quan tuyên truyền của Việt Minh Cao Bằng do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, số 1 (101), ngày 1-8-1941.

Từ số 1 (101) đến số 28 (128) là cơ quan Tuyên truyền của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng; Từ số 29 (129) đến số 86 (186) là cơ quan tuyên truyền của Liên tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng - Bắc Cạn ; Từ số 87 (187) đến số 126 (226) là cơ quan truyên truyền của Liên tỉnh bộ Cao - Bắc - Lạng (Cao Bằng - Bắc Cạn - Lạng Sơn). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, “Việt Nam Độc Lập” vẫn tiếp tục được xuất bản. Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập và trực tiếp chỉ đạo từ số 1 (101) ngày 1-8-1941 đến khi Người đi Trung Quốc (năm 1942). Sau đó báo do đồng chí Phạm Văn Đồng chỉ đạo. Báo in litô, mỗi số có 2 trang. Tính đến ngày 16-12-1945, báo ra được 135 số. Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ 127 số báo “Việt Nam độc Lập” và 3 họa bản ra tháng 5, 6, 7 năm 1945.

Nhóm báo chí cách mạng thời kỳ 1936 – 1939