Thứ Hai, 16/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/05/2019 15:52 2497
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
NDĐT - Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019), Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề "Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động" (1969 - 2011).
Chân dung Hồ Chí Minh: Góc nhìn từ tranh cổ động (1969 - 2011)

Các đại biểu cắt băng khai mạc buổi Lễ trưng bày chuyên đề.

Đây cũng là hoạt động nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và hướng tới kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2019).

Với gần 60 bức tranh, chủ yếu là tác phẩm gốc, trưng bày giới thiệu về sưu tập tranh cổ động được sáng tác và phát hành sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời; các tác phẩm trong sưu tập với bút pháp đồ họa phong phú cùng ngôn ngữ khúc chiết, đã khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vô cùng giản dị, gần gũi; là tấm gương cổ vũ lớn đối với các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày.

Nội dung trưng bày gồm bốn phần: Phần thứ nhất, Hồ Chí Minh - Linh hồn dân tộc Việt Nam, khắc họa Chủ tịch Hồ Chí Minh là lẽ sống, niềm tin, niềm tự hào của dân tộc. Người đã đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi, giải phóng cho nhân dân thoát khỏi thân phận nô lệ và trở thành người dân của nước độc lập tự do, làm rạng rỡ non sông, đưa vị thế Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế. Phần thứ hai, Hồ Chí Minh - Nhà quân sự, nhà thơ muốn giới thiệu tới công chúng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới góc nhìn nhà chiến lược quân sự thiên tài, lỗi lạc. Bên cạnh đó, Người còn là nhà thơ lớn, phong cách thơ là sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, trữ tình nhưng đầy chất thép, mang sự tinh tế, sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn, chí khí cách mạng. Phần thứ ba, Bác Hồ - Một tình yêu bao la nói lên lúc sinh thời, Bác Hồ đã dành muôn vàn tình yêu thương cho đồng bào; khi ra đi, Người đã "để lại tình thân cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, các cháu thanh niên, nhi đồng". Người chính là biểu tượng sinh động cho những giá trị nhân vân của dân tộc và thời đại. Phần cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi muốn gợi lại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam quyết tâm đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã, đang được các tầng lớp nhân dân tích cực học tập và làm theo.

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà cho biết: "Đặc biệt, trong lần trưng bày này, Ban tổ chức cho ra mắt ấn phẩm "Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động (1969 - 2011)", nhằm giới thiệu về các tác phẩm tranh cổ động và một số bài viết của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, họa sĩ. Ấn phẩm ra mắt với mong muốn giúp công chúng có thêm hiểu biết về phong cách nghệ thuật cùng những giá trị lịch sử, văn hóa của đồ họa tuyên truyền Việt Nam".

 

 

Góc trải nghiệm in tranh và tô màu.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ sự kiện, lần đầu tiên công chúng, đặc biệt là các em học sinh đến từ Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Tiểu học Chu Văn An... có dịp tham gia hoạt động khám phá, trải nghiệm thú vị như: Tô màu; in tranh khắc gỗ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ một số bức tranh mẫu được lựa chọn trong trưng bày. Kỹ thuật và thao tác in được thực hiện trên chất liệu giấy điệp, mực in từ tranh Đông Hồ truyền thống.

Chia sẻ về câu chuyện ý tưởng của bức tranh nổi tiếng "Độc lập, thống nhất, hòa bình, hạnh phúc", họa sĩ Trần Từ Thành cho biết, năm 1975, thống nhất đất nước đã thôi thúc ông tìm đề tài cho bức tranh tham dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc đầu tiên tổ chức vào đầu năm 1976. Đây chính là dịp để họa sĩ bày tỏ ao ước bấy lâu về chủ đề đất nước hòa bình, về tấm gương của Bác Hồ và những lời dạy, bài viết dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Đến 20-4-1976, bức tranh "Bác hồ với thiếu nhi" đã đoạt giải cao tại buổi Triển lãm và được Xưởng tranh cổ động T.Ư cho in hàng vạn bản, phát hành trên cả nước và đề nghị họa sĩ đưa câu khẩu hiệu "Độc lập, thống nhất, hòa bình, hạnh phúc" vào tranh. Bức tranh đã trở thành biểu tượng của khát khao, ước mơ hòa bình, cũng là lời nhắc nhở về tình yêu thương và gìn giữ hòa bình đến thế hệ mai sau.

Buổi trưng bày diễn ra từ ngày 10-5 đến 10-10-2019.

PHÙNG TRANG

http://nhandan.com.vn/

Chia sẻ:

Bài nổi bật

BTLSQG trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

BTLSQG trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

  • 17/06/2019 15:25
  • 4103

Quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với Quốc hiệu, kinh đô (Thủ đô) cũng luôn được các nhà nước đặc biệt coi trọng.

Bài viết khác

Khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa, Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” tại BTLSQG

Khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa, Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” tại BTLSQG

  • 22/01/2019 11:14
  • 3742

Sáng ngày 20.01.2019, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) và Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã tổ chức Lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Di sản văn hóa, Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn”, tại số 216 Trần Quang Khải, Hà Nội.