"Đề cương về văn hóa Việt Nam" và những quan điểm, tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
"Đề cương về văn hóa Việt Nam" và những quan điểm, tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tháng 2-1943, tại Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã thảo luận và thông qua “Đề cương về văn hóa Việt Nam” - Cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Đề cương là văn kiện lịch sử nêu rõ phương hướng cùng những nguyên tắc thiết thực cho công cuộc xây dựng nền văn hóa mới - nền văn học cách mạng.
Đề cương đã nêu rõ một số quan điểm, tư tưởng cơ bản của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, đặc biệt nêu ra ba nguyên tắc xây dựng nền văn hóa mới là: Dân tộc, đại chúng và khoa học. Văn hóa là một trong ba mặt trận: kinh tế, chính trị, văn hóa. Cùng với làm cách mạng chính trị, còn phải làm cách mạng vǎn hóa; có lãnh đạo được phong trào vǎn hóa, Đảng mới định hướng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.
Những nội dung tư tưởng của Đề cương đã phản ánh đúng, kịp thời những đòi hỏi của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa cách mạng, là định hướng quan trọng cho sự ra đời của nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam mới.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 vừa mới thành công, nước Cộng hòa non trẻ mới ra đời, lại đứng trước tình thế hiểm nghèo (thù trong giặc ngoài, bộn bề công việc khó khăn, phức tạp), Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã bắt tay vào xây dựng chế độ mới; trong đó, không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, củng cố chính thể dân chủ cộng hòa, mà còn chú trọng gây dựng nền tảng văn hóa, ra sức phát huy giá trị, truyền thống văn hóa của dân tộc để giữ vững nền độc lập, khẳng định quyền lực và địa vị làm chủ của nhân dân.
Nhận thức được vai trò vô cùng quan trọng của Văn hóa, nên chỉ một ngày sau khi đất nước được độc lập, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội Đồng chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước, trong đó có hai nhiệm vụ thuộc về văn hoá: Một là, cùng với diệt giặc đói phải diệt giặc dốt; Hai là, phải giáo dục lại tinh thần nhân dân.
Tại Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ở Thủ đô Hà Nội vào ngày 24-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Điều đó cho thấy, Đảng, Bác Hồ rất coi trọng vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của dân tộc và sự nghiệp cách mạng.
Những quan điểm quan trọng về văn hóa được Đảng ta thể hiện trong “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã dần được bổ sung, hoàn thiện theo yêu cầu của các giai đoạn cách mạng sau này. Mỗi bước phát triển của cách mạng, Đảng ta lại hoàn thiện thêm một bước về đường lối văn hóa văn nghệ. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, năm 1996 đã nhấn mạnh “Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội). Tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) năm 1998, đường lối ấy được hoàn thiện thêm một bước, nêu rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội”.
Trưng bày “Văn học- Nghệ thuật trong kháng chiến (1945- 1954)” đã thể hiện được quan điểm và tư tưởng ấy
Với gần 200 hình ảnh, tài liệu, hiện vật được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Văn học Việt Nam, trưng bày chuyên đề: “Văn học- Nghệ thuật trong kháng chiến (1945-1954)”, được thể hiện qua hai phần:
Phần thứ nhất, Đề cương về văn hóa Việt Nam và đường lối văn hóa của Đảng
“Đề cương Văn hóa Việt Nam” ra đời trong bối cảnh nhân dân Việt Nam bị thực dân Pháp và phát xít Nhật tiếp tay nhau đè nén. Chúng không chỉ bóc lột nhân dân ta về kinh tế mà còn đầu độc về văn hóa, thi hành những chính sách văn hóa phản động nhằm lừa bịp, mị dân, ru ngủ trí thức. Trong hoàn cảnh đó, sau khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. Người viết thư gửi đồng bào cả nước và ra báo Việt Nam độc lập nhằm tuyên truyền, vạch trần âm mưu, tội ác của kẻ thù và kêu gọi nhân dân đoàn kết, tham gia vào tổ chức Việt Minh đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật.
Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào cả nước 6/6/1941.
Báo “Việt Nam Độc lập”- Cơ quan tuyên truyền của Việt Minh Cao Bằng do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, số 1 (101), ngày 1/8/1941.
Đến năm 1943, Phong trào Việt Minh phát triển khá mạnh ở nông thôn nhưng còn yếu ở thành thị vì chưa phát động được phong trào ở các tầng trí thức, đặc biệt là các văn nghệ sỹ đứng vào mặt trận cứu quốc của dân tộc. Trước tình hình đó, tại làng Võng La, Đông Anh (Hà Nội), Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng họp từ ngày 25- 28/02/1943 đã thông qua Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh dự thảo.
Tạp chí Tiên Phong: Cơ quan vận động Văn hóa Mới thuộc Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam xuất bản, số 1 ra ngày 10-11-1945 đăng toàn văn “Đề cương về văn hóa Việt Nam”.
“Đề cương văn hóa Việt Nam” được đăng trên Tạp chí Tiên Phong - cơ quan vận động Văn hóa mới thuộc Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản, ra ngày 10-11-1945, hiện được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Một điều trùng hợp là, ở trong nước, Đề cương Văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943 thì cũng trong thời gian đó, ở nước ngoài, Bác Hồ đang bị giam trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, Bác đã ghi lại những suy nghĩ của mình về việc xây dựng một nền văn hóa dân tộc cho tương lai. Hai sự kiện cùng một thời gian tuy địa điểm và hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng chung một cội nguồn, một tư tưởng.
Tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bảo vật quốc gia), giới thiệu trang văn xuôi nói về vấn đề văn hóa
Ngay sau khi “Đề cương về văn hóa Việt Nam” được công bố, các nhà văn hóa, trí thức yêu nước đã nhiệt tình ủng hộ, tổ chức nhiều cuộc vận động xây dựng nền văn hóa mới - văn hóa cách mạng.
Trưng bày giới thiệu một số nhận xét, đánh giá của học giả, nhà văn hóa, văn nghệ sỹ về “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đăng trên sách, báo, tạp chí; một số văn kiện của Đảng nói về văn hóa văn nghệ.
Phần thứ hai, văn học - nghệ thuật trong kháng chiến (1945- 1954)
“Đề cương về văn hoá Việt Nam” ra đời năm 1943 chắp cánh cho các hoạt động sáng tạo của các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ ngày càng phong phú và sắc bén; họ luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng, phản ánh sắc sảo, sinh động đời sống thực tiễn đấu tranh của nhân dân, và kịp thời động viên, cổ vũ toàn dân, toàn quân thi đua tăng gia sản xuất, giết giặc lập công, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Trong bức thư gửi anh em họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa tháng 12/1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Bức thư của Bác sau đó đã được đăng trên Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5-1-1952, trong bối cảnh toàn dân đang thực hiện đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” chống thực dân Pháp xâm lược.
Lời dạy của Bác đã trở thành nguồn cổ vũ rất lớn đối với các anh chị em nghệ sĩ, khích lệ họ hăng say, sáng tạo. Giai đoạn 1945- 1954 đã có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật ra đời phục vụ đắc lực cho cuộc kháng chiến.
Tranh “Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiếu nhi Bắc-Trung-Nam” vẽ bằng máu trên nền vải lụa, ngày 2/9/1947, của họa sĩ Diệp Minh Châu
Trong số những tác phẩm ra đời trong giai đoạn này có bức huyết họa “Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiếu nhi Bắc-Trung-Nam” do Họa sĩ Diệp Minh Châu thể hiện. Ông vẽ bức tranh trong hoàn cảnh, vào ngày 2/9/1947, nhân kỷ niệm 2 năm ngày Quốc khánh, tại hội chợ mừng lễ Độc lập tổ chức ở chiến khu Đồng Tháp Mười, sau khi được nghe lại Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập trên Đài phát thanh tiếng nói Nam bộ, nghe tốp ca thiếu nhi hát bài "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, trong lòng họa sĩ trào dâng một cảm xúc mãnh liệt. Mặc dù chưa được gặp Bác, nhưng trong lúc quá xúc động, ông đã bột phát lấy dao rạch cánh tay để lấy máu vẽ chân dung Bác với ba em bé đại diện cho thiếu nhi Bắc-Trung- Nam. Bức huyết họa sau đó đã được gửi ra Việt Bắc, dâng lên Bác Hồ kèm bức thư của tác giả trẻ "Kính gửi Cha già Hồ Chí Minh"
Về bức huyết họa của họa sĩ Diệp Minh Châu, nhiều người đã có dịp chiêm ngưỡng, chủ yếu là qua hình chụp trên sách báo. Hiện nay, bức tranh gốc hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây là một tác phẩm tranh lụa, lại được vẽ bằng máu nên cùng với thời gian, nó không còn giữ được màu như lúc vẽ, tuy nhiên, bức tranh chính là minh chứng về tình cảm của nhân dân Việt Nam với Bác Hồ, niềm tin mãnh liệt vào ngày thống nhất đất nước.
Tập ký họa và bút ký. Họa hình các đại biểu trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2, năm 1951 tại Việt Bắc của họa sĩ Diệp Minh Châu
Tượng “Chân dung Bác Hồ”của họa sĩ Nguyễn Thị Kim
Tượng “Chân dung Bác Hồ” do họa sĩ Nguyễn Thị Kim- nữ họa sĩ điêu khắc đầu tiên của Việt Nam thể hiện, bà là người may mắn được trực tiếp tạc tượng Bác.
Bài hát “Tiếng gọi thanh niên”, nhạc Lưu Hữu Phước, lời Huỳnh Văn Tiểng, Lê Khắc Thiều.
Nhắc đến nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, chúng ta thường nhớ đến những bản trường ca bất hủ của ông, như Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Tình Bác sáng đời ta, Tuổi hai mươi, Xuống đường, Giải phóng miền Nam, Bài ca Giải phóng quân, Thanh niên ba sẵn sàng, Hành khúc giải phóng, Tiến về Sài Gòn…
Ông là một trong những nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên sử dụng thể loại hành khúc để thức tỉnh, kêu gọi thanh niên tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Không chỉ sáng tác âm nhạc, ông còn tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, chăm sóc, tuyên truyền giáo dục âm nhạc cho thế hệ trẻ. Với những đóng góp to lớn trong lịch sử âm nhạc cách mạng, ông đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt I, năm 1996.
Nhạc phẩm “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao
Trong số những bài hát viết về Hà Nội thì nhạc phẩm “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao được xem là ca khúc “kỳ lạ” nhất. Nói “kỳ lạ” bởi ca khúc được nhạc sĩ sáng tác trước ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng 5 năm. Vào tháng 10/1954, Hà Nội đón những đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản, hình ảnh những đoàn quân “đi như sóng”, từ 5 cửa ô tiến về… đẹp không khác gì lời bài hát mà nhạc Văn Cao đã viết từ trước đó. Từ khi ra đời đến nay, ca khúc luôn được nhiều người yêu mến, đã trở thành một “khúc ca khải hoàn” của người Hà Nội trong ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.
Trong kháng chiến chống Pháp, tranh cổ động đã trở thành vũ khí sắc bén, xung kích, có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm và hành động của đông đảo quần chúng nhân dân, truyền đạt kịp thời các nhiệm vụ cách mạng và cổ vũ quần chúng hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời chính những nhiệm vụ cách mạng đã thúc đẩy tranh cổ động Việt Nam trong giai đoạn này phát triển không ngừng.
Với những đóng góp to lớn của các văn nghệ sĩ cho sự nghiệp cách mạng cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, từ năm 1996, Nhà nước đã tổ chức lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh- giải thưởng cao quý nhất cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc. Đây được xem là giải thưởng danh giá nhất hiện nay tại Việt Nam. Giải thưởng Hồ Chí Minh được xét và công bố 5 năm một lần vào dịp Quốc khánh 2/9 và đợt trao giải đợt đầu tiên vào năm 1996.
Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật được trao cho tác giả của các lĩnh vực âm nhạc, văn học, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, điện ảnh, văn nghệ dân gian và kiến trúc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thành lập Hội đồng Giải thưởng để tư vấn cho Thủ tướng trình danh sách lên Chủ tịch nước phê duyệt. Cho đến nay, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật được ký quyết định trao tặng vào các năm 2001, 2007, 2012.
Kể từ khi “Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời, đặc biệt trong giai đoạn 1945- 1954, hoạt động của các tổ chức văn hóa, văn nghệ của Đảng, nhất là hoạt động sáng tạo của các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ, ngày càng phong phú. Họ thực sự đã trở thành những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày nay, với đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trước đây cũng như hiện nay, ở nước ta, văn hóa luôn luôn là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Việc chấn hưng nền văn hóa dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là những minh chứng khẳng định sức sống bền vững của đường lối văn hóa, văn nghệ đã được Đảng ta đề ra từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943.
Thủy Lâm - Hoàng Yến