Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/04/2013 15:46 4742
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Việt Nam và Nhật Bản là hai nước châu Á có nhiều nét tương đồng về địa lý tự nhiên và văn hóa, xã hội.

Quan hệ giao lưu văn hóa và thương mại giữa hai nước đã có từ lâu đời với nhiều cơ duyên mang tính lịch sử. Mối quan hệ này đã được nâng lên tầm quốc gia trong các thế kỷ XVI - XVII qua các văn bản ngoại giao cấp nhà nước giữa chính quyền Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn ở Đàng Trong với vương quốc Ryūkyū (trở thành tỉnh Okinawa của Nhật Bản năm 1879), chính quyền của tướng quân Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu. Đến đầu thế kỷ XX, phong trào "Đông du" của Việt Nam do Phan Bội Châu khởi xướng có thể được coi là một sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước thời cận đại. Những sự kiện này chứng tỏ rằng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản vốn có cội nguồn từ trong lịch sử và là nền tảng cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ giữa hai nước hiện nay.

Tòa nhà Bảo tàng quốc gia Kyushu, Nhật Bản

Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2013), lần đầu tiên tại Bảo tàng quốc gia Kyushu, Nhật Bản đã diễn ra cuộc trưng bày chuyên đề quy mô lớn với tên gọi: Việt Nam - Câu chuyện vĩ đại. Với khoảng 300 hiện vật gốc được lựa chọn kỹ lưỡng, vừa phong phú về loại hình, vừa đa dạng về chất liệu, trưng bày không chỉ tập trung giới thiệu về lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản mà còn giới thiệu rộng rãi tới khách tham quan Nhật Bản và du khách quốc tế về truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời của Việt Nam.

Trưng bày do Bảo tàng quốc gia Kyushu, Đài phát thanh truyền hình Kyushu TVQ và Báo Nishinippon đồng chủ trì, với sự phối hợp của hàng chục bảo tàng, di tích, cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học tại 3 quốc gia Nhật Bản, Việt Nam và Indonesia như: Bảo tàng quốc gia Tokyo, Bảo tàng Thành phố Fukuoka, Bảo tàng Lịch sử văn hóa Nagasaki, Đại học Tokyo, các chùa Jomyo, Daionji, Tướng Quốc, Bản Diệu, Chính Nhãn, Tình Diệu… (Nhật Bản); Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Việt Nam) và Bảo tàng quốc gia Indonesia.

Băng rôn quảng cáo về cuộc trưng bày tại lối vào bảo tàng quốc gia Kyushu, Nhật Bản

Bố cục trưng bày gồm phần mở đầu và 3 chủ đề chính:

Phần mở đầu: Khởi đầu một giấc mơ ở bất cứ nơi nào bạn đến.

Nội dung trưng bày phần mở đầu giới thiệu khái quát về ba nền văn hóa lớn: Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo ở ba miền Bắc, Trung và Nam Việt Nam. Đây chính là ba cái nôi văn minh cổ làm nền tảng cho quá trình hình thành đất nước Việt Nam ngày nay.

Từ khoảng thế kỷ thứ VII TCN đến thế kỷ II SCN, ở Miền Bắc Việt Nam, nền văn hóa Đông Sơn hình thành và phát triển rực rỡ trên cơ sở cuộc cách mạng luyện kim với công nghệ đúc đồng đạt tới đỉnh cao thời đại. Đặc trưng di vật của Văn hóa Đông Sơn là sự hiện diện phong phú, đa dạng của các loại hình đồ đồng mà tiêu biểu, đặc sắc nhất là những chiếc trống đồng. Trống đồng Đông Sơn (loại I Heger) là loại trống đồng sớm nhất, đẹp nhất, được sử dụng phổ biến với chức năng là một nhạc khí quan trọng và biểu tượng của quyền lực. Đây không chỉ là sản phẩm lao động mà còn là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho trình độ trí tuệ, tài năng sáng tạo tuyệt vời của cư dân Đông Sơn.

Chuẩn bị hiện vật trưng bày

Ở Miền Trung, Văn hoá Sa Huỳnh (khoảng thế kỷ VI TCN - thế kỷ II SCN) vừa có nguồn gốc nội sinh vừa hàm chứa những yếu tố ngoại sinh. Đây là kết quả của sự kết tinh và hợp nguồn từ các dòng chảy văn hoá Tiền Sa Huỳnh kết hợp với những xúc tác từ các yếu tố văn hóa Đông Sơn, Đồng Nai, Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ, Địa Trung Hải… Một số loại hình hiện vật của văn hoá Sa Huỳnh như đồ gốm, khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú… cũng được tìm thấy trong nhiều địa điểm khảo cổ đồng đại ở các không gian văn hóa khác ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy đặc tính hướng biển mạnh mẽ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Loại hình di tích chính của văn hóa Sa Huỳnh là di tích mộ táng với táng thức chủ đạo là mộ chum. Đáng chú ý, một số mộ chum cỡ lớn của nền văn hóa này mang nhiều nét tương đồng với mộ chum cùng thời tìm thấy ở Kyushu, Nhật Bản.

Thi công tủ trưng bày 2 bộ lễ phục hoàng gia Triều Nguyễn

Ở Miền Nam, nền Văn hóa Óc Eo phát triển phồn thịnh trong khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên với hải cảng Óc Eo là một trung tâm thương mại quốc tế lớn nằm trên hải trình thương mại thời cổ đại kết nối Phương Đông với Phương Tây. Cho tới nay, hàng vạn di vật văn hóa Óc Eo đa dạng về loại hình, phong phú về chất liệu, vừa mang tính bản địa, vừa hàm chứa những thành tố của các nền văn minh Ấn Độ, Ba Tư, La Mã, Trung Hoa… đã được tìm thấy. Đáng chú ý là các pho tượng thờ Hindu giáo và Phật giáo bằng đá và bằng gỗ. Đặc biệt, các pho tượng Phật bằng gỗ với khuôn mặt đầy đặn, toát lên vẻ hiền từ, thân hình mềm mại, từng nét uốn lượn nhẹ nhàng… dường như mới chỉ tìm thấy ở đồng bằng Nam bộ, Việt Nam.

Phần trưng bày này giới thiệu 32 hiện vật tiêu biểu, đặc sắc đang lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Với Văn hóa Đông Sơn, chủ đạo là những hiện vật bằng đồng như tượng bò, chân đèn hình hươu, rìu gót vuông đúc hình chó săn hươu, dao găm chuôi hình người… và đặc biệt là chiếc Trống đồng Sao Vàng có niên đại khoảng thế kỷ III TCN - thế kỷ II SCN, phát hiện ở Thanh Hóa. Đây là chiếc trống đồng Đông Sơn lớn nhất Việt Nam hiện nay. Phần giới thiệu về Văn hóa Sa Huỳnh trưng bày một số đồ trang sức đặc trưng của nền văn hóa này như khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú, đồ gốm… Riêng với Văn hóa Óc Eo, hiện vật lựa chọn trưng bày nhấn mạnh tới tính chất giao lưu văn hóa, thương mại của nền văn hóa này: đồng tiền bạc thế kỷ I - III đúc nổi hình một vị nam thần trong văn hóa Hy Lạp - La Mã; những đồng tiền Óc Eo cũng bằng bạc có niên đại thế kỷ II - VI đúc nổi hình mặt trời mọc và ngôi đền thiêng Srivatsa trong văn hóa Ấn Độ; một số đồ trang sức, lá vàng có khắc chữ Phạn cổ. Đặc biệt là pho tượng gỗ Phật Thích Ca đứng thuyết pháp - một loại hình hiện vật đặc trưng của Văn hóa Óc Eo.

Mũ bình thiên. Sưu tập bảo vật cung đình Triều Nguyễn (thế kỷ XIX - XX). Hiện vật Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chủ đề 1: Thăng Long - Hà Nội, thành phố 1000 năm tuổi với nét đặc trưng là hình ảnh một con Rồng bay lên bầu trời.

Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, lịch sử Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển rực rỡ: kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Trên nền tảng quốc gia phong kiến độc lập tự chủ, các triều đại Lý - Trần - Lê đã đưa Đại Việt bước vào thời kỳ phát triển thịnh trị, là thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam. Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư hẻo lánh, hiểm trở ra Đại La, trung tâm của đất nước, rồi mượn hình tượng rồng bay để đặt tên cho kinh đô mới Thăng Long. Kể từ đó, Thăng Long là thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa… của Đại Việt cho đến năm 1802, khi nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của nước Việt Nam dời kinh đô vào Thuận Hóa - Huế ở Miền Trung.

Hiện vật giới thiệu trong chủ đề này tập trung vào các loại hình vật liệu, trang trí kiến trúc tìm thấy tại khu di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long như đầu rồng, lá đề hình phượng… cùng với các tài liệu khoa học phụ nhằm giúp khách tham quan hình dung một cung điện nguy nga ở kinh đô Thăng Long dưới thời Lý (thế kỷ XI - XIII). Bên cạnh đó, nhằm giới thiệu khái quát về sự phát triển và đặc trưng của Phật giáo Việt Nam thời Lý, trưng bày giới thiệu một số hiện vật phát hiện được ở Chùa Phật Tích, Bắc Ninh và Chương Sơn, Nam Định như đố cửa chạm hình rồng, tượng thiên thần Kinari bằng đá, tháp thờ Phật bằng gốm. Ngoài ra, chủ đề trưng bày còn mở rộng giới thiệu sưu tập bảo vật cung đình Triều Nguyễn (thế kỷ XIX - XX) bằng các chất liệu quý như vàng, bạc, ngọc… như mũ xung thiên dành cho vua đội khi thiết triều, mũ bình thiên đội trong những dịp tế Đàn Nam Giao, tôn miếu… cùng các bộ kim sách, ấn, kiếm… và 2 bộ lễ phục của hoàng hậu, hoàng thân Triều Nguyễn. Một số hiện vật Văn hóa Champa như đầu tượng Phật Đồng Dương (thế kỷ IX), tượng vũ công phong cách Trà Kiệu (thế kỷ X – XI), tượng thần Shiva, tượng sư tử phong cách Tháp Mẫm (thế kỷ XII – XIII) cũng được giới thiệu trong chủ đề trưng bày này.

Chủ đề 2: Chuyến đi của những phiêu lưu mạo hiểm và tình yêu.

Việt Nam nằm bên bờ Biển Đông, có bờ biển dài, vùng biển rộng. Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đã dự nhập mạnh mẽ vào giao thương hàng hải quốc tế kết nối phương Đông với phương Tây ngay từ buổi đầu hình thành của tuyến đường thương mại này. Không chỉ là địa chỉ hấp dẫn đối với thuyền buôn nước ngoài mà sản phẩm của Việt Nam còn được vận chuyển đến khắp các thị trường Đông Nam Á, Tây Á và Địa Trung Hải.

Mâm bồng, gốm men nhiều màu. Thời Lê sơ, thế kỷ 15. Hiện vật Bảo tàng Xuất Quang, Nhật Bản

Về phía Đông, Việt Nam và Nhật Bản đã có truyền thống giao lưu văn hóa, thương mại từ rất sớm. Tại một số di tích khảo cổ học ở Nhật bản, người ta đã thấy sự hiện diện của gốm sứ Đại Việt có niên đại từ thế kỷ XIV về sau. Trong các thế kỷ XVI - XVII, quan hệ giao lưu văn hóa, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ thông qua mậu dịch Châu ấn thuyền. Các hào thương Nhật Bản có công lớn trong việc thiết lập quan hệ giữa hai nước thời kỳ này là Suminokura Ryôi và con trai Suminokura Soan với chính quyền Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài; Chaya Shinroku, Araki Sotaro… với chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Araki Sotaro còn được Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa và ban quốc tính nên có tên Việt là Nguyễn Thái Lang. Năm 1620, công chúa theo chồng về sống tại Nagasaki, với tên Nhật là Wakaku. Tại quê chồng, bà là một người nổi tiếng và được người dân Nagasaki mến mộ. Họ luôn gọi bà bằng cái tên thân mật là Anio-san. Ngày công nương Wakaku cập bến Nagasaki, một buổi lễ long trọng được tổ chức để đón cô dâu thuộc dòng dõi quí tộc của nước Giao Chỉ (cách gọi lãnh thổ Đàng Trong của người Nhật đương thời). Từ đó cho tới nay, buổi lễ đón tiếp này đã trở thành một phần quan trọng trong lễ hội Okunchi tại Nagasaki, một trong những lễ hội lớn và đặc sắc nhất Nhật Bản để tôn vinh các thương nhân, được tổ chức từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 10 hàng năm, với nghi lễ rước tàu Châu ấn thuyền, đứng trên mũi tàu là hai em bé đóng vai Araki Sotaro và công chúa Wakaku. Ngoài ra, một số thương gia Nhật khác cũng đã lấy vợ người Việt, sinh con, lập nghiệp lâu dài tại Hội An.

Chiếc gương trang điểm của công chúa Wakuka. Hiện vật Bảo tàng Lịch sử văn hóa Nagasaki

Hải trình thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam ẩn chứa không ít những phiêu lưu, mạo hiểm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng từ đây đã đơm hoa, kết trái nên những tình yêu vĩnh cửu. Bởi vậy, chủ đề trưng bày này tập trung giới thiệu về quan hệ giao lưu văn hóa, thương mại Việt Nam - Nhật Bản và được tách ra thành những câu chuyện khác biệt về tình yêu và các cuộc phiêu lưu.

Đây là chủ đề chiếm số lượng hiện vật nhiều nhất, trong đó tập trung nhất là các văn bản ngoại giao cấp quốc gia (quốc thư) trao đổi về việc giao thương giữa chính quyền Chúa Nguyễn ở Đàng Trong với hai chính quyền Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu ở Nhật Bản; các bức tranh vẽ tàu Châu ấn thuyền và các sự kiện liên quan đến giao thương giữa chính quyền hai nước đương thời, các bản đồ hàng hải do người Nhật vẽ; các bức Châu ấn trạng (giấy phép cấp cho thuyền Châu ấn), các tài liệu, hiện vật gắn liền với cuộc đời công chúa Wakaku và lễ hội Okunchi ở Nagasaki… Tiêu biểu là bức quốc thư ghi niên hiệu Quang Hưng thứ 14 đời vua Lê Thế Tông (1591) của Chúa Nguyễn Hoàng gửi tướng quân Toyotomi Hideyoshi để đặt quan hệ giao thương giữa hai nước; bức tranh cuốn Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ của thương gia Chaya Shinroku vẽ cảnh Châu ấn thuyền rời Nagasaki tới Giao Chỉ đang cập cảng Hội An, nay thuộc sở hữu của chùa Jomyo, thành phố Nagoya; chiếc gương soi của công chúa Wakaku mang theo khi về nhà chồng, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử văn hóa Nagasaki… Ngoài ra, chủ đề trưng bày cũng dành một diện tích riêng biệt mô phỏng hình con tàu để giới thiệu những hiện vật tiêu biểu khai quật được từ năm con tàu đắm cổ trong vùng biển Việt Nam là Cù Lao Chàm, Bình Thuận, Hòn Cau, Cà Mau, Hòn Dầm.

Chủ đề 3: Vẻ đẹp của con người Việt Nam.

Nội dung, ý tưởng trưng bày của chủ đề xuất phát từ quan niệm: những nét đẹp do chính mình tạo ra và được nhìn nhận là niềm vui của tất cả mọi người. Hãy thưởng lãm thế giới của ý chí kiên định, những vẻ đẹp tinh tế và những thành quả nghệ thuật tuyệt mỹ đã được tạo nên từ khả năng sáng tạo phong phú, óc thẩm mỹ và bàn tay tài hoa của các thế hệ người dân Việt Nam cần cù, chịu khó. Mỗi hiện vật, với tư cách là một sản phẩm thủ công truyền thống của người Việt Nam đều biểu hiện trình độ kỹ thuật chế tác điêu luyện và chứa đựng nhiều tinh hoa nghệ thuật. Mỗi sản phẩm đều trải qua nhiều công đoạn chế tác, trang trí tỉ mỉ, phức tạp khiến cho chúng không còn là một vật dụng thông thường mà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Phòng khám phá. Nơi tổ chức các hoạt động khám phá, trải nghiệm về văn hóa Việt Nam

Mặc dù chỉ có gần 50 hiện vật giới thiệu trong chủ đề trưng bày này nhưng đây là chủ đề bao gồm nhiều loại hình nhất: vật liệu, trang trí kiến trúc; đồ dùng sinh hoạt; tranh, tượng nghệ thuật; đồ thờ cúng; trang sức; trang phục… với nhiều chất liệu khác nhau như vàng, bạc, ngọc, vải, gốm, gỗ khảm trai… Những hiện vật tiêu biểu là chiếc trâm vàng hình phượng ngậm lồng đèn được cho là của một vương phi thời Chúa Nguyễn (thế kỷ XVIII); hộp trầu bằng vàng thuộc sưu tập hiện vật cung đình Triều Nguyễn (thế kỷ XIX); tranh gỗ khảm trai thời Nguyễn mô tả lễ hội trung thu; bộ đồ trà gốm Đại Việt thế kỷ XVII là các bảo vật gia truyền của các gia đình tướng quân ở Nhật Bản; các tác phẩm gốm xuất khẩu tuyệt mỹ thời Lê sơ (thế kỷ XV) mượn từ các bảo tàng quốc gia Tôkyo, Nhật Bản và Indonesia… Góp phần tạo nên sự phong phú và nâng cao tính thẩm mỹ của chủ đề trưng bày là một số bộ trang phục với nhiều hoa văn đẹp mắt, mang dấu ấn đặc trưng của các dân tộc Lô Lô, Thái, Hmông.

Bên lề cuộc trưng bày, Bảo tàng quốc gia Kyushu, Nhật Bản còn tổ chức rất nhiều hoạt động liên quan như như các buổi nói chuyện chuyên đề về lịch sử, văn hóa Việt Nam, Việt Nam với con đường tơ lụa trên biển cũng như lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản do các giáo sư nổi tiếng của các trường Đại học Tokyo, Đại học Osaka, Đại học nữ Chiêu Hòa và Bảo tàng quốc gia Kyushu diễn thuyết; các hoạt động khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm về văn hóa và thưởng thức ẩm thực Việt Nam; thử áo dài và tổ chức các quầy hàng lưu niệm bán đồ thủ công, mỹ nghệ, thời trang Việt Nam…

Trưng bày mở cửa từ 16 tháng 4 đến 9 tháng 6 năm 2013, tại Bảo tàng quốc gia Kyushu, số 4-7-2 Ishizaka, thành phố Dazaifu, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản.

Quốc Hữu – Thúy Ngân

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

BTLSQG trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

BTLSQG trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

  • 17/06/2019 15:25
  • 4086

Quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với Quốc hiệu, kinh đô (Thủ đô) cũng luôn được các nhà nước đặc biệt coi trọng.

Bài viết khác

Trưng bày chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam (Sưu tập Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Trưng bày chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam (Sưu tập Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

  • 22/02/2013 17:17
  • 7150

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Với khả năng “gắn đạo với đời” và “đồng hành cùng dân tộc”, Phật giáo không những đã nhanh chóng thích ứng, hòa đồng với tín ngưỡng, phong tục, tập quán bản địa mà còn tạo ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.