Thứ Bảy, 07/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/02/2013 17:17 7147
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm. Với khả năng “gắn đạo với đời” và “đồng hành cùng dân tộc”, Phật giáo không những đã nhanh chóng thích ứng, hòa đồng với tín ngưỡng, phong tục, tập quán bản địa mà còn tạo ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đặc biệt, dưới thời Lý - Trần, với tinh thần nhập thế, Phật giáo đã trở thành quốc giáo, chi phối mạnh mẽ tới tư tưởng, học thuật, văn học và nghệ thuật đất nước. Qua khoảng 2000 năm lịch sử phát triển, Phật giáo Việt Nam đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc.

Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam mà còn biểu hiện mối giao lưu văn hóa trong khu vực với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan chung. Mỗi ngôi chùa là một danh lam cổ tích, một bảo tàng nghệ thuật. Từng bộ phận kiến trúc, từng pho tượng, bức tranh, đồ thờ tự… trong các ngôi chùa đều là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc. Tại quyết định công nhận bảo vật quốc gia đợt 1 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tháng 10 năm 2012, trong 30 hiện vật, có tới 6 hiện vật là di sản văn hóa Phật giáo.

Nhằm giới thiệu khái quát những nét đặc trưng và những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy và tôn vinh văn hóa dân tộc, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam (sưu tập Bảo tàng Lịch sử quốc gia).Trưng bày giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật gồm tranh, tượng Phật, trang trí kiến trúc chùa tháp, đồ thờ cúng, nhạc khí… theo 5 thời kỳ lịch sử:

1. Di sản văn hóa Phật giáo 10 thế kỷ đầu Công nguyên

Khởi nguyên, Phật giáo được du nhập trực tiếp từ Ấn Độ vào Việt Nam thông qua hải thương. Tại Giao Chỉ, hoạt động truyền giáo của các tăng sĩ Phật Giáo Ấn Độ phát triển mạnh đã tạo đà cho việc hình thành trung tâm Phật giáo Luy Lâu - trung tâm Phật giáo lớn nhất và cổ xưa nhất của Việt Nam. Từ cuối thế kỷ 2 sau công nguyên, Luy Lâu là nơi nghiên cứu, dịch kinh và truyền bá Phật giáo của nhiều cao tăng Ấn Độ, Tây Vực như Khâu Đà La, Ma Ha Kì Vực, Khương Tăng Hội... Tại đây, Phật giáo đã có một sự dung hợp kỳ diệu với các vị thần nông nghiệp bản địa tạo nên một hệ thống tư tưởng giáo lý và thờ cúng mang yếu tố riêng biệt gắn với sự tích Phật Mẫu Man Nương và tín ngưỡng thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) mà ngày nay vẫn còn để lại dấu ấn đậm nét không chỉ ở vùng Luy Lâu - Thuận Thành mà còn ở khắp đồng bằng Bắc Bộ.

Tượng Phật. Gỗ. Văn hóa Óc Eo, thế kỷ 4 - 6

Tới cuối thế kỷ 10, các triều Ngô - Đinh - Tiền Lê nối tiếp nhau đặt nền tảng độc lập tự chủ cho dân tộc. Lúc này, Phật giáo Đại Thừa bắc truyền với hai thiền phái lớn là Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông đã giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp phát triển đất nước, bảo vệ độc lập dân tộc, đây chính là thời kỳ khởi nguyên cho sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc khẳng định Phật giáo như là một quốc giáo với ưu thế tuyệt đối về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình), nhiều ngôi chùa nổi tiếng được xây dựng với nét độc đáo riêng gắn với cảnh quan núi đá vôi như chùa Bà Ngô, chùa Thiên Tôn, chùa Nhất Trụ… Nơi đây còn lưu lại nhiều thạch kinh cổ, tiêu biểu là cột kinh Lăng Nghiêm chùa Nhất Trụ; các cột kinh Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni do Nam Việt Vương Đinh Liễn cho dựng vào năm 973 và các năm sau đó.

Đầu tượng Phật. Đá cát. Thế kỷ 9. Đồng Dương, Thăng Bình, Quảng Nam

Với Vương quốc Champa cổ đại ở miền Trung, giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất của Phật giáo Champa là vào thế kỷ 9 - 10 dưới triều Indravarman II, khi Phật viện Đồng Dương (nay thuộc làng Đồng Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) được hình thành. Phật viện Đồng Dương được coi là một một thánh địa Phật giáo nổi tiếng không chỉ của Vương quốc Chămpa cổ mà của cả khu vực Đông Nam Á thời trung đại bởi quy mô đồ sộ của dấu tích kiến trúc còn lại và sự lan tỏa, ảnh hưởng về mặt văn hóa của nó với những khu vực xung quanh. Những tác phẩm điêu khắc ở đây đã hình thành nên phong cách nghệ thuật Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Chămpa. Đồng Dương đã có đóng góp đặc sắc vào di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam bởi sự hùng vĩ, trang nghiêm của một quần thể kiến trúc cùng phong cách nghệ thuật điêu khắc độc đáo thể hiện tính năng động và hiện thực khi mô tả đặc điểm người Chăm. Hai trong nhiều tác phẩm điêu khắc hiện tồn của Phật viện Đồng Dương là tượng Phật và tượng Bồ Tát Tara bằng đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận bảo vật quốc gia Việt Nam.

Với văn hóa Óc Eo ở miền Nam, cùng với đạo Hindu, Phật giáo cũng được du nhập vào từ rất sớm. Dấu tích văn hóa Phật giáo hiện tồn tìm thấy ở nhiều di tích và để lại dấu ấn đậm nét trong nghệ thuật tạo hình, đặc biệt là các pho tượng tròn bằng gỗ và đá. Vẻ mặt của các pho tượng Phật ở đây đều đầy đặn, toát lên vẻ hiền từ, thân hình mềm mại, từng nét uốn lượn nhẹ nhàng. Thông qua các tác phẩm điêu khắc này, có thể thấy giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật Phật giáo ở đây là từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 7 với đặc trưng vừa thể hiện rõ xu hướng hiện thực - bản điạ hóa vừa phản ảnh nguồn gốc ảnh hưởng trong đó chủ yếu là nghệ thuật Ấn Độ. Pho tượng Phật sớm nhất là pho tượng bằng gỗ tìm thấy ở Lợi Mỹ, Đồng Tháp Mười có niên đại thế kỷ IV – VI là một trong 30 bảo vật quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận tháng 10 năm 2012.

Hiện vật giới thiệu bao gồm các pho tượng Phật, tượng Bồ tát tìm thầy ở di tích Phật viện Đồng Dương; các pho tượng Phật bằng gỗ, bằng đá văn hóa Óc Eo; chuông đồng, gạch trang trí hình Tam Thế Phật thế kỷ 9 – 10, mô hình tháp thờ Phật, vật liệu kiến trúc trang trí hình Phật thời Đinh – Tiền Lê, đĩa sứ hoa lam thời Nguyễn vẽ tích thiền sư Pháp Thuận đón sứ giả Lý Giác nhà Tống năm 987…

Chuông. Đồng, thế kỷ 9 - 10. Nhạc khí

2. Di sản văn hóa Phật giáo thời Lý – Trần (Thế kỷ 11 – 14)

Thời Lý – Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được triều đình nâng đỡ, coi là quốc giáo. Chính vì vậy, Phật giáo đã có điều kiện để phát huy ảnh hưởng như một “nguồn động lực” thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đồng thời để lại dấu ấn đậm nét lên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt, giai đoạn này đánh dấu sự ra đời của một dòng thiền Việt Nam: thiền phái Trúc Lâm do Vua Trần Nhân Tông khai sáng trên cơ sở thống nhất các dòng thiền trước đó. Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm mang ý nghĩa rất lớn về tính độc lập tự chủ của dân tộc.

Tượng Kinnari. Đá cát. Thời Lý, năm 1066. Chùa Phật Tích, Bắc Ninh. Trang trí kiến trúc

Thời kỳ này chùa chiền mọc lên ở khắp nơi trong đó có nhiều ngôi quốc tự được xây dựng như chùa Báo Thiên, chùa Dạm, chùa Phật Tích, chùa Thầy, chùa Long Đọi, chùa Bối Khê, chùa Phổ Minh. Di sản văn hóa Phật giáo giai đoạn này vừa mang đậm bản sắc Việt vừa biểu hiện sự tiếp thu những yếu tố văn hóa ngoại sinh, đặc biệt là văn hóa Chămpa mà biểu hiện rõ nhất là trong nghệ thuật tạo hình, điêu khắc với các hình tượng Apsara, Garuda, Kinnari, Kim Cương, nhạc công…

Chuông. Đồng. Thời Trần, thế kỷ 13 - 14. Chùa Vân Bản, Đồ Sơn, Hải Phòng

Hiện vật giới thiệu có các cổ vật bằng đá tìm thấy tại chùa Phật Tích như bệ kê chân cột, cổ bệ tượng Phật chạm hình lưỡng long tranh châu, tượng Kim Cương, tượng Kinnari, đố cửa chạm hình rồng…; các pho tượng Tổ, tượng Tăng sĩ bằng gốm, đất nung; chuông chùa Vân Bản (Hải Phòng), cánh cửa gỗ chùa Phổ Minh (Nam Định), mô hình tháp thờ Phật, tượng khỉ (biểu tượng của Tam không)…

3. Di sản văn hóa Phật giáo thời Lê sơ – Mạc (Thế kỷ 15 – 16)

Thời Lê sơ, Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống và là nền tảng để xây dựng mọi thể chế chính trị và xã hội. Tuy nhiên, đạo Phật với sức sống mãnh liệt vẫn được quần chúng và một bộ phận tầng lớp trên tin theo. Các lễ cầu đảo theo tín ngưỡng Tứ Pháp vẫn được tổ chức, một số ngôi chùa lớn cũng được triều đình cho trùng tu tôn tạo như chùa Báo Thiên, chùa Thầy, tháp Huệ Quang... Dấu tích mỹ thuật thời Phật giáo thời Lê Sơ hiện tồn rất ít, trong đó đáng chú ý là tháp Huệ Quang, bệ tượng vua Lý Thần Tông chùa Thầy…

Tượng Bồ Tát Quan Âm Chuẩn Đề. Gỗ sơn son thếp vàng. Thời Mạc, thế kỷ 16

Nhà Mạc tuy vẫn lấy hệ tư tưởng Nho giáo làm chính thống nhưng không hạn chế những tư tưởng phi Nho khác nên Phật giáo bắt đầu có những dấu hiệu phục hưng. Hàng trăm công trình chùa tháp được tu sửa và làm mới thời kỳ này. Một số quý tộc thời Mạc đã đóng góp tiền của xây dựng, tu sửa chùa chiền như chùa Nhân Trai, Trà Phương (Hải Phòng), chùa Đào Xuyên, Bối Khê (Hà Nội). Việc đúc chuông, tô tượng cũng được chú ý nên còn để lại cho hậu thế nhiều di sản có giá trị như tượng Bồ tát Quan Âm thiên thủ thiên nhãn chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc), chùa Đào Xuyên (Hà Nội), nhiều bức phù điêu đá tạc chân dung những người phát tâm công đức xây dựng, trùng tu chùa chiền như các bức phù điêu chân dung vua, hoàng hậu, công chúa nhà Mạc ở các chùa Nhân Trai, Minh Thị, Trà Phương (Hải Phòng), chân dung Thiền sư Giác Hải, Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Thánh phụ Quốc sư, Thánh mẫu Quốc sư ở chùa Lý Triều Quốc sư (Hà Nội)… cùng nhiều chân đèn, lư hương được đặt làm có minh văn ghi rõ niên đại, nghệ nhân chế tác, người đặt làm và tên chùa được cung tiến.

Lư hương. Gốm men lam xám. Thời Mạc, thế kỷ 16. Do nghệ nhân Đặng Huyền Thông chế tác

Hiện vật giới thiệu gồm có tượng Quan Âm chuẩn đề, một số chân đèn, lư hương do nghệ nhân Đặng Huyền Thông (Hải Dương) và Đỗ Xuân Vi (Bát Tràng)… chế tác theo đơn đặt hàng để cúng tiến vào chùa Quan Âm (Hưng Yên), chùa Đại Bi (Thái Bình), ván in kinh Phật ở Quán Linh Tiên (Hoài Đức, Hà Nội)…

4. Di sản văn hóa Phật giáo thời Lê Trung Hưng – Tây Sơn (Thế kỷ 17 – 18)

Giai đoạn này, nhiều ngôi chùa được trùng tu hoặc dựng mới, như chùa Keo (Thái Bình) chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Mía, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Bộc (Hà Nội)… Ngoài ra, di sản văn hóa Phật giáo thời kỳ này còn để lại nhiều kiệt tác điêu khắc như tượng Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Mễ Sở (Hưng Yên); tượng Tuyết Sơn chùa Trăm Gian (Hà Nội); hệ thống tượng chùa Tây Phương như bộ tượng Tam thế Phật, bộ tượng Di Đà Tam tôn, bộ tượng Tổ Tế đăng, tượng Tuyết sơn, Kim Cương, Hộ Pháp… Ngoài ra, một dấu ấn đặc trưng của di sản văn hóa Phật giáo thời kỳ này là các tháp Cửu Phẩm Liên Hoa ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) và chùa Cập Nhất, chùa Giám (Hải Dương)… Đặc biệt, tượng Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn ở chùa Bút Tháp và chiếc trống đồng Cảnh Thịnh thời Tây Sơn hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là 2 bảo vật quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ kí quyết định công nhận tháng 10 năm 2012.

Tượng Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp. Gỗ sơn son thếp vàng. Thời Lê Trung hưng, thế kỷ 17 - 18

Hiện vật giới thiệu gồm: trống đồng Cảnh Thịnh; tượng Phật nhập niết bàn, tượng Thích Ca Mâu Ni, tượng Văn Thù Bồ Tát; tượng Bồ Đề Đạt Ma, tượng Quan Âm Liên Hoa, tượng Thích Ca sơ sinh bằng gỗ sơn thếp; tượng Kim Cương chất liệu gốm và một số hiện vật là đồ thờ cúng như chân đèn, lư hương…

Trống Cảnh Thịnh. Đồng. Thời Tây Sơn, năm 1800. Chùa Nành, Ninh Hiệp, Hà Nội. Bảo vật quốc gia Việt Nam

5. Di sản văn hóa Phật giáo Thời Nguyễn (Thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20)

Thời Nguyễn đã để lại cho dân tộc một khối lượng di sản văn hóa Phật giáo đồ sộ. Hàng ngàn ngôi chùa làng từ Bắc chí Nam được trùng tu, đúc chuông, tô tượng; hàng loạt bộ kinh phật được in khắc; nhiều bộ tranh thờ Phật giáo bằng gỗ, giấy được chạm, vẽ... Triều đình tuy vẫn quan tâm phát triển Phật giáo nhưng do kinh thành Huế trở thành trung tâm chính trị của cả nước nên chùa chiền ở đây phát triển mạnh, đặc biệt là từ thời vua Gia Long đến vua Duy Tân. Ngoài việc trùng tu, tái thiết và sửa chữa nhiều chùa cổ nổi tiếng như Thiên Mụ, Thánh Duyên, các vua còn cho xây dựng thêm như chùa mới trong đó có các ngôi quốc tự như Linh Hựu, Giác Hoàng, Diệu Đế…

Tượng Quan Âm Bồ Tát. Gốm men rạn, thời Nguyễn, thế kỷ 19

Hiện vật đưa ra giới thiệu trưng bày gồm các pho tượng Phật Tam Thế, A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni, Thích Ca sơ sinh, Quan Âm Tống Tử, Quan Âm Thủ Quyển, tượng Hộ Pháp, Kim Cương, tượng tăng, tượng hậu… chất liệu gốm, gỗ, đồng; bộ tranh giấy vẽ màu Thập Điện Diêm Vương; tranh gỗ Bồ Đề Đạt Ma, tranh gỗ Đức Phật. Đồ thờ cúng có lư hương hình lá sen đắp nổi hình Phật, nậm trang trí hình bát bảo. Nhạc khí có chuông, khánh, mõ. Ngoài ra còn có hoành phi, câu đối, ván in sách kinh Phật…

Trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam (sưu tập Bảo tàng Lịch sử quốc gia) diễn ra từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2013 tại Phòng trưng bày chuyên đề Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trân trọng giới thiệu!

Quốc Hữu

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

BTLSQG trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

BTLSQG trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

  • 17/06/2019 15:25
  • 4083

Quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với Quốc hiệu, kinh đô (Thủ đô) cũng luôn được các nhà nước đặc biệt coi trọng.

Bài viết khác

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày chuyên đề Đèn cổ Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày chuyên đề "Đèn cổ Việt Nam"

  • 29/01/2013 15:07
  • 4947

Lửa đã được loài người phát hiện ra cách đây hàng triệu năm. Việc phát hiện ra lửa và sử dụng lửa phục vụ đời sống là một bước ngoặt phát triển của văn minh nhân loại. Theo quan niệm thời cổ, trung đại ở cả Phương Đông lẫn Phương Tây, lửa là một trong các lực lượng siêu nhiên kiến tạo ra thế giới, lửa được đồng nhất với thần thánh, là biểu trưng của giác ngộ, sáng tạo và là cầu nối giữa thế giới trần tục với thế giới tâm linh.