Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

29/01/2013 15:07 4966
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Lửa đã được loài người phát hiện ra cách đây hàng triệu năm. Việc phát hiện ra lửa và sử dụng lửa phục vụ đời sống là một bước ngoặt phát triển của văn minh nhân loại. Theo quan niệm thời cổ, trung đại ở cả Phương Đông lẫn Phương Tây, lửa là một trong các lực lượng siêu nhiên kiến tạo ra thế giới, lửa được đồng nhất với thần thánh, là biểu trưng của giác ngộ, sáng tạo và là cầu nối giữa thế giới trần tục với thế giới tâm linh.

Theo quá trình tiến hóa của mình, loài người đã làm chủ được lửa. Họ đã biết cách tạo ra lửa, giữ lửa, duy trì ngọn lửa và dập lửa, đem lửa phục vụ lợi ích đời sống của mình. Một bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát và chế ngự lửa là khi đèn được phát minh. Phát minh này không những đã mang lại một thay đổi quan trọng trong hành vi của loài người bởi mọi hoạt động đã không còn bị giới hạn bởi ánh sáng ban ngày mà còn giúp cho đời sống tinh thần của mình ngày càng phong phú và có ý nghĩa hơn.

Đèn hình hươu thuộc Văn hóa Đông Sơn. Khoảng 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay.

Ở Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những chiếc đèn từ hàng ngàn năm trước. Với bàn tay tài hoa và sự sáng tạo, các thế hệ người Việt Nam đã tạo ra những chiếc đèn vừa đa dạng về chất liệu, kiểu dáng, kích thước vừa chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao với nhiều tính năng sử dụng khác nhau. Đèn dùng để giữ lửa phục vụ đời sống sinh hoạt như thắp sáng, sưởi ấm, đun nấu…, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, gắn bó với các không gian tâm linh của người Việt Nam.

Với mục đích giúp khách tham quan trong và ngoài nước có thêm hiểu biết về cấu tạo, kỹ thuật chế tác, cách thức, chức năng sử dụng đèn dầu ở Việt Nam cùng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ẩn chứa trong sưu tập, Bảo tàng lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày chuyên đề "Đèn cổ Việt Nam" với 3 bộ sưu tập chính gồm:

Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày chuyên đề: Đèn cổ Việt Nam

- Bộ sưu tập đèn văn hóa thời sơ sử

Giới thiệu bộ sưu tập đèn sớm nhất Việt Nam với niên đại từ khoảng thế kỷ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 4 sau Công nguyên. Đèn trong văn hóa Đông Sơn chủ yếu làm bằng chất liệu đồng, được chế tạo công phu, tinh tế với rất nhiều hình tượng người, tượng các con vật như: cây đèn hình người quỳ, đèn hình voi, hình hươu, hình bò, đèn treo. Đèn văn hóa Sa Huỳnh gắn liền với tập quán sinh hoạt và phương thức lao động của cư dân: đèn gốm di chỉ Hòa Diêm (Khánh Hòa). Đèn văn hóa Óc Eo: đèn đồng hình người tìm thấy ở Rạch Giá (Kiên Giang).

Cây đèn hình người quỳ thuộc văn hóa Đông Sơn. Khoảng 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay .Bảo vật quốc gia Việt Nam

- Bộ u tập đèn từ thế kỷ I đến thế kỷ X

Đèn giai đoạn này được chế tác chủ yếu bằng chất liệu đồng và gốm, với đặc điểm thể hiện sự giao lưu, ảnh hưởng với văn hóa phương Bắc khá rõ nét. Bao gồm: Đĩa đèn gốm; đèn gốm hình Tích tà; đèn đồng hình Tích tà.

- Bộ sưu tập đèn từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX

Đó là sưu tập đèn thời phong kiến độc lập tự chủ: Thời Lý - Trần (thế kỷ XI-XIV) bao gồm đèn gốm men trắng, men nâu hình đài sen; tượng người dâng đèn gốm men nâu; đĩa đèn gốm men trắng; đĩa đèn gốm 5 đầu bấc; chân đèn gốm men trắng. Thời Lê sơ - Mạc (thế kỷ XV-XVI) gồm có: cặp chân đèn gốm hoa nâu trang trí hoa cúc; phần dưới chân đèn đắp rồng nổi tô lam; chân đèn gốm hoa lam vẽ sen dây tìm thấy trong tàu đắm cổ Cù Lao Chàm; đèn đồng chạm hình cánh sen nổi; phần dưới chân đèn hoa lam vẽ rồng; chân đèn gốm hoa lam đắp rồng nổi thời Mạc, niên hiệu Diên Thành 3 (1580); cặp chân đèn trang trí viên long gốm men lam xám thời Mạc thế kỷ XVI do nghệ nhân Đặng Huyền Thông làm. Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) gồm có: cặp chân đèn đế nghê gốm men rạn; cặp chân đèn đốt trúc gốm men trắng; cặp chân đèn gốm men rạn trang trí tứ linh; đèn phỗng bằng đồng; chân đèn gốm hoa lam đắp rồng nổi. Thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) bao gồm: đĩa đèn gốm men trắng; cặp chân nến trúc hóa long gốm men rạn; cặp tượng Kim Đồng Ngọc Nữ dâng đèn; cặp đèn đồng hình rồng, hình hạc cưỡi rùa; cặp đèn đồng hình cá; chân đèn gỗ sơn thếp; lồng đèn gỗ sơn thếp; cặp đèn đá hình phỗng; đèn sắt Cửu Long - nhị thập bát tú; một số đèn sắt hình rồng, phượng, mai hóa long.

Tượng Kim Đồng Ngọc Nữ dâng đèn bằng đồng. Thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX)

Bộ sưu tập đèn này cho thấy sự phát triển cao cả về kỹ thuật chế tác lẫn nghệ thuật trang trí, với nhiều chất liệu khác nhau như gốm, đồng, sắt, gỗ… Đặc biệt, từ cuối thời Trần về sau này, nhiều loại chân đèn có kích thước lớn, vừa phong phú về kiểu dáng, vừa đa dạng về hoa văn trang trí, được chế tác qua nhiều công đoạn và bằng nhiều kỹ thuật phức tạp và tỉ mỉ khiến cho chúng không còn là một vật dụng thông thường mà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Đặc biệt, nhiều chiếc chân đèn được đặt làm riêng để cung tiến vào các đình, chùa, quán… có ghi, khắc minh văn về niên đại, nghệ nhân, địa điểm chế tác, người đặt làm và nơi sử dụng. Những chiếc chân đèn này không những góp phần xác lập một hệ thống tiêu chí chuẩn để phân loại, giám định cổ vật mà còn giúp soi sáng nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội khác.

Trưng bày Đèn cổ Việt Nam kéo dài từ tháng 02 đến tháng 05 năm 2013 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 01 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những hoạt động chào mừng 83 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Xuân Quý Tỵ 2013.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia xin trân trọng kính mời quý khách trong và ngoài nước tới thưởng lãm!

Lê Khiêm

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

BTLSQG trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

BTLSQG trưng bày chuyên đề “Quốc hiệu và Kinh đô Đại Việt qua các thời kỳ lịch sử”

  • 17/06/2019 15:25
  • 4107

Quốc hiệu là tên chính thức được dùng trong quan hệ ngoại giao, pháp lý, thương mại… biểu thị tính chính thống của một vương triều hay chính phủ của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, quốc hiệu cũng thể hiện quốc thể, chủ quyền lãnh thổ, thể chế chính trị của một dân tộc trên trường quốc tế. Cùng với Quốc hiệu, kinh đô (Thủ đô) cũng luôn được các nhà nước đặc biệt coi trọng.

Bài viết khác

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trưng bày chuyên đề Văn hóa Trầu cau Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trưng bày chuyên đề "Văn hóa Trầu cau Việt Nam"

  • 22/10/2012 16:44
  • 4816

Ăn trầu là một tập tục truyền thống có từ lâu đời và phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á và châu Đại Dương, từ Nam Á sang Thái Bình Dương, từ Đông Nam Á lên phía Bắc tới Đài Loan, Nam Trung Quốc.