Sáng 4/11/2022, gần 100 sinh viên Trường Đại học Hà Nội đã tham gia chương trình Giáo dục di sản với chủ đề “Hành trình Lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Sinh viên Trường Đại học Hà Nội tham gia chương trình Giáo dục di sản tại BTLSQG
Mở đầu chương trình là Hoạt động 1 “Hành trình lịch sử Việt Nam”: sinh viên được tham quan, tìm hiểu từ thời kỳ Tiền sử đến triều Nguyễn (thế kỷ 19 - 20), đặc biệt tập trung tìm hiểu sâu các chủ đề: Văn hóa Đông Sơn; Những trận chiến trên sông Bạch Đằng, Văn minh Đại Việt… qua những tài liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hoạt động này không chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về những sự kiện, nhân vật, triều đại… tiêu biểu trong tiến trình lịch sử dân tộc mà còn giúp các em có cơ hội khám phá, tìm hiểu những hiện vật, bảo vật độc đáo tại Bảo tàng. Từ đó, có thể ghi nhớ, liên hệ với những kiến thức lịch sử mà các em đã được học ở nhà trường.
Sinh viên tham quan trưng bày chủ đề: “Những trận chiến trên sông Bạch Đằng”
Hoạt động 2 mang tên “Những khám phá bí ẩn”: Gần 100 sinh viên được chia thành 6 đội, mỗi đội được bốc thăm ngẫu nhiên 1 trong 6 chủ đề sau:
- Khám phá đời sống cư dân tiền sử và sự ra đời đồ gốm
- Văn hóa Đông Sơn và Trống đồng Ngọc Lũ
- Thành tựu của quốc gia Đại Việt dưới triều Lý thế kỷ 11-13
- Trần Hưng Đạo và trận chiến Bạch Đằng, năm 1288
- Lê Lợi và Khởi nghĩa Lam Sơn, năm 1418 - 1427
- Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn thế kỷ 19 - 20
Nhiệm vụ của các đội là cùng khám phá, giải mã bí ẩn về hiện vật, nhân vật, sự kiện theo đúng chủ đề của đội mình đã bốc thăm. Sau đó, cùng làm việc nhóm, quan sát trực tiếp hiện vật; làm sơ đồ tư duy trên giấy A0; chuẩn bị phần thuyết trình về nội dung, giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của hiện vật/nhân vật và liên hệ thực tế về việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong phạm vi liên quan đến chuyên ngành của mình.
Sinh viên tham quan trưng bày chủ đề: “Khám phá đời sống cư dân tiền sử và sự ra đời của đồ gốm”
Các đội nhóm thi nhau thảo luận sôi nổi; quan sát, thể hiện nội dung qua sản phẩm của đội mình sao cho đầy đủ, rõ ràng và hấp dẫn nhất. Đặc biệt, chương trình còn khuyến khích các bạn làm các sản phẩm công nghệ (video/clip ngắn giới thiệu những hiện vật, tài liệu bổ trợ minh họa cho chủ đề hoặc phóng sự ngắn giới thiệu về quá trình thực hiện nhiệm vụ của nhóm mình).
Cùng quan sát hiện vật và tra cứu thông tin
Bạn thì viết/vẽ, bạn thì quét mã QR hiện vật để đọc, tìm kiếm thông tin hay chụp ảnh, làm clip, bạn nào được phân công thuyết trình thì tự luyện tập, thực hành để chuẩn bị cho phần hùng biện sắp tới.
Đội Hào khí Bạch Đằng Giang đang thực hành, chuẩn bị cho phần thuyết trình
Chỉ sau 30 phút làm việc nhóm hăng say, cả 6 đội đều đã hoàn thành sản phẩm một cách xuất sắc.
Đội Đông Sơn làm việc hăng say
Gay cấn và hấp dẫn nhất có lẽ là phần thi thuyết trình của mỗi đội. Ban giám khảo gồm cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia và giáo viên bộ môn sẽ cùng chấm điểm dựa trên các tiêu chí: nội dung, thuyết trình, sản phẩm chính, sản phẩm bổ trợ.
Đội nào cũng ngang sức ngang tài. Các em không chỉ hùng biện hay, thuyết phục và liên hệ thực tiễn với việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc trên góc độ chuyên ngành mình đang theo học mà còn trả lời xuất sắc những câu hỏi mà Ban giám khảo hoặc đội bạn đưa ra. Vượt lên trên hết, Đội Đông Sơn đã vượt qua 5 đội còn lại và giành chiến thắng. Thành viên đội thắng không chỉ được nhận phần thưởng của chương trình mà còn được lấy điểm cho môn học Lược sử văn hóa Việt Nam ở nhà trường.
Đội Đông Sơn xuất sắc với phần trình bày ấn tượng và sản phẩm ấn tượng
Sau những phút giây sôi nổi, các em sinh viên Trường Đại học Hà Nội cùng nhau lắng lại trong hoạt động “Những khoảnh khắc đáng nhớ”. Ở hoạt động này, các em được nhìn lại những hình ảnh hoạt động của mình và đồng đội qua video clip “thời sự nóng hổi” được ghi hình trực tiếp tại “hiện trường”. Những tiếng cười vui, reo hò, tiếng vỗ tay râm ran khi các em nhận ra mình cùng bạn bè say sưa viết, vẽ, nhìn ngắm hiện vật, không gian trưng bày độc đáo, ấn tượng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Hàng năm, một số lượng lớn sinh viên các trường: Đại học Mở, Đại học Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Đại học Sư phạm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Hà Nội… đều đến tham quan bảo tàng, nhưng mới chỉ dừng lại ở hoạt động tham quan, ngoại khóa đơn thuần và sau đó các em về trường tự làm bài thu hoạch. Làm thế nào để sinh viên hiểu, yêu thích lịch sử dân tộc? Làm thế nào để sinh viên chủ động, hào hứng tham gia và hoạt động trong chương trình giáo dục di sản ở Bảo tàng?... là những câu hỏi mà cán bộ BTLSQG luôn luôn trăn trở trong nhiều năm qua.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nghiên cứu, xây dựng các chủ đề Giáo dục di sản với cách thức trải nghiệm khác nhau (Đua tài trí tuệ; Đua tài thể chất, Trò chơi đội nhóm theo chủ đề…) phù hợp với đa dạng nhu cầu của nhà trường như: Hành trình lịch sử; Giáo dục khoa cử Việt Nam; Mỹ thuật cổ Việt Nam; Gốm cổ Việt Nam; Sinh viên với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, Hướng nghiệp cho thế hệ trẻ… để các trường có thể lựa chọn được chủ đề học tập phù hợp nhất.
Check-in là sở thích của nhiều bạn sinh viên trẻ
Sự khác biệt của chương trình Giáo dục di sản “Hành trình Lịch sử” ở đây là không chỉ kết nối, gắn kết bảo tàng với nhà trường trong việc đào tạo, giáo dục lịch sử liên ngành (chấm điểm, đánh giá chuyên cần) mà còn hướng đến việc phát huy sự chủ động, sáng tạo của các em thông qua việc: sử dụng hiện vật, nội dung trưng bày bảo tàng làm cơ sở dữ liệu, cán bộ giáo dục là người định hướng, gợi ý, gợi mở và các em là chủ thể của hoạt động đó.
Chương trình khép lại, các bạn sinh viên Trường Đại học Hà Nội bày tỏ sự hài lòng về cách thức tổ chức chương trình và hiệu quả chương trình mang lại cho các em cả về tri thức lịch sử cũng như những kỹ năng cơ bản mà các em được trực tiếp làm việc tại Bảo tàng như: Nghiên cứu, khám phá, tìm kiếm, chắt lọc thông tin; kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình; ứng dụng công nghệ vào sản phẩm của mình… Đây là mục tiêu, kỹ năng quan trọng mà các em cần tích lũy khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hy vọng rằng, với một hướng đi, một cách tiếp cận mới, Chương trình Giáo dục di sản “Hành trình Lịch sử” sẽ là lựa chọn phù hợp và hiệu quả đối với sinh viên, học viên các trường cao đẳng, đại học, học viên trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh thành khác trên cả nước.
Để đăng ký tham dự/tổ chức chương trình, quý khách vui lòng liên hệ: Phòng Giáo dục, Công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia: 0243.824.1384/ 0943691940.
Lê Liên