Được sự định hướng của Cục Di sản văn hóa, nhóm giáo dục lịch sử online được hình thành và đi vào hoạt động.
Trong thời gian đào tạo và học cách làm (từ cuối tháng 8/2021 đến giữa tháng 2/2022) với đội ngũ các cán bộ giáo dục, các thuyết minh viên tâm huyết và nhiệt tình đến từ 9 bảo tàng tỉnh, thành phố trên cả nước như: Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Nam Định, Bảo tàng Thanh Hóa, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Đăk Lăk, Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu và Bảo tàng Cần Thơ. Nhóm giáo dục online đã bước đầu xây dựng thành công các chương trình giáo dục giới thiệu văn hóa, lịch sử địa phương với chủ đề: “Di sản ba miền”.
Nhóm giáo dục online từ ngày đầu tiên thực hiện (tháng 8/2021)
Với mong muốn những học sinh đang tham gia các lớp học lịch sử online của Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ được tiếp cận với hình thức học tập và trải nghiệm mới phong phú và đa dạng, đồng thời nhằm hướng đến những học sinh yêu thích văn hóa, lịch sử nhưng chưa hoặc không có điều kiện đến học tập và trải nghiệm tại bảo tàng, di tích, đặc biệt là những bạn học sinh hiện đang sinh sống và học tập ở nước ngoài, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Cục Di sản văn hóa tiếp tục kết nối với 9 bảo tàng đã cử cán bộ tham gia Nhóm giáo dục online để tổ chức các lớp học lịch sử online với chủ đề:“Di sản ba miền”.
Các chương trình giáo dục online “Di sản ba miền” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với các bảo tàng địa phương nghiên cứu, xây dựng, tổ chức có nội dung, chủ đề rất đa dạng, phản ánh những nét văn hóa, lịch sử mang đậm yếu tố đặc trưng vùng miền như: Bảo tàng Quảng Ninh xây dựng các chủ đề bài giảng: Thợ mỏ vùng than; Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới; Trần Hưng Đạo gắn với chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy vào năm 1288. Bảo tàng Nam Định: Cà kheo - Nét văn hóa người dân vùng biển Nam Định; Tìm hiểu nhân vật lịch sử Nguyễn Hiền; Tìm hiểu nhân vật lịch sử Trần Quang Khải. Bảo tàng Đà Nẵng: Đà Nẵng – Thành phố của những cây cầu; Tìm hiểu nhân vật lịch sử Nguyễn Tri Phương. Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh: Dinh Độc Lập, Tiến trình lịch sử Việt Nam. Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh: Tìm hiểu nhân vật lịch sử Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Văn Ơn, Chợ Bến Thành, Địa đạo Củ Chi. Bảo tàng Đăk Lăk: Nhà dài Ê Đê, Nhà đày Buôn Mê Thuột, Thuần dưỡng voi, Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Bảo tàng Bà Rịa Vũng Tàu: Võ Thị Sáu, Nhà tù Côn Đảo. Bảo tàng Cần Thơ: Chợ nổi Cái Răng, Bến Ninh Kiều.
Với các chủ đề học tập phong phú, hấp dẫn, học sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn tùy theo độ tuổi và sự hiểu biết của mình, ngoài ra những hình ảnh hấp dẫn, phim tư liệu hay bố cục bài giảng ngắn gọn, xúc tích dễ hiểu cùng với chất giọng lạ và hấp dẫn của các cán bộ thuyết minh, cán bộ làm công tác giáo dục đến từ các bảo tàng thuộc các tỉnh, thành khác nhau đã nhanh chóng thu hút các em học sinh và để lại dấu ấn khó phai trong mỗi bài giảng.
Mỗi bài học được diễn ra trong vòng 60 phút bao gồm bốn phần trọng tâm:
Phần 1: Giới thiệu và khái quát nội dung buổi học: được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Nghe một đoạn nhạc, một bài hát, nghe gợi ý đoán sự kiện, nhân vật, tạo sự sinh động, hấp dẫn nhằm thu hút học sinh, kích thích sự tò mò thích thú cho học sinh bước vào các phần tiếp theo của buổi học.
Chủ đề bài giảng 1
Hiện vật trong bài giảng online 1
Phần 2: Giới thiệu hiện vật: Các cán bộ bảo tàng tập trung giới thiệu về những hiện vật tiêu biểu, những di tích lịch sử, những chuyện kể lịch sử. Đây là phần trọng tâm trong buổi học nhằm tổng quan và bổ trợ kiến thức cho học sinh. Phần này đòi hỏi các cán bộ bảo tàng không chỉ cung cấp kiến thức nội dung bài học mà cần phải tương tác nhiều với học sinh tạo cho không khí buổi hoc sôi động, kích thích sự tương tác bằng cách tặng ngôi sao cho mỗi câu trả lời đúng.
Hiện vật trong bài giảng online 2
Chủ đề bài giảng 2
Phần 3: Xem phim hoạt hình, phim tư liệu, kể chuyện lịch sử, hiện vật kể chuyện: Đặc biệt, với những bộ phim hoạt hình sinh động, hình ảnh ngộ nghĩnh đáng yêu, cùng những lời bình dí dỏm đã thu hút các bạn nhỏ không dời mắt khỏi màn hình. Đây là phần học sinh mong chờ nhất trong buổi học lịch sử online “Di sản ba miền”.
Phim hoạt hình 1
Phim hoạt hình 2
Phần 4: Hỏi xoáy nhận sao: Phần này là phần kết bài và cũng là phần học sinh háo hức trả lời những câu hỏi để mong muốn mang về những ngôi sao trong buổi học. Ngoài ra, thông qua những đáp án học sinh đưa ra, các cán bộ bảo tàng cũng nắm được học sinh đã thu nhận được bao nhiêu kiến thức sau bài giảng. Phần hỏi xoáy nhận sao được các cán bộ bảo tàng thiết kế theo hình thức game sinh động, hấp dẫn, phù hợp với chủ đề và độ tuổi học sinh để trong quá trình tham gia học sinh cảm thấy hào hứng hơn.
Với sự nỗ lực không ngừng của các cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng như các bảo tàng địa phương, chương trình giáo dục lịch sử online “Di sản ba miền” đã thu hút khối lượng lớn học sinh tham gia . Tính đến nay, từ tháng 5/2022 đến tháng 10/2022, chương trình giáo dục online “Di sản ba miền” đã tổ chức được gần 300 chương trình cho hơn 8.000 học sinh đến từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước và đang sinh sống, học tập ở nước ngoài.
Thông qua chương trình giáo dục “Di sản ba miền”, học sinh được tìm hiểu về các tấm gương anh hùng tiêu biểu của Việt Nam, những di sản văn hóa mang đậm nét đặc trưng vùng miền Bắc - Trung - Nam, những địa danh đã đi vào lịch sử - nơi ghi dấu chiến công hiển hách của cha ông,... Tất cả đều mang đến bài học vô cùng bổ ích và quý giá, từ đó, khơi gợi trong các em niềm tự hào về quê hương đất nước, những chiến công của dân tộc, tự bản thân mỗi học sinh sẽ có ý thức tự hoàn thiện mình sau mỗi chương trình học để nối tiếp, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Chương trình cũng luôn nhận được những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh và học sinh. Những dòng chia sẻ từ phía các phụ huynh cũng như học sinh đã và đang tham gia các chương trình giáo dục “Di sản ba miền” đã phần nào phản ánh được sự hữu ích và thích thú của học sinh đối với các chương trình giáo dục lịch sử online “Di sản ba miền”: Chị Thanh Dung, phụ huynh học sinh lớp Lịch sử 1 chia sẻ: “Ôi, nhanh quá, đã buổi cuối rồi à các cô. Thật tiếc là hôm nay con về quê con không tham gia được. Con rất mong được gặp các cô và các bạn ở các chương trình sau”; “Ôi hôm nay mẹ bận mãi 9h tối mới về, bạn ấy thao thao bất tuyệt kể cho mẹ nghe tại sao trong các đảo của Vịnh Hạ Long lại có tên là đảo Ti Tốp, tại sao lại gọi là hang Sửng Sốt, lớp học hay quá các cô, chú ạ. Các con được đi du lịch không tốn phí” là chia sẻ của phụ huynh Lê Quyên; Phụ huynh Nguyễn Hoài nói: “Cảm ơn các cô chú đã truyền cảm hứng cho các con. Kết thúc buổi học con tìm ngay bài hát “Hào khí Đông A” để nghe lại”. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện cũng đã nhận được những ý kiến góp ý hết sức quí giá từ chính các phụ huynh để chương trình/bài giảng sẽ dần hoàn thiện, hiệu quả hơn. Anh Hưng, một phụ huynh chia sẻ: “Các cô có thể tiết chế lời nói chậm rãi hơn để học sinh nghe được rõ hơn, nội dung cần cô đọng, xúc tích hơn... nhưng trên hết các con đã được tiếp nhận những kiến thức bổ ích, những chuyến du lịch online tốn ít chi phí mà không kém phần hấp dẫn”.
Chương trình giáo dục online “Di sản ba miền” là một hoạt động vô cùng thiết thực, bổ ích và ý nghĩa cho những học sinh không có điều kiện được tham quan, học tập trực tiếp tại các bảo tàng, di tích, được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam./.
Nguyễn Thị Hà