Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

08/05/2019 16:22 2747
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (BTLSQG) là bảo tàng đầu hệ trong hệ thống bảo tàng ở Việt Nam. Với chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, hiện vật về lịch sử Việt Nam,

trong những năm qua, BTLSQG thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt là hoạt động phát huy giá trị những di sản văn hóa đang được trưng bày, lưu giữ ở bảo tàng. Trong đó, bảo tàng luôn chú trọng xây dựng các chương trình giáo dục phục vụ các đối tượng học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội, đó là hoạt động Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, Giờ học lịch sử. Hoạt động này không chỉ tạo nên sân chơi bổ ích cho đối tượng học sinh của các trường, các nhóm trẻ em đi theo gia đình trên địa bàn Hà Nội mà đã lan tỏa đến một số trường ở các tỉnh thành trên cả nước.

 

Học sinh tham quan theo chủ đề

Để tạo “sân chơi” hấp dẫn cho các em thì những cán bộ bảo tàng cũng đã đầu tư công sức từ việc nghiên cứu lập kế hoạch, nội dung chủ đề, nội dung câu hỏi cho đến các trò chơi dân gian, trò chơi lồng ghép kiến thức lịch sử trên powerpoint, xây dựng clip là những khoảnh khắc đáng nhớ của các em trong suốt thời gian diễn ra chương trình, ví dụ như: chủ đề (Tiến trình Lịch sử Việt Nam và văn minh sông Hồng”, “Thời kỳ dựng nước đầu tiên đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938”, “Thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và giành độc lập dân tộc (1858-1945)”...); các trò chơi dân gian (Bịt mắt đập niêu, kéo co, lăn bóng vào vòng tròn, nhảy bao bố...); trò chơi lồng ghép kiến thức lịch sử (Theo dòng lịch sử, Lật mảnh ghép tìm di sản, Ai nhanh ai đúng, Đuổi hình bắt chữ... ).... Hơn nữa, các em còn được tham gia hoạt động Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, Giờ học lịch sử với chủ đề “ Em tập làm hướng dẫn viên”, học lịch sử bằng tiếng Anh hay tham gia “hóa trang” thành những nhân vật lịch sử .... Thông qua hiện vật trưng bày ở bảo tàng, câu chuyện xung quanh hiện vật cùng những hoạt động trải nghiệm ... với phương châm “học mà chơi, chơi mà học” đã đem lại những bài học bổ ích, hấp dẫn đối với các em. Chính những hoạt động Câu lạc bộ Em yêu lịch sử; Giờ học lịch sử đã tạo nên đặc trưng, “thương hiệu” cho các hoạt động giáo dục của BTLSQG trong những năm qua.

 

Học sinh tham gia trò chơi nhảy bao bố

Bên cạnh đối tượng học sinh của các trường trên địa bàn Hà Nội được tham gia trải nghiệm tại bảo tàng qua mô hình Câu lạc bộ Em yêu lịch sử; Giờ học lịch sử, thì các hoạt động dành cho đối tượng là trẻ em, học sinh, sinh viên đi theo gia đình, theo nhóm tham gia các hoạt động của bảo tàng còn hạn chế.

Để đa dạng hóa hoạt động giáo dục, hoạt động dành cho công chúng của bảo tàng nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng công chúng hơn, BTLSQG tiến hành xây dựng Không gian trải nghiệm dành cho tuổi trẻ. Đây là một không sáng tạo đầy thú vị, một sân chơi bổ ích mà ở đó các em được trải nghiệm lịch sử bằng các hoạt động thực tiễn như: Tạo hoa văn trên gốm, xâu hạt chuỗi, ghép tranh mặt trống đồng, dập hoa văn lá đề, hay hoạt động “Hóa thân”, khi tham gia hoạt động này, các em sẽ được hóa thân thành người thời Tiền sử rất thú vị.... Những hoạt động trải nghiệm không chỉ nhằm bổ sung kiến thức tổng hợp về sử học, khảo cổ học, mỹ thuật… mà giúp các em sẽ hiểu hơn về các bộ sưu tập hiện vật trưng bày ở bảo tàng đồng thời rèn luyện cho các em các kỹ năng như: kỹ năng logic, kỹ năng tư duy sáng tạo, khả năng quan sát, trí tượng tượng phong phú....

 

Học sinh tham gia hoạt động “Tính dẻo của kim loại”

Tuy nhiên, để nội dung các chương trình giáo dục không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các em mà còn bắt kịp với xu thế phát triển của các bảo tàng trên thế giới trong việc giáo dục toàn diện cho các em về toán học, vật lý, hóa học, sinh học, nhạc, họa, địa chất, không gian, môi trường... cũng như phát triển các kỹ năng của các em được BTLSQG rất quan tâm.  

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, BTLSQG đã phối hợp với Học viện Khám phá (Cầu Giấy, Hà Nội) xây dựng chương trình giáo dục cho học sinh theo một mô hình mới với việc áp dụng phương pháp giáo dục STEM khoa học cho học sinh dựa trên hiện vật trưng bày tại bảo tàng. Phương pháp giáo dục STEM (tích hợp liên môn: Science - khoa học, Technology - Công nghệ,  Engineering - Kỹ thuật , Mathematics - Toán) và phương pháp 5E (viết tắt của 5 từ bắt đầu bằng chữ E trong tiếng Anh: Engage (Gắn kết), Explore (Khảo sát), Explain (Giải thích), Elaborate (Áp dụng cụ thể), và Evaluate (Đánh giá)... đặc biệt, mô hình 5E dựa trên thuyết kiến tạo nhận thức (cognitive constructivism) của quá trình học, theo đó học sinh xây dựng các kiến thức mới dựa trên các kiến thức hoặc trải nghiệm đã biết trước đó. Qua đó, giúp trẻ tự tin, hòa nhập vào các môi trường khác nhau với những kỹ năng phù hợp từng độ tuổi như: kỹ năng quan sát tỉ mỉ, kỹ năng đặt câu hỏi đúng, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm.... Phương pháp giáo dục STEM và phương pháp 5E được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng cho bậc tiểu học từ rất sớm và phổ biến.

Ngày 10/3/2019, chương trình trải nghiệm đầu tiên được tổ chức với 20 học sinh được tuyển chọn, đăng ký từ Học viện Khám phá với chủ đề “Kim loại - Tinh hoa văn hóa Đông Sơn - Khám phá dưới góc nhìn khoa học”.

Nội dung buổi trải nghiệm lịch sử gồm 3 phần: phần thứ nhất: tham quan trưng bày theo chủ đề; phần thứ hai: tham gia STEM khoa học với các thí nghiệm như: tính dẻo kim loại, mạ đồng, sắc màu kim loại; phần thứ ba: tham gia team - work “Vòng quay li tâm” cực kỳ sôi động. Đây cũng là lần đầu tiên mà các em vừa được học lịch sử vừa trải nghiệm thực tế thông qua các giác quan như: trực tiếp tham quan hiện vật, tự tay làm các thí nghiệm đã giúp các em tiếp cận các hiện vật thuộc nền văn hóa Đông Sơn một cách dễ dàng (Ví dụ: khi tham gia thực hành tính dẻo của kim loại các em tạo ra rất nhiều sản phẩm có hình dáng rất độc đáo như: hình con hươu, hình con thuyền, hình mặt trời... mang đặc trưng văn hóa Đông Sơn...). Đặc biệt, khi tham gia thí nghiệm liên quan đến tính chất kim loại, các em đã hiểu hơn về ưu điểm, tính vật lý, tính hóa học của kim loại đồng - một chất liệu đặc trưng được cư dân Đông Sơn.

 

Học sinh tham gia thí nghiệm “Mạ đồng”

 

Học sinh tham gia trò chơi ở “Không gian trải nghiệm dành cho tuổi trẻ”

Đây là buổi trải nghiệm đầu tiên nằm trong chuỗi hoạt động được BTLSQG  phối hợp với Học viện khám phá tổ chức cho các em. Tuy nhiên, để các chương trình tổ chức thường xuyên hơn, nội dung phong phú hơn đáp ứng nhu cầu vui chơi, sáng tạo của các em thì cán bộ bảo tàng cũng như cán bộ Học viện khám phá cần đầu tư nghiên cứu hơn nữa về xây dựng ý tưởng, thiết kế trò chơi, thí nghiệm phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em giúp các em phát triển một cách toàn diện nhất.


Học sinh nhận quà lưu niệm của BTLSQG

 

Học sinh chụp ảnh lưu niệm ở bảo tàng

Qua hoạt động thực tiễn cho thấy, BTLSQG  thực sự trở thành một ngôi trường giáo dục cho các em kiến thức về sử học, khảo cổ học, toán học, vật lý, hóa học .... Từ những hiện vật trưng bày ở bảo tàng qua những lời thuyết minh, giới thiệu cùng những trải nghiệm, tương tác, chủ động tham gia giúp các em hiểu sâu sắc hơn các ứng dụng khoa học, hiểu tính chất vật lý, hóa học, chất liệu tạo nên hiện vật trong các hoạt động đã được ông cha ta sử dụng ngày xưa một cách rõ ràng, thiết thực. Qua đó, các em được rèn luyện kĩ năng làm việc theo nhóm, phát triển tư duy lôgíc, sáng tạo một cách hiệu quả nhất./.

Phạm Thị Huyền
(Phòng Giáo dục,Công chúng)
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ: