Theo kế hoạch trong năm 2019, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Đại học Chính trị tổ chức cho các học viên tham quan, học tập và trải nghiệm tại bảo tàng.
Việc tổ chức cho học viên tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia là hoạt động thường xuyên của nhà trường trong nhiều năm qua giúp các em không chỉ nâng cao kiến thức lịch sử, hiểu lịch sử một các sâu sắc mà còn giáo dục cho các em truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta từ đó tỏ lòng kính phục, biết ơn đồng thời có trách nhiệm gìn giữ và phát huy những thành quả đó trong hiện tại và tương lai.
Học viên tập trung tham quan tại sảnh bảo tàng
Chương trình Giờ học lịch sử của Trường Đại học Chính trị đã được tổ chức trong năm 2018 và tiếp tục tổ chức trong năm 2019, đặc biệt trong tháng 4/2019 bảo tàng đã tổ chức 4 buổi vào các ngày 4/4, 8/4, 17/4, 19/4 cho 240 học viên năm thứ nhất chuyên ngành Xây dựng Đảng và Cơ quan Nhà nước.
Khác với chương trình Giờ học lịch sử cho học sinh các trường, học sinh sau khi tham quan trưng bày theo từng chủ đề (Thời kỳ dựng nước đầu tiên đến năm 938; Triều Ngô đến triều Nguyễn; Các nền văn hóa cổ Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai...); các em làm bài trắc nghiệm; trình chiếu trên powerpoint; hoạt động thể chất (kéo co, đập niêu, bịt mắt bắt dê...) .... Đối với các học viên, sau khi tham quan khái quát hệ thống trưng bày, sẽ tham gia thi thuyết trình giữa các đội với nhiệm vụ nghiên cứu, vẽ phác họa hiện vật, viết thuyết trình các hiện vật trưng bày ở bảo tàng; đội nào thuyết trình hay, trình bày khoa học, nội dung phong phú sẽ giành chiến thắng.
Học viên tham quan bảo tàng
Để xây dựng chương trình Giờ học lịch sử hấp dẫn cho các học viên Trường Đại học Chính trị, các cán bộ bảo tàng đã đầu tư công sức trong việc nghiên cứu xây dựng đề cương thuyết minh phù hợp với khoảng thời gian tham quan không nhiều sao cho các học viên vừa hiểu lịch sử vừa hiểu nguồn gốc, ý nghĩa cũng như những câu chuyện xoanh quanh hiện vật đặc sắc trong trưng bày.
Trong tháng 4/2019, các buổi Giờ học lịch sử tổ chức với nội dung cụ thể như: tham quan trưng bày giới thiệu Lịch sử Việt Nam từ Thời Tiền sử đến triều Nguyễn; làm bài tập theo đội; thi thuyết trình giữa các đội. Sau thời gian tham quan khoảng hơn 1 tiếng, các học viên chia 5 đội, mỗi đội 12 em làm việc theo nhóm tìm hiểu về các hiện vật đặc sắc như: trống đồng Ngọc Lũ, vũ khí Đông Sơn, cọc Bạch Đằng, mộ chum Sa Huỳnh, bia Vĩnh Lăng.
Những kiến thức lịch sử các em được học ở nhà trường cùng với kiến thức mà các cán bộ bảo tàng truyền đạt trong buổi tham quan được các em thể hiện một cách rất cô đọng, súc tích qua bản vẽ, nội dung bài thuyết trình.
Với chủ đề thuyết trình về Vũ khí Đông Sơn, Cọc Bạch Đằng... được các em rất thích thú, hào hứng. Trong trưng bày bảo tàng, sưu tập vũ khí phong phú về chủng loại, bao gồm: giáo, dao găm, kiếm ngắn, rìu, lao, tên, cung, nỏ.... Điều đặc biệt là các loại vũ khí này đều được trang trí rất tinh xảo cho thấy chúng không chỉ đơn thuần là vũ khí mà còn là vật mang tính biểu trưng cho quyền lực. Sưu tập vũ khí Đông Sơn không chỉ phản ánh tài năng tính toán và sự am hiểu về tính chất vật lý, hóa học, kỹ thuật luyện kim đúc đồng của cư dân Đông Sơn mà giúp các học viên hiểu được nền quân sự nước ta được phát triển ngay từ buổi đầu dựng nước.
Tuy nhiên, phần gây hứng thú, hồi hộp nhất cho các học viên chính là phần thi thuyết trình giữa các đội. Bài thuyết trình của các em đều được đánh giá rất cao từ thầy cô giáo nhà trường và cán bộ bảo tàng những người trực tiếp tham gia vào hoạt động trải nghiệm của các em. Đội giành chiến thắng được nhận phần quà của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Học viên làm việc theo nhóm
Học viên với bài thuyết trình đã hoàn thành
Sau thời gian khoảng 3 tiếng, chương trình đã kết thúc, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc cho các học viên, em Nguyễn Tấn Minh, chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em được đến bảo tàng. Buổi trải nghiệm lịch sử tại bảo tàng hôm nay đã đem lại cho em nhiều kiến thức bổ ích. Em hiểu thêm về lịch sử của dân tộc và thêm yêu đất nước Việt Nam.
Em Phạm Văn Tú cũng chia sẻ: Buổi tham quan, học tập hôm nay giúp em càng thêm ngưỡng mộ về sự sáng tạo tài tình của ông cha ta trong việc chế tạo một bộ sưu tập vũ khí văn hóa Đông Sơn đa dạng về loại hình, trang trí hoa văn phong phú. Em rất mong muốn quay lại bảo tàng để tìm hiểu về lịch sử dân tộc Việt Nam nhiều lần hơn nữa.
Học viên thuyết trình hiện vật bảo tàng
Qua việc tổ chức chương trình Giờ học lịch sử cho các học viên Trường Đại học Chính trị đã cho thấy Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực sự trở thành ngôi trường giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng cho các em. Chính niềm yêu thích, đam mê lịch sử của các em là động lực rất lớn cho cán bộ bảo tàng xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với các em một cách thiết thực và hiệu quả nhất./.
Phạm Thị Huyền (Phòng Giáo dục, Công chúng)