Thứ Sáu, 20/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

13/03/2019 16:06 3032
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sáng ngày 10/3/2019, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Học viện Khám phá (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức cho 20 học sinh tham gia trải nghiệm lịch sử tại bảo tàng. Đây là những học sinh yêu thích lịch sử, yêu thích khoa học được tuyển chọn, đăng ký từ Học viện Khám phá.

Buổi trải nghiệm này có sự khác biệt với các Giờ học lịch sử thông thường, bởi đây là chương trình trải nghiệm có sự phối hợp, đầu tư, nghiên cứu xây dựng nội dung từ cán bộ bảo tàng và các cán bộ của Học viện Khám phá. Trong đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hướng dẫn học sinh tham quan theo chủ đề và Học viện Khám phá sẽ thiết kế nội dung kết hợp với các kiến thức khoa học được ứng dụng trong hiện vật của bảo tàng hoặc kiến thức khoa học trong các hoạt động đã được ông cha ta sử dụng ngày xưa.

Nội dung buổi trải nghiệm lịch sử gồm 3 phần: tham quan trưng bày theo chủ đề Đồ đồng trong Văn hóa Đông Sơn; tham gia hoạt động Vòng xoay ly tâm; cuối cùng các em tham gia làm thí nghiệm với Kỹ thuật mạ điện.

 

Học sinh tham quan tại hệ thống trưng bày

Trong khoảng thời gian 1 tiếng tham quan, các em đã tìm hiểu nền văn hóa Đông Sơn, một nền văn hóa với sự phát triển đỉnh cao của kỹ thuật đúc đồng, với nhiều sưu tập đồ đồng trưng bày như: sưu tập nông cụ; sưu tập vũ khí; sưu tập đồ trang sức và đặc biệt sưu tập trống đồng thể hiện trí tuệ, tài năng và tâm hồn của người Việt cổ thời Đông Sơn.

 

Học sinh tham gia trò chơi Vòng xoay ly tâm

Sau khi tham quan theo chủ đề, các em tham gia hoạt động Vòng xoay ly tâm do các cán bộ Học viện Khám phá đảm nhiệm rất vui nhộn. Với trò chơi Vòng xoay ly tâm, các em được biết về khái niệm “lực ly tâm” - một lực có xu hướng kéo vật rời ra khỏi tâm chính giữa. Các em lần lượt chia 4 nhóm, mỗi nhóm được cung cấp một cốc nước bằng nhựa có dây cầm buộc 2 bên miệng cốc. Nhiệm vụ của mỗi bạn là vừa đi vừa dùng dây xoay tròn cốc nước trước mặt hoặc trên đầu đảm bảo nước không bị văng ra khỏi cốc. Khá nhiều bạn lúc đầu còn sợ nước bị đổ nhưng sau khi thực hành việc quay tròn đều thì trở nên rất tự tin giành chiến thắng. Bạn Mai Hương trong nhóm chia sẻ: “Con thấy trò chơi quay cốc nước giống cơ chế vận động của máy giặt. Quần áo cứ quay tròn, xoay tít, dính chặt vào lồng giặt mà không bị rơi xuống.”

 

Học sinh tạo hình sản phẩm bằng chất liệu kim loại

 Học sinh tham gia thí nghiệm Kỹ thuật mạ điện

Hoạt động cuối cùng của chương trình đó là các em tham gia thí nghiệm Kỹ thuật mạ điện, đặc biệt với kim loại đồng một chất liệu được cư dân văn hóa Đông Sơn sử dụng phổ biến trong chế tạo công cụ, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt phục vụ cuộc sống của họ. Trong hoạt động này, mỗi em sử dụng một dây kim loại để tạo hình những hiện vật mà các em ấn tượng trong văn hóa Đông Sơn. Sau  đó, sản phẩm tạo hình được “hô biến” thành chất liệu đồng bằng cách sử dụng màu sắc khoa học có tên “mạ điện”. Đây là một quá trình cho sản phẩm tạo hình vào dung dịch đồng sunphat, với tác dụng dòng điện và phản ứng hóa học dung dịch đồng bám vào sản phẩm cần mạ, tạo nên sản phẩm bền đẹp. Sau thời gian khoảng hơn 2 tiếng, chương trình đã kết thúc, các em đều rất thích thú với phần quà đó là sản phẩm mạ đồng do chính các em sáng tạo trong buổi trải nghiệm.

 

Học sinh nhận quà là sản phẩm do chình mình sáng tạo

Qua hình thức trải nghiệm mới tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia không chỉ đem lại cho học sinh hiểu biết sâu sắc về tiến trình phát triển về lịch sử dân tộc, về nền văn hóa, về hiện vật bảo tàng mà từ những hiện vật trưng bày giúp các em hiểu hơn các ứng dụng khoa học trong các hoạt động đã được ông cha ta sử dụng ngày xưa một cách rõ ràng, thiết thực./.

Phạm Thị Huyền (Phòng Giáo dục, Công chúng)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ: