Trong hai ngày 23 và 27/3/2018, BTLSQG đã phối hợp với trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc Phòng) tổ chức 2 buổi “Giờ học Lịch sử” tại bảo tàng cho 100 học viên của trường với chủ đề “Lịch sử Việt Nam - Khám phá từ lòng đất”.
Trong hai ngày 23 và 27/3/2018, BTLSQG đã phối hợp với trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc Phòng) tổ chức 2 buổi “Giờ học Lịch sử” tại bảo tàng cho 100 học viên của trường với chủ đề “Lịch sử Việt Nam - Khám phá từ lòng đất”.
Học viên tập trung tại sân BTLSQG
Đây là một chủ đề mới, hấp dẫn được các cán bộ phòng Giáo dục Công chúng của Bảo tàng xây dựng vào đầu năm 2018 để đưa vào phục vụ công chúng và cũng là chủ đề mở đầu trong chương trình tham quan học tập của trường Đại học Chính trị tại BTLSQG.
Học viên tham quan trưng bày BTLSQG
Khác với những “vị khách” thông thường của chương trình Giờ học lịch sử là học sinh phổ thông, học viên trường Đại học Chính trị là đối tượng mới, có nhiều điểm khác biệt về trình độ, nhận thức và sở thích; chính vì vậy cán bộ giáo dục của Bảo tàng phải nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục với các hoạt động mới lạ, đảm bảo tính khoa học và phù hợp với đối tượng học viên thông qua những hiện vật, cổ vật có giá trị được khám phá trong lòng đất hiện đang trưng bày tại Bảo tàng.
Chương trình Giờ học lịch sử dành cho học viên trường Đại học Chính trị gồm 3 hoạt động chính:
1.Tham quan trưng bày với chủ đề “Lịch sử Việt Nam - Khám phá từ lòng đất” (90 phút).
2.Hoạt động “Khám phá bí ẩn từ cổ vật” tại Hệ thống trưng bày (30 phút).
3.HoaHoạt động “Hùng biện lịch sử” qua những cổ vật khám phá từ lòng đất.
Sau khi tham quan trưng bày, các học viên được chia thành 5 đội để bốc thăm lựa chọn chủ đề và tham gia hoạt động “Khám phá bí ẩn từ cổ vật”. Tại hệ thống trưng bày, các đội chơi nhanh chóng di chuyển về khu vực trưng bày với các chủ đề mà nhóm vừa lựa chọn như: vũ khí Đông Sơn, trống Đồng Ngọc Lũ, cọc gỗ Bạch Đằng… sau đó, cùng nhau thảo luận và đưa ra các nội dung cần trình bày trong phần thi “hùng biện lịch sử”. Chỉ trong một thời gian ngắn chuẩn bị, các học viên đã thể hiện tài năng và sự sáng tạo của mình với nhiều hình thức khác nhau như vẽ hình hiện vật, xây dựng cấu trúc bài thuyết trình, liên hệ thực tiễn lịch sử… để tạo điểm nhấn trong phần thi thuyết trình.
Phần thi hùng biện lịch sử của 5 đội chơi diễn ra rất sôi nổi, hào hứng thu hút sự chú ý của toàn thể khán phòng. Ban Giám khảo đã rất khó khăn để lựa chọn ra đội chơi xuất sắc nhất trong phần thi này và trao giải thưởng của chương trình.
Học viên hăng say làm việc nhóm
Nhóm “Nỏ thần” với chủ đề Vũ khí Đông Sơn
Ban Giám khảo trong hoạt động “Hùng biện lịch sử”
Qua những hoạt động trải nghiệm thú vị này, học viên trường Đại học Chính trị không chỉ được tham quan, tìm hiểu về những hiện vật, cổ vật có giá trị khám phá từ lòng đất, mà còn được trực tiếp tham gia vào việc xây dựng ý tưởng, xây dựng nội dung và giới thiệu về các hiện vật cụ thể sinh động tại bảo tàng như những hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Điều này đã tạo hứng thú học tập, phát huy tính tích cực, sáng tạo của học viên trong không gian học tập mới lạ tại BTLSQG.
Kết thúc chương trình, đại diện trường Đại học Chính trị - Đại úy, Ths Nguyễn Bá Thanh nhận xét:
“ Đây là một chương trình tham quan, học tập có ý nghĩa, đặc biệt là rất phù hợp với học viên Trường Đại học Chính trị. Chúng tôi hy vọng rằng, trong thời gian tới, BTLSQG và trường Đại học Chính trị sẽ phối hợp tổ chức nhiều chương trình giáo dục hơn nữa, với các hình thức phong phú hơn nữa để giúp học viên của trường tiếp cận được sâu hơn, kĩ hơn về lịch sử Việt Nam qua hệ thống các hiện vật, sưu tập hiện vật tại bảo tàng”.
Học viên chụp ảnh lưu niệm tại BTLSQG
Chương trình Giờ học lịch sử dành cho học viên trường Đại học Chính trị với chủ đề “Lịch sử Việt Nam- Khám phá từ lòng đất” đã thể hiện sự đa dạng hóa các hình thức giáo dục để phục vụ các nhóm công chúng khác nhau của BTLSQG, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho học viên trường Đại học Chính trị nói riêng và thế hệ trẻ Việt Nam nói chung.
Lê Liên (Phòng GDCC)