Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

22/01/2017 18:20 2255
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Chiều ngày 16/1/2017, tại BTLSQG, lần đầu tiên, hơn 40 học sinh lớp 10A5, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Huyện Thạch Thất (Hà Nội) đến tham gia buổi sinh hoạt “Giờ học lịch sử” với chủ đề “Tiến trình Lịch sử Việt Nam”.

Trong tiến trình phát triển lịch sử, Việt Nam là một trong những cái nôi của loài người và cũng là một trong những trung tâm phát sinh nền nông nghiệp sớm, với nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, được phản ánh đậm nét trong văn hóa Đông Sơn. Trên nền tảng của Văn hóa Đông Sơn, vào khoảng thế kỷ thứ VII - năm 208 trước Công nguyên, nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã ra đời đó là nhà nước “Văn Lang - Âu Lạc”. Trong tiến trình lịch sử đó, dân tộc ta, nhân dân ta luôn phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm để gìn giữ, bảo vệ nền độc lập dân tộc và tinh thần đấu tranh đó được phản ánh qua các cuộc khởi nghĩa hào hùng của dân tộc từ thế kỷ I đến thế kỷ X sau công nguyên như: cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-43), Bà Triệu (248), Lý Bí (542-544)… và đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở ra cho nước ta một thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng các triều đại phong kiến độc lập và tự chủ.

Để giúp học sinh tìm hiểu về quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Huyện Thạch Thất (Hà Nội) tổ chức buổi sinh hoạt Giờ học Lịch sử với chủ đề “Tiến trình lịch sử Việt Nam” qua đó giúp các em hiểu thêm truyền thống lịch sử, văn hóa trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta.

Đầu tiên, các em học sinh được tham quan hệ thống trưng bày tại cơ sở 1, Bảo tàng Lịch sử quốc gia để tìm hiểu về “Tiến trình lịch sử Việt Nam” từ thời kỳ Tiền sử đến hết triều Nguyễn. Những kiến thức lịch sử các em được học ở trường phổ thông đã được tái hiện lại tại Bảo tàng một cách sinh động, hấp dẫn bằng những hiện vật, sưu tập hiện vật độc đáo cùng với những câu chuyện lịch sử độc đáo, ấn tượng. Đây là lần đầu tiên, các em học sinh từ Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Huyện Thạch Thất (Hà Nội), một trường học rất xa trung tâm thủ đô đến tham quan, học tập tại Bảo tàng.

Kết thúc 60 phút tham quan hệ thống trưng bày thường trực, các em tham gia hoạt động thứ 2 trong chương trình Giờ học lịch sử đó là: Làm bài trắc nghiệm để ôn lại những kiến thức lịch sử đã được học ở nhà trường và được giới thiệu tại hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. 20 phút làm bài trôi qua nhanh chóng, các em tập trung vào phần viết cảm nghĩ của mình sau khi tham gia chương trình sinh hoạt thú vị này. Có lẽ là lần đầu tiên được tham gia một chương trình sinh hoạt ngoại khóa độc đáo, nên các em học sinh lớp 10A5 hết sức hào hứng và mong muốn được tham gia những chương trình khác tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Một hoạt động thể chất ngoài trời đã nhanh chóng cuốn hút các em đó chính là tham gia trò chơi dân gian mang tên “Bịt mắt đập niêu” - một trò chơi truyền thống của dân tộc Việt Nam trong những ngày Tết đến, xuân về. Với cách chơi hết sức đơn giản: Có 8 chiếc niêu được xếp theo hình chữ N, nhiệm vụ của mỗi đội là các bạn (đã bị bịt mắt và đem theo một chiếc gậy khoảng 50cm) lần lượtdi chuyển lên phía trước (khoảng cách từ 2-3m), ước lượng vị trí đặt niêu để đập cho trúng một trong những chiếc niêu được xếp phía trên (mỗi đội 4 chiếc niêu). Đội nào đập vỡ hết các niêu trước là đội thắng cuộc.

Hoạt động chơi này tưởng chừng đơn giản nhưng người chơi phải nhanh nhẹn, tập trung, nghe theo sự hướng dẫn của các bạn cổ động viên mới có thể đập vỡ niêu. Sau khoảng 15 phút, hoạt động chơi kết thúc trong sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn cổ động viên, Ban tổ chức cũng đã tìm ra đội thắng cuộc và trao phần thưởng cho các đội chơi.

Với mục đích “Học mà chơi, chơi mà học”, qua buổi sinh hoạt Giờ học lịch sử này tại Bảo tàng, các em học sinh lớp 10A5, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã thu nhận được nhiều kiến thức lịch sử bổ ích, lý thú và nhận được những phần quà lưu niệm của chương trình. Chương trình này đã trở thành một buổi sinh hoạt ngoại khóa môn Lịch sử hết sức bổ ích và lý thú, giúp các em có được một không gian học tập mới, tăng sự trải nghiệm, sự năng động, sáng tạo sau những buổi học lịch sử trên ghế nhà trường. Các em học sinh và các thầy cô giáo Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Huyện Thạch Thất (Hà Nội) bày tỏ mong muốn được tham gia nhiều chương trình Giờ học lịch sử tại Bảo tàng hơn nữa trong thời gian tới.

Một số hình ảnh hoạt động trong chương trình Giờ học lịch sử:

Lê Liên (Phòng GDCC)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Giờ học lịch sử của Học sinh trường TH Nam Thành Công tại BTLSQG

Giờ học lịch sử của Học sinh trường TH Nam Thành Công tại BTLSQG

  • 15/01/2017 17:40
  • 2055

Tiếp tục phát huy giá trị trưng bày chuyên đề “Đổi mới-Hành trình của những ước mơ” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện nhân kỷ niệm 30 năm Đổi mới (1986-2016), sáng ngày 9/1/2017, Phòng Giáo dục, Công chúng tổ chức Giờ học lịch sử tại Bảo tàng với nội dung: Tìm hiểu - trải nghiệm xếp hàng mua lương thực, thực phẩm thời kì bao cấp cho 50 học sinh đến từ trường Tiểu học Nam Thành Công, Đống Đa, Hà Nội.