Sáng ngày 13/11/2016, tại BTLSQG đã diễn ra buổi sinh hoạt “Giờ học lịch sử” của 60 em học sinh trường Tiểu học Quỳnh Mai với chủ đề “Cuộc kháng chiến chống Pháp (1858-1954)”.
Trong hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc ta phải đương đầu với nhiều thế lực ngoại xâm hùng mạnh. Nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bền bỉ, nhân dân Việt Nam đã đánh bại các cuộc xâm lăng đó, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Nửa cuối thế kỉ XIX, trước sự xâm lược của thực dân Pháp (1858), các phong trào yêu nước chống Pháp bùng nổ khắp nơi nhưng đều thất bại. Phải đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), với sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, xây dựng lực lượng, củng cố các căn cứ địa, chớp thời cơ, lãnh đạo, tổ chức và phát động toàn thể dân tộc đứng lên tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thành công, giành lại được chủ quyền độc lập cho dân tộc sau gần một thế kỉ đấu tranh oanh liệt.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập (2/9/1945), một tháng sau khi thành lập, Nhà nước non trẻ đã phải đối phó với giặc đói, giặc dốt, khó khăn về tài chính và hơn cả là nạn ngoại xâm. Cùng thời điểm đó, nước ta bị nhiều nước đế quốc bao vây và thực dân Pháp được sự giúp đỡ của quân Anh đã quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Đáp Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mĩ bảo vệ nền độc lập dân tộc mà khó khăn lắm chúng ta mới giành được. Trải qua 9 năm kháng chiến trường kì, gian khổ, quân ta càng đánh càng mạnh giành được những thắng lợi quan trọng: chiến thắng Việt Bắc (1947), chiến thắng Biên Giới (1950), đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Miền Bắc Việt Nam hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhằm giúp các em học sinh trường Tiểu học Quỳnh Mai hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam (1858-1954), BTLSQG tổ chức Giờ học lịch sử với chủ đề Cuộc kháng chiến chống Pháp (1858-1954).
Trong 60 phút tham quan trên hệ thống trưng bày của Bảo tàng, các em học sinh tìm hiểu về quá trình Pháp xâm lược Việt Nam, các phong trào chống Pháp của nhân dân ta, và những câu chuyện về các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong giai đoạn 1858-1954.
Sau đó các em lên phòng Câu lạc bộ cùng xem một đoạn phim tư liệu về Chiến thắng Điện Biên Phủ và tham gia hai hoạt động chơi: Hành trình chiến thắng và Hành trình theo chân Bác.
Hoạt động 1: Hành trình chiến thắng, dành cho tất cả các em học sinh.
Người chơi ngồi vào sàn thi đấu lần lượt trả lời các câu hỏi của chương trình bằng cách viết đáp án lên bảng. Thời gian suy nghĩ cho mỗi câu trả lời là 15 giây. Trả lời đúng người chơi được tiếp tục, trả lời sai người chơi sẽ bị loại. Người cuối cùng ở lại sàn thi đấu là người chiến thắng và nhận được phần quà của chương trình. Trong hoạt động chơi này có 2 vòng thi đấu, vòng 1 là những câu hỏi khá dễ, hầu như các em đều trả lời được, sang đến vòng 2, đã có nhiều bạn phải rời sàn thi đấu vì không trả lời đúng. Sau 2 vòng chơi, bạn Nam Anh đã là người chiến thắng và nhận được phần thưởng của chương trình, 10 bạn trả lời được nhiều câu hỏi nhất cũng nhận được một phần quà lưu niệm.
Bước sang hoạt động chơi thứ 2, được chia theo 2 đội mang tên đội Chiến thắng và đội Sấm chớp. Có 2 tấm bản đồ thế giới đã điền tên 20 quốc gia. Tại vạch xuất phát có danh sách 13 nước Bác Hồ đã đặt chân tới (từ 1911-1930), nhiệm vụ của hai đội là cùng di chuyển thật nhanh (bằng cách nhảy bao bố) đến tấm bản đồ rồi gắn quốc kỳ Việt Nam (đã chuẩn bị sẵn gần tấm bản đồ) vào vị trí 13 quốc gia: 1. Sing-ga-po; 2. Pháp; 3. Ai Cập; 4. Sô-ma-li; 5. Công-gô; 6. Sê-nê-gan; 7. An-giê-ri; 8. Tây Ban Nha; 9. Mỹ; 10. Anh; 11. Nga; 12. Trung Quốc; 13. Thái Lan. Thời gian cho phần chơi này là 15 phút. Đội nào gắn được nhiều cờ chính xác và ít thời gian hơn sẽ là đội chiến thắng. Hoạt động này thu hút sự cổ vũ của các bậc phụ huynh và các bạn cổ động viên khiến cho hoạt động càng thêm sôi nổi và hấp dẫn. Tiếng reo hò cổ vũ “cố lên, cố lên...” vang cả khán phòng. Với 15 phút chơi, hai đội đã hoàn thành phần chơi của mình, và đội gắn nhanh nhất và chính xác nhất, chiến thắng trong hoạt động 2 này là đội Chiến thắng. Với hơn 2 giờ đồng hồ tại Bảo tàng, các em học sinh trường Tiểu học Quỳnh Mai được “học mà chơi, chơi mà học”, thu nhận được nhiều kiến thức lịch sử bổ ích, lại được tham gia các hoạt động chơi thể chất.
Mỗi buổi sinh hoạt Giờ học lịch sử tại Bảo tàng đã trở thành buổi sinh hoạt ngoại khóa môn Lịch sử hết sức bổ ích và lý thú, giúp các em có được một không gian học tập mới, tăng sự trải nghiệm, sự năng động, sáng tạo sau những buổi học lịch sử trên ghế nhà trường. Các em học bày tỏ mong muốn được tham gia nhiều chương trình Giờ học lịch sử tại Bảo tàng hơn nữa trong thời gian tới.
Một số hình ảnh buổi sinh hoạt “Giờ học lịch sử” của học sinh trường Tiểu học Quỳnh Maivới chủ đề “Cuộc kháng chiến chống Pháp (1858-1954)”:
Ngọc Anh