Chủ Nhật, 03/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

30/10/2016 21:33 2486
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Từ ngày 13 đến ngày 21/10/16, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã diễn ra 5 buổi sinh hoạt Giờ học lịch sử của hơn 450 em học sinh khối lớp 8 trường THCS Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với chủ đề “Tìm hiểu về lịch sử Việt Nam giai đoạn (1858-1918)”.

Từ giữa thế kỉ XIX, các nước tư bản phương Tây đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa. Sau nhiều lần khiêu khích, lấy cớ bảo vệ đạo Gia Tô, ngày 1/9/1858 liên quân Pháp, Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, mở đầu quá trình xâm lược Việt Nam. Trước thái độ do dự của phái chủ hòa, triều đình nhà Nguyễn đã bỏ lỡ cơ hội thắng Pháp và lần lượt kí các bản Hiệp ước đầu hàng. Ngày 6/6/1884 hiệp ước Pa-tơ-nốt được kí kết, từ đây Việt Nam chính thức trở thành thuộc địa của thực dân Pháp.

Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, các sĩ phu yêu nước tiếp tục lãnh đạo nhân dân chống Pháp tiêu biểu là phong trào Cần Vương, khởi nghĩa nông dân Yên Thế, cho đến các phong trào đấu tranh theo khuynh hướng Dân chủ tư sản: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…nhưng những phong trào này đều lần lượt thất bại, phong trào cách mạng Việt Nam khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo. Trong hoàn cảnh đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xuất hiện và quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.

Nhằm giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam (1858-1918), Bảo tàng Lịch sử quốc tổ chức chương trình Giờ học lịch sử với chủ đề “Tìm hiểu về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1858-1918”. Trong 60 phút tham quan trên hệ thống trưng bày của Bảo tàng, các em học sinh tìm hiểu về quá trình Pháp xâm lược Việt Nam, các phong trào chống Pháp của nhân dân ta, và những câu chuyện về các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong giai đoạn 1858-1918.

Học sinh trường Thanh Quan tham quan hệ thống trưng bày của Bảo tàng.

Sau đó, các em đã làm bài kiểm tra kiến thức trên phiếu câu hỏi (gồm 15 câu), nội dung câu hỏi gắn với chương trình sách giáo khoa lịch sử lớp 8 và những câu chuyện lịch sử đã được giới thiệu trên hệ thống trưng bày của Bảo tàng.

Học sinh làm bài kiểm tra tại Bảo tàng.

Sau khi hoàn thành bài kiểm tra trên phiếu câu hỏi, các em học sinh được tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời với những trò chơi dân gian như: đẩy gậy, đập niêu, nhảy bao bố…Học sinh trường Thanh Quan đã được trải nghiệm với trò chơi dân gian “Bịt mắt đập niêu”.

Hình thức: Chơi theo đội (mỗi lớp cử ra một đội chơi).

Cách chơi: Có 8 chiếc niêu được xếp theo hình chữ N, nhiệm vụ của mỗi đội là các bạn (đã bị bịt mắt và đem theo một chiếc gậy khoảng 50cm) lần lượt di chuyển lên phía trước (khoảng cách từ 2-3m), ước lượng vị trí đặt niêu để đập cho trúng một trong những chiếc niêu được xếp phía trên (mỗi đội 4 chiếc niêu). Đội nào đập vỡ hết các niêu trước là đội thắng cuộc. Hoạt động chơi này tưởng chừng đơn giản nhưng người chơi phải nhanh nhẹn, tập trung, nghe theo sự hướng dẫn của các bạn cổ động viên mới có thể đập vỡ niêu. Sau khoảng 15 phút, hoạt động chơi kết thúc trong sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn cổ động viên, Ban tổ chức cũng đã tìm ra đội thắng cuộc và trao phần thưởng cho các đội chơi.

Học sinh tham gia trò chơi “Bịt mắt đập niêu”.

Với mục đích “Học mà chơi, chơi mà học”, qua 5 buổi sinh hoạt Giờ học lịch sử tại Bảo tàng, các em học sinh khối lớp 8 trường Thanh Quan đã thu nhận được nhiều kiến thức lịch sử bổ ích, điều này thể hiện qua kết quả bài làm của các em trên Phiếu câu hỏi. Các bài làm đều đạt kết quả cao, trong đó, có những bài đạt số điểm tuyệt đối và những dòng cảm tưởng thật xúc động. Bạn Nguyễn Thị Minh Thúy 8A1 viết “ Sau khi được tham quan Bảo tàng lịch sử quốc gia em đã học được những điều thật thú vị (…), em rất tự hào về những cuộc đấu tranh của nhân dân ta (…). Em rất yêu thích nơi này, Bảo tàng lịch sử quốc gia”. Bạn Đàm Thị Hinh Anh 8A5 viết “Qua buổi học tại Bảo tàng lịch sử quốc gia đã cho em rất nhiều suy nghĩ. Em thật tự hào khi là một người dân nước Việt Nam (…), cảm ơn buổi học đã cho em thêm kiến thức để mở mang trí tuệ, để bước tiếp trên con đường phía trước”. Cảm xúc của các em giúp cho những người thực hiện chương trình cũng cảm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc vì đã tạo ra một chơi bổ ích giúp các em có hứng thú và yêu thích với môn lịch sử hơn.

Bài cảm nghĩ của học sinh trường Thanh Quan sau buổi tham quan học tập tại Bảo tàng.

Mỗi buổi sinh hoạt Giờ học lịch sử tại Bảo tàng đã trở thành buổi sinh hoạt ngoại khóa môn Lịch sử hết sức bổ ích và lý thú, giúp các em có được một không gian học tập mới, tăng sự trải nghiệm, sự năng động, sáng tạo sau những buổi học lịch sử trên ghế nhà trường. Các em học sinh trường Thanh Quan bày tỏ mong muốn được tham gia nhiều chương trình Giờ học lịch sử tại Bảo tàng hơn nữa trong thời gian tới.

Nguyễn Phương

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ: