Chủ Nhật, 03/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/12/2015 11:56 2835
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Sáng thứ Sáu ngày 27/11/2015, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã diễn ra chương trình Giờ học lịch sử chủ đề: “Tìm hiểu lịch sử Việt Nam giai đoạn 1858-1954)” với sự tham gia của 100 em học sinh khối lớp 5 Trường Tiểu học quốc tế Thăng Long, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Trong hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc ta phải đương đầu với nhiều thế lực ngoại xâm hùng mạnh, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bền bỉ, nhân dân Việt Nam đã đánh bại các cuộc xâm lăng, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Nửa cuối thế kỉ XIX Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược (1858), phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam diễn ra sôi nổi mạnh mẽ nhưng đều lần lượt thất bại. Phải đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành được chính quyền trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, giành lại được chủ quyền độc lập cho dân tộc sau gần một thế kỉ đấu tranh oanh liệt. Nhưng ngay sau đó, thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta lần hai. Trải qua 9 năm kháng chiến trường kì, gian khổ, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn lịch sử này nằm trong chương trình học lịch sử của lớp 5.

Nhằm giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về 2 cuộc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Phòng Giáo dục, Công chúng) phối hợp với Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long (Quận Hoàng Mai– Hà Nội), tổ chức chương trình Giờ học lịch sử với chủ đề “Tìm hiểu lịch sử Việt Nam giai đoạn 1858-1954)”. Qua đó, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc của thế hệ trẻ; nâng cao ý thức đóng góp dựng xây và phát triển đất nước ngày một giàu đẹp.

Để hiểu thêm về nội dung lịch sử giai đoạn 1858-1954, các em học sinh đã được tham quan hệ thống trưng bày trong 60 phút (phòng số 1 đến phòng số 14). Sau đó, các em trở về phòng sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử ” để tham gia 3 hoạt động chơi mang tên: “Theo dòng lịch sử”, “Hành trình theo chân Bác”, “Tìm hiểu nhân vật lịch sử” .

Hoạt động 1 mang tên “Theo dòng lịch sử”, tham gia hoạt động chơi gồm hai đội, có 10 câu hỏi, hai đội lần lượt trả lời các câu hỏi bằng cách ghi đáp án ra bảng. Thời gian suy nghĩ cho mỗi câu trả lời là 15 giây. Trả lời đúng giành được 10 điểm, trả lời sai quyền trả lời thuộc về đội bạn. Đội nào giành được số điểm cao hơn là đội thắng cuộc. Hoạt động 1 trôi qua rất nhanh, 2 đội đã nhanh chóng đưa ra đáp án của mình. Kết quả số điểm của 2 đội là 50-50, cả hai đội đều nhận được những phần quà của chương trình. Qua hoạt động chơi này đã giúp các em khắc sâu và hiểu thêm một số kiến thức lịch sử cơ bản về quá trình Pháp xâm lược Việt Nam, Cách mạng tháng Tám - 1945 cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ, 1954.

Hoạt động chơi thứ 2 mang tên “Hành trình theo chân Bác”. Có 2 đội chơi, mỗi đội gồm 5 bạn. Có 2 tấm bản đồ thế giới đã điền tên 20 quốc gia. Tại vạch xuất phát có danh sách 13 nước Bác Hồ đã đặt chân tới (từ 1911-1930), nhiệm vụ của hai đội là cùng di chuyển thật nhanh (bằng cách nhảy bao bố) đến tấm bản đồ rồi gắn quốc kỳ Việt Nam (đã chuẩn bị sẵn gần tấm bản đồ) vào đúng vị trí 13 quốc gia đó rồi nhanh chóng quay trở lại để bạn khác tiếp tục. Thời gian dành cho hoạt động này là 15 phút. Đội nào gắn được nhiều cờ chính xác và nhanh hơn sẽ là đội chiến thắng. Hoạt động này đã diễn ra rất sôi nổi, với những tiếng hò reo cổ vũ của khán giả 2 đội nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Hai đội đều đã gắn chính xác quốc kì Việt Nam vào 13 quốc gia Bác Hồ đặt chân tới, tuy nhiên Đội 1 hoàn thành phần chơi với thời gian ngắn hơn và đã trở thành đội thắng cuộc.

Hoạt động chơi thứ 3 mang tên “Tìm hiểu nhân vật lịch sử”. Đây là hoạt động có sự kết hợp giữa thể chất và trí tuệ.Trước khi trả lời các câu hỏi, các em được tham gia hoạt động thể chất đi cầu Khỉ.Có 6 lá cờ tương ứng với 6 câu hỏi về 6 nhân vật trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiệm vụ của hai đội là từ vạch xuất phát di chuyển thật khéo léo qua cầu Khỉ để lấy một lá cờ đã được gắn số rồi trở về để bạn khác tiếp tục. Đội sở hữu lá cờ mang số thứ tự nào sẽ có quyền trả lời câu hỏi tương ứng. Thời gian suy nghĩ cho mỗi câu trả lời là 10 giây. Trả lời đúng giành được 10 điểm, trả lời sai quyền trả lời thuộc về đội bạn. Đội nào giành được số điểm cao hơn là đội thắng cuộc. Với sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, hai đội đã thể hiện được sự khéo léo của mình khi vượt qua cây cầu Khỉ một cách nhanh chóng. Sau phần thi thể chất, mỗi đội sở hữu 3 lá cờ và cơ hội chiến thắng của 2 đội là ngang nhau. Trong phần trả lời câu hỏi, Đội 2 đã vươn lên và là đội chiến thắng với số điểm 30-20. Qua hoạt động chơi này giúp các em hiểu rõ hơn về một số anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp như: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn…

Qua buổi sinh hoạt Giờ học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia các em học sinh khối lớp 5 Trường Tiểu học quốc tế Thăng Long, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã có những phút giây thoải mái và ý nghĩa, giúp các em khắc sâu hơn kiến thức về giai đoạn lịch sử này. Các cô giáo và học sinh đều mong muốn sẽ tiếp tục được tham gia các giờ học tiếp theo với những chủ đề khác tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong thời gian tới.

Một số hình ảnh hoạt động:

Nguyễn Phương (Phòng GDCC)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Giờ học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Giờ học lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

  • 24/11/2015 11:24
  • 2825

Từ ngày 7/11 đến ngày 21/11/15, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã diễn ra 3 buổi sinh hoạt Giờ học lịch sử của hơn 300 em học sinh khối lớp 6,7 trường Trung học cơ sở Ngô Quyền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội với chủ đề “Tìm hiểu lịch sử Việt Nam Từ triều Ngô - Đinh - Tiền Lê đến triều Tây Sơn”.