Vào lúc 14h chiều thứ 6, ngày 23/10/15, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã diễn ra buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” của 100 em học sinh khối lớp 6 trường Trung học Cơ sở Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội với chủ đề “Tiến trình lịch sử Việt Nam”
Trong tiến trình phát triển lịch sử, Việt Nam là một trong những cái nôi của loài người và cũng là một trong những trung tâm phát sinh nền nông nghiệp sớm, với nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước, được phản ánh đậm nét trong văn hóa Đông Sơn. Trên nền tảng của Văn hóa Đông Sơn, vào khoảng thế kỷ thứ VII - năm 208 trước Công nguyên, nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã ra đời đó là nhà nước “Văn Lang - Âu Lạc”. Trong tiến trình lịch sử đó, dân tộc ta, nhân dân ta luôn phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm để gìn giữ, bảo vệ nền độc lập dân tộc và tinh thần đấu tranh đó được phản ánh qua các cuộc khởi nghĩa hào hùng của dân tộc từ thế kỷ I đến thế kỷ X sau công nguyên như: cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-43), Bà Triệu (248), Lý Bí (542-544)… và đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở ra cho nước ta một thời kỳ mới, đó là thời kỳ xây dựng các triều đại phong kiến độc lập và tự chủ.
Để giúp học sinh tìm hiểu về quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với trường THCS Thanh Quan, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Tiến trình lịch sử Việt Nam” qua đó giúp các em hiểu thêm truyền thống lịch sử, văn hóa trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta.
Sau một tiếng thăm quan trưng bày tại cơ sở 1, số 1, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, được nghe các thuyết minh viên của Bảo tàng giới thiệu về tiến trình lịch sử Việt Nam, các em trở về phòng sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” tại số 25, Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội để tiếp tục tham gia 3 hoạt động chơi mang tên: “Ai thông minh hơn”, “ Hiểu ý đồng đội” và “ Ai nhanh, ai đúng”.
Hoạt động đầu tiên mang tên “Ai thông minh hơn” gồm có hai đội chơi mang tên đội Văn Lang và đội Âu Lạc (mỗi đội 5 bạn). Đây là hoạt động đòi hỏi có sự kết hợp hài hòa giữa thể chất và trí tuệ với hình thức chơi như sau: Trên rổ có 10 quả bóng được in số thứ tự từ 1 đến 10, 2 đội phải khéo léo lăn bóng vào vòng tròn, sở hữu quả bóng mang số thứ tự nào thì đội đó sẽ được quyền trả lời câu hỏi mang số thứ tự đó. Trả lời đúng được 10 điểm, trả lời sai quyền trả lời sẽ thuộc về đội ban (nếu cả hai đội đều trả lời sai thì quyền trả lời thuộc về khán giả). Trong tiếng reo hò cổ vũ náo nhiệt cả sân chơi, hai đội đã nhanh chóng hoàn thành hoạt động chơi của mình sau 30 phút đồng hồ. Đội Văn Lang tuy giành được 7 quả bóng nhưng các em trả lời nhầm một câu nên được 60/100 điểm. Đội Âu Lạc giành được 3 quả bóng nhưng được cộng thêm 10 điểm từ trả lời đúng câu hỏi số 4 của đội Văn Lang nên các em được 40/100 điểm. Và như vậy đội thắng cuộc trong hoạt động chơi “ Ai thông minh hơn” chính là đội Văn Lang.
Kết thúc hoạt động 1 là hai tiết mục văn nghệ đến từ hai lớp 6A4 và 6A5. Sau đó các em tiếp tục bước vào hoạt động 2 mang tên “Hiểu ý đồng đội”. Hoạt động này cũng có sự tham gia của 2 đội chơi (mỗi đội 6 bạn) mang tên: đội Hai Bà Trưng và đội Bà Triệu. Nhiệm vụ của 2 đội là phải bịt mắt cõng bạn lên ghép hoàn chỉnh bức tranh “Cảnh sinh hoạt của cư dân nguyên thủy thời kỳ Tiền sử”, Hoạt động này đòi hỏi sự kết hợp ăn ý, khéo léo và tinh thần đoàn kết của các cặp chơi. Nếu đội nào ghép nhanh, đúng và thuyết trình hay sẽ là đội thắng cuộc. Sau 30 phút đồng hồ, cả hai đội đã nhanh chóng hoàn thành và kết quả là: Đội Hai Bà Trưng tuy ghép tranh chậm hơn nhưng bài thuyết trình lại sâu sắc, đầy đủ ý nghĩa hơn, còn đội Bà Triệu tuy ghép tranh nhanh hơn nhưng bài thuyết trình chưa hay bằng nên MC của chương trình và các thầy cô giáo cùng các bạn cổ động viên đều thống nhất kết quả hoạt động 2 có tỷ số hòa.
Sau tiết mục văn nghệ song ca của 2 bạn học sinh lớp 6A5 vô cùng ý nghĩa, các em tiếp tục bước vào hoạt động 3 mang tên: “Ai nhanh, ai đúng”. Hoạt động này giành cho tất cả các bạn cổ động viên của hai lớp. Có 8 câu hỏi, bạn nào xung phong và trả lời đúng sẽ được nhận quà của chương trình, nếu trả lời sai thì quyền trả lời thuộc về bạn khác.
Đến 16h30 phút, giờ học lịch sử với chủ đề: “Tiến trình lịch sử Việt Nam” kết thúc sau 3 hoạt động chơi “Ai thông minh hơn”, “Hiểu ý đồng đội” và “Ai nhanh, ai đúng”. Buối sinh hoạt Câu lạc bộ diễn ra vô cùng sôi nổi, hấp dẫn không chỉ với các em học sinh, những người làm chương trình mà cả các thấy cô giáo của trường THCS Thanh Quan. Các thầy cô đã cùng tham gia chơi với các em khi lăn bóng và hò reo cổ vũ các đội chơi. Nhiều em học sinh khi trả lời đúng và nhận được quà thì rất vui mừng và nói rằng “sao nhanh vậy cô, con muốn chơi nữa cô ạ…..”. Những người làm chương trình như chúng tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều sân chơi hơn nữa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia không chỉ với các trường trên địa bàn Hà Nội mà còn nhân rộng hơn ra các địa bàn lân cận, để môn học lịch sử ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các em học sinh!
Một số hình ảnh hoạt động:
Trịnh Phương (Phòng GD, CC)