Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, qua truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu cơ dẫn 50 người con xuống biển, 50 người con lên non cho thấy từ xa xưa, tổ tiên ta không chỉ sinh sống trên đất liền mà còn gắn bó với biển khơi.
Việt Nam nằm bên bờ biển Đông, có bờ biển dài, vùng biển rộng với hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ xa, gần bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Từ lâu đời, biển Đông luôn giữ vai trò là cầu nối văn minh, nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch giao lưu văn hóa và thương mại quốc tế giữa phương Đông với phương Tây, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, quốc tế.
Hòa chung với mọi người con đất Việt đang hướng về biển Đông, nơi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sáng ngày 1/7/2014, Phòng Giáo dục, Công chúng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Trường Đội Lê Duẩn, tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Biển đảo Việt Nam” nhằm cung cấp tư liệu, hình ảnh, hiện vật để bổ sung kiến thức lịch sử, góp phần nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc cho các em học sinh, qua đó thể hiện tình yêu đất nước, một lòng hướng về biển Đông, đồng thời nâng cao hiểu biết về chủ quyền lãnh thổ và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước.
Các em học sinh tại buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, với chủ đề “Biển đảo Việt Nam”.
Sau 90 phút tham quan hệ thống trưng bày, tìm hiểu về lịch sử biển đảo Việt Nam từ thời Dựng nước đầu tiên đến Triều Nguyễn, các em học sinh đã thu nhận được nhiều thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Sau đó, các em trở về Câu lạc bộ “Em yêu Lịch sử ” để tham gia 3 hoạt động chơi mang tên: “Theo dòng lịch sử”, “Lật mảnh ghép tìm di sản”, “Thử tài của bạn” .
Mở đầu là hoạt động chơi “Theo dòng lịch sử” với sự tham gia của 2 đội chơi mang tên Trường Sa và Hoàng Sa. Hai đội lần lượt trả lời 10 câu hỏi của chương trình, bằng cách viết đáp án ra bảng. Các câu hỏi gắn liền với nội dung về lịch sử biển đảo Việt Nam mà các em đã được tham quan trên hệ thống trưng bày, hai đội nhanh chóng đưa ra được đáp án đúng. Đặc biệt, một thành viên của đội Hoàng Sa đã tự tin chia sẻ những hiểu biết của mình về Công ước Luật biển 1982: gồm 157 nước tham gia trong đó có Việt Nam. Đây chính là cơ sở pháp lý để Việt Nam tiến hành đàm phán với các nước láng giềng về các vấn đề liên quan ở biển Đông. Kết thúc hoạt động 1, đội Hoàng Sa đã trả lời nhanh, chính xác nhiều câu hỏi hơn (9/10 câu hỏi) và là đội thắng cuộc.
Các em học sinh tham gia hoạt động “Theo dòng lịch sử”.
Kết thúc hoạt động chơi thứ nhất, các em tiếp tục được tham gia hoạt động chơi thứ 2 mang tên “Lật mảnh ghép tìm di sản”. Tham gia hoạt động chơi gồm 2 đội là Hải đội Hoàng Sa và Hải đội Bắc Hải, mỗi đội gồm 5 bạn. Trước khi tiến hành lật các mảnh ghép và trả lời các câu hỏi thì hai đội được tham gia một hoạt động thể chất rất sôi động, đòi hỏi sự nhanh nhẹn và khéo léo mang tên “Vận chuyển nước ngọt ra đảo”. Các em học sinh sẽ hóa thân thành những thủy thủ, đi thuyền (tượng trưng bằng chiếc xe lắc), chở theo nước ngọt ra đảo, vượt chướng ngại vật đến đích để lấy cờ, mỗi lá cờ đã được đánh số, mỗi số tương ứng mỗi một mảnh ghép. Sau khi lấy được hết số lá cờ, hai đội lần lược trả lời các câu hỏi từ 1 đến 9. Sau những giây phút vui nhộn, những tiếng hò reo của khán giả thì hai đội chơi đã hoàn thành phần chơi của mình. Mặc dù Hải đội Bắc Hải là đội vận chuyển được nhiều nước ngọt ra đảo và lấy được nhiều lá cờ hơn, nhưng đội Hải đội Hoàng Sa lại là đội đã trả lời chính xác nhiều câu hỏi hơn và nhanh chóng tìm ra được di sản ở mảnh ghép số 4 và đã là đội thắng cuộc. Hoạt động chơi này đã giúp các em hiểu thêm về lịch sử của một số đảo và quần đảo của Việt Nam.
Hai đội tham gia hoạt động thể chất “Vận chuyển nước ngọt ra đảo”.
Và tham gia trả lời câu hỏi trong hoạt động “Lật mảnh ghép, tìm di sản”.
Hoạt động 3 mang tên “Thử tài của bạn” với sự tham gia của tất cả các em học sinh. Các em đã nhanh chóng trả lời 6 câu hỏi của chương trình, cả khán phòng như nóng lên trước sự reo hò và rất nhiều cách tay giơ lên khi người dẫn chương trình đọc câu hỏi và ngay từ gợi ý đầu tiên, nhiều em đã có câu trả lời.
Học sinh trường Đội Lê Duẩn tham gia hoạt động “Thử tài của bạn”.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ học mà chơi, chơi mà học, buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” chủ đề “Biển đảo Việt Nam” đã khép lại. Trải qua 3 hoạt động chơi, chúng tôi- những người làm chương trình đã thấy được niềm vui, sự phấn khởi của mỗi em học sinh khi đưa ra được đáp án đúng và nhận được phần quà - kỉ niệm ghi nhớ thành tích mà các em đã đạt được khi tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây thực sự là một chương trình bổ ích giúp các em hiểu thêm về lịch sử biển đảo Việt Nam và góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.
Các em học sinh nhận quà lưu niệm của chương trình.
Kết thúc chương trình, thầy cô ở Trường Đội Lê Duẩn và các em học sinh đã bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tới những người làm chương trình đã tạo một sân chơi thực sự bổ ích, lý thú và có ý nghĩa cho các em. Nhà trường mong muốn sẽ tiếp tục được đưa học sinh đến Bảo tàng tham gia những chương trình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” trong thời gian tới.
Nguyễn Phương (phòng GDCC)