Năm 1427, sau khi đánh tan giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, lập ra nhà Lê Sơ, đây là một trong những triều đại phong kiến hưng thịnh nhất trong lịch sử dân tộc về mọi mặt như: luật pháp, kinh tế, văn hóa... Sau triều Lê Sơ là triều Mạc, triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn... tiếp tục phát triển về mọi mặt.
Để giúp học sinh tìm hiểu về giai đoạn lịch sử này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với trường THCS Lê Lợi tổ chức “Giờ học lịch sử” tại bảo tàng cho các em học sinh khối 8 và khối 9 với chủ đề “Tìm hiểu triều đại phong kiến Việt Nam thời kỳ Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Tây Sơn”, qua đó giúp các em hiểu thêm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong lịch sử.
Trước khi tham gia các hoạt động chơi, các em học sinh được tham quan hệ thống trưng bày với nội dung trọng tâm là tìm hiểu về thời kỳ Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Tây Sơn - một thời kỳ dài trong lịch sử Việt Nam với những biến đổi sâu sắc về tình hình kinh tế, văn hóa đặc biệt là chính trị. Sau đó, các em tiếp tục được tham gia 3 hoạt động chơi mang tên: Theo dòng lịch sử; Tìm hiểu về Văn Miếu Quốc Tử Giám, Lật mảnh ghép tìm di sản.
Trong hoạt động “Theo dòng lịch sử ” các em tìm hiểu và trả lời các câu hỏi liên quan đến thời kỳ Lê Sơ mà điểm nhấn là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo. Hình thức chơi theo đội, các em lần lượt vượt qua các vòng tròn có gắn chuông để lấy những câu hỏi đã được chương trình chuẩn bị mang về cho đội của mình. Hoạt động này đã giúp cung cấp cho các em những kiến thức bổ ích, hiểu hơn về truyền thống đấu tranh chống giặc giữ nước của dân tộc ta.
Các em tham gia hoạt động “Theo dòng lịch sử”
Hoạt động 2 của chương trình mang tên “Tìm hiểu Văn Miếu Quốc Tử Giám”. Văn Miếu Quốc Tử Giám được khởi dựng năm 1070 đời vua Lý Thánh Tông để bồi dưỡng nho học và nó được xem là trường đại học đầu tiên của đất nước ta. Đến đời vua Lê Thánh Tông, cho dựng các bia Tiến sĩ tại đây với chủ trương đề cao Nho học và tôn vinh các bậc trí thức nho học đỗ đại khoa. Để hoàn thành phần thi này các em sẽ trải qua một trò chơi thể chất sau đó các em sẽ bước vào một phần thi kiến thức. Ở phần thi này sẽ giúp cho các em hiểu hơn về lịch sử hình thành và phát triển của Văn Miếu Quốc Tử Giám, cũng như tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam. Phần thi thu hút sự chú ý đặc biệt của các em bởi di tích này rất gần gũi với các em học sinh.
Sôi nổi với hoạt động “Tìm hiểu Văn Miếu Quốc Tử Giám”.
Và hoạt động “Lật mảnh ghép tìm di sản”.
Hoạt động chơi cuối cùng mang tên “Lật mảnh ghép tìm di sản”. Đây là hoạt động chơi rất thú vị, sôi nổi đòi hỏi các em cần phải khéo léo và nhanh nhẹn. Trong tay mỗi đội sẽ có 9 mảnh ghép, nhiệm vụ của 2 đội là lắp ghép để thành một bức tranh hoàn chỉnh. Trong vòng 10 phút, các em đã ghép thành công bức ảnh “Tượng Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay”. Sau đó, mỗi đội cử một bạn lên thuyết trình hiểu biết của mình và ý nghĩa bức tượng này.
Cán bộ Phòng Giáo dục Công chúng giới thiệu ý nghĩa của bức tượng “Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay”
Kết thúc buổi sinh hoạt, các em học sinh ra về với tâm trạng vui vẻ và phấn khởi. “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thực sự đem đến cho các em những giây phút vừa học vừa chơi thoải mái, đầy ý nghĩa và bổ ích. Các cô giáo và học sinh đều mong muốn tiếp tục được tham gia nhiều chương trình với các chủ đề khác tại bảo tàng./.
Các cán bộ phòng GDCC chụp ảnh lưu niệm với các cô giáo trường THCS Lê Lợi.
Phạm Thị Hiền (Phòng Giáo dục, Công chúng)