Chiều ngày 19/12/2013, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã diễn ra buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề: “Hà Nội những ngày đầu toàn quốc kháng chiến”. Cũng ngày này cách đây 67 năm, sau khi đã cố gắng nỗ lực, nhân nhượng hết mức có thể, tìm mọi cách để bảo vệ nền hòa bình vừa mới giành được nhưng không thành, Trung ương Đảng đã quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đáp lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Hà Nội nói riêng đã nhất tề đứng dậy, tiếp tục cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ và gian khổ chống thực dân Pháp để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Nhằm phát huy và đa dạng hóa các hoạt động giáo dục của Bảo tàng, góp phần bổ sung kiến thức lịch sử cho các em học sinh phổ thông; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với thủ đô Hà Nội yêu dấu. Nhân kỷ niệm 67 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2013), Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Trường THPT Nguyễn TấtThành và THPT Marie-curie tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề: “Hà Nội những ngày đầu toàn quốc kháng chiến”.
Một tiết mục văn nghệ của cán bộ phòng Giáo dục công chúng.
Tham gia buổi sinh hoạt có gần 100 em học sinh. Sau 45 phút tham quan trên hệ thống trưng bày, các em trở về phòng Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, thư giãn với các tiết mục văn nghệ rất ấn tượng do chính các học sinh của trường và cán bộ Phòng Giáo dục, Công chúng thể hiện, sau đó tham gia ba hoạt động chơi mang tên: Theo dòng sự kiện; Đoán ý đồng đội; Mật mã lịch sử.
Các em tham gia hoạt động “ Theo dòng sự kiện”.
Hoạt động thứ nhất “Theo dòng sự kiện”, mỗi đội cử ra 5 em. Để giành quyền trả lời các câu hỏi trong hoạt động chơi này các em được trải nghiệm qua hoạt động thể chất vượt chướng ngại vật (người làm chương trình lấy ý tưởng từ sự kiện nhân dân Hà Nội hy sinh tài sản của mình như giường, tủ, bàn ghế… dựng chướng ngại vật chặn bước tiến của địch), để qua đó các em có thể hình dung ra tính chất ác liệt trong 60 ngày đêm “Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Sau khi vượt qua các chướng ngại vật (không phạm quy) các em sẽ lấy về cho đội mình từng trái bóng tương ứng với các câu hỏi của chương trình. Mặc dù đội Trung đoàn Thủ đô (trường Nguyễn Tất Thành) lấy được nhiều trái bóng hơn đội Vệ Quốc đoàn (trường Marie Curie), nhưng do đội Vệ Quốc đoàn trả lời đúng nhiều câu hỏi, có số điểm cao hơn nên đã giành chiến thắng.
Các em tham gia hoạt động “ Đoán ý đồng đội”.
Bước vào hoạt động 2 “Đoán ý đồng đội”, không khí buổi sinh hoạt trở nên sôi động hơn bao giờ hết trước sự cổ vũ nhiệt tình của cổ động viên hai đội và sự tập trung cao độ của người chơi. Hoạt động này vừa bổ sung kiến thức lịch sử vừa rèn cho các em khả năng diễn đạt, hiểu ý của nhau, bằng cách dùng ngôn ngữ (nhưng không được phạm vào từ khóa) hoặc ngôn ngữ cơ thể để làm sao cho đội mình đoán đúng đáp án. Kết quả, đội Trung đoàn Thủ đô đã kết hợp rất ăn ý khi trả lời xuất sắc câu hỏi của chương trình.
Trong hoạt động mang tên “Mật mã lịch sử” mỗi đội có 5 em tham gia. Trên màn hình hiện ra 9 mảnh ghép tương ứng với chín câu hỏi, các đội lần lượt chọn mảnh ghép và giành quyền trả lời. Mỗi một câu trả lời đúng một mảnh ghép và một phần bức ảnh được mở ra. Toàn bộ bức ảnh chính là gợi ý cuối cùng để tìm mật mã bí ẩn của chương trình. Nhưng khi mới có 4/9 mảnh ghép được mở, các em thuộc đội 2 (trường THPT Nguyễn Tất Thành) đã đưa ra đáp án đúng là mật mã gốm 27 chữ cái: LỜI KÊU GỌI TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN nên đã mang phần thắng về cho đội mình.
Trải qua 3 hoạt động chơi với những câu hỏi, trải nghiệm đầy thú vị, với chưa đây 2 giờ đồng hồ nhưng đã giúp các em củng cố, và bố sung thêm kiến thức lịch sử mà các em đã được học tại trường. Qua đó các em cảm nhận được lịch sử không hề khô cứng, khó hiểu mà nó rất gần gũi. Sự háo hức, say mê tìm hiểu lịch sử của các em đã cổ vũ, động viên chúng tôi- những người làm chương trình có thêm động lực, tích cực sáng tạo để có nhiều hình thức giáo dục thu hút các em học sinh đến với Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” nói riêng và khách tham quann Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói chung./.
Hoàng Yến (Phòng GDCC)