Hà Nội, nằm ở vị trí địa lý thuận lợi về nhiều mặt, chính giữa nam bắc đông tây, là nơi non sông hội tụ, là đầu mối giao thông thủy bộ có thể xuống biển khơi, lên non ngàn…
Vì thế, từ thời dựng nước đầu tiên, An Dương Vương đã chọn mảnh đất này để định đô. Tiếp sau đó là kinh đô của các triều đại phong kiến nước ta như: Lý, Trần, Lê… Đến nay, Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của cả nước.
Các em chăm chú nghe phổ biến trước khi trò chơi bắt đầu
Để tìm hiểu vai trò, vị thế quan trọng của mảnh đất Hà Nội cũng như truyền thống dựng nước và giữ nước của nhân dân Thủ đô, đồng thời nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức lịch sử về Hà Nội ngàn năm văn hiến, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi “giờ học lịch sử” vào sáng ngày 23/5/2013 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia với chủ đề: “Thăng Long - Hà Nội xưa và nay” với sự tham gia của 80 em học sinh đến từ hai lớp 4D và lớp 4G trường Tiểu học Thực Nghiệm, quận Ba Đình, Hà Nội.
Buổi sinh hoạt gồm 5 hoạt động chơi: Theo dòng lịch sử, Điền từ thích hợp vào chỗ trống, Chúng em là họa sĩ, Ai thông minh hơn và Thử làm hướng dẫn viên.
Ở hoạt động “Theo dòng lịch sử”: học sinh của hai lớp chia thành hai đội cùng tìm hiểu về những di sản, nhân vật lịch sử, di tích lịch sử của Thủ đô Hà Nội như: Chiếu Dời Đô, Lý Công Uẩn, Hoàng thành Thăng Long, chùa Trấn Quốc… Đây là một hoạt động thu hút sự chú ý của các em học sinh bởi những kiến thức gắn liền với mảnh đất Thủ đô, nơi mà các em sinh ra và lớn lên.
Theo dòng lich sử
Hoạt động 2: “Điền từ thích hợp vào chỗ trống” với nội dung chương trình đưa ra một đoạn văn được trích trong “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn. Học sinh sẽ chọn những cụm từ thích hợp để điền vào chỗ trống. Thông qua trò chơi này, giúp học sinh hiểu thêm về vị trí, địa thế quan trọng của mảnh đất Hà Nội xưa.
Đến với hoạt động 3: “Chúng em là họa sĩ”: đây là hoạt động nhằm phát huy tài năng sáng tạo của học sinh về năng khiếu hội họa.
Chúng em là họa sĩ
Ở hoạt động chơi thứ 4 mang tên “Ai thông minh hơn”: đây là một hoạt động chơi vô cùng thú vị. Chương trình đưa ra những mốc thời gian tương ứng với các dữ kiện gắn với kinh đô nước Việt qua các thời kỳ. Hai đội chơi đã cử ra những học sinh không chỉ có kiến thức lịch sử tốt mà còn phải năng động, khéo léo để vượt qua chướng ngại vật đồng thời phải nhanh tay, nhanh mắt để đạt được kết quả tốt nhất. Thông qua hoạt động chơi này không chỉ cung cấp cho các em kiến thức lịch sử mà còn giúp các em phát huy tính năng động, nhạy bén và tinh thần phối hợp đồng đội cao.
Ai thông minh hơn
Đặc biệt ở hoạt động cuối cùng mang tên “Thử làm hướng dẫn viên” đã thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo cũng như khả năng thuyết minh, thuyết trình của một người hướng dẫn viên du lịch khi giới thiệu về “Thăng Long - Hà Nội”.
Sau mỗi hoạt động chơi, các em học sinh được nhận phần thưởng tuy nhỏ nhưng đầy ý nghĩa. Đây chính là động lực thúc đẩy các em thêm yêu thích môn lịch sử, từ đó góp phần xây dựng nên truyền thống dựng nước và giữ nước của nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.
Nguyễn Thị Hà
Phòng Giáo dục, Công chúng