Sáng ngày 14/3/2013 (thứ Tư), tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, diễn ra“Giờ học lịch sử” cho các em học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận Cầu Giấy - Hà Nội với chủ đề: Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với 103 em học sinh đến từ ba lớp 12D1, 12D và 12 chuyên Anh, các em được tham quan hệ thống trưng bày và nghe giới thiệu các kiến thức lịch sử về các cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, thứ hai, các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đặc biết về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau 45 phút tham quan, các em trở về phòng Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” cùng những người thực hiện chương trình tiếp tục tham gia các hoạt động của “Giờ học lịch sử”. Các lớp ngồi theo vị trí được sắp xếp, nhóm nội dung phát bài và các em tập trung làm bài trắc nghiệm, tự luận với 16 câu hỏi liên quan tới chủ đề của giờ học tại bảo tàng, trong đó có một câu “Cảm nghĩ của em về sự kiện thành lập Đảng, tháng 2/1930”.
Các em làm bài tự luận, trắc nghiệm trong “Giờ học lịch sử”.
Cùng những kiến thức lịch sử được học trên lớp, tham quan bảo tàng, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, các bạn có 20 phút để điền đáp án đúng vào bài. Sau đó, lớp trưởng thu lại bài của lớp mình, chuyển, chấm chéo giữa các lớp và người dẫn chương trình đọc đáp án để các đội soát, cộng điểm (lần thứ nhất). Tiếp đến, những bài có điểm từ 13/16 trở lên, được thu lại để Nhóm nội dung chấm, công bố (lần thứ hai).
Đến với “Giờ học lịch sử” các em còn được giao lưu, biểu diễn văn nghệ
Trong lúc nhóm nội dung chấm lần cuối, các lớp tiếp tục được tham gia hoạt động trò chơi thể chất “Tìm địa danh nơi Bác Hồ đã đến, từ năm 1911 đến năm 1930”. Để thực hiện phần chơi này, các bạn tham gia được chia làm hai đội, mỗi đội gồm 5 em.
Cách chơi: Có 2 tấm bản đồ thế giới đã điền tên 20 quốc gia, nhiệm vụ của hai đội là cùng di chuyển thật nhanh (bằng xe lắc) vượt qua đại dương (chướng ngại vật) đến các quốc gia (13 nước) nơi Bác Hồ đã từng đặt chân tới trong cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước từ năm 1911 đến năm 1930, rồi gắn quốc kỳ Việt Nam vào vị trí 13 nước đó (quốc kỳ, bản đồ và danh các nước đã được chuẩn bị sẵn).
Luật chơi: Trong quá trình di chuyển các em không được chạm hay làm đổ chướng ngại vật. Nếu chạm hay đổ chướng ngại vật thì bạn đó phải quay lại điểm xuất phát để bạn khác trong đội tiếp tục chơi. Khi trở về học sinh đi bằng xe lắc tiến thẳng về đích. Cứ như vậy, từ bạn thứ nhất đến bạn thứ năm, lần lượt tham gia trò chơi gắn cờ vào địa danh nơi Bác Hồ đã đặt chân tới.
Thời gian cho phần chơi này là 15 phút. Đội nào gắn được nhiều cờ, chính xác, tốn ít thời gian sẽ là đội chiến thắng.
Danh sách địa danh nơi bác Hồ đã từng đặt chân đến.
1.Singapore (Sing-ga-po) năm1911 2.France (Pháp) năm 1911 3.Egypt (Ai Cập) năm 1911 4.Somalia (Sô-ma-li) năm 1911 5.Congo (Công-gô) năm 1912 6.Senegal (Sê-nê-gan) năm 1912 7.Algeria (An-giê-ri) năm 1912 | 8.Spain (Tây Ban Nha) năm 1912 9.United States (Mỹ - Hoa Kỳ) năm 1912 10.United Kingdom (Anh) năm 1914 11.Russia (Liên Xô - Nga) năm 1923 12.China (Trung Quốc) năm 1924 13.Thailand (Thái Lan) năm 1928 |
Công bố kết quả, luôn là khoảnh khắc hồi hộp và mong đợi nhất của mỗi buổi sinh hoạt.
Sau hoạt động chơi thể chất, Ban Tổ chức đã công bố kết quả các giải làm bài trắc nghiệm, tự luận của ba lớp, như sau: 20 giải khuyến khích, 14 giải ba, 5 giải nhì, 3 giải nhất và 1 giải đặc biệt xuất sắc của bạn Phạm Hồng Nga (lớp 12D). Lúc này không khí thật náo nhiệt với những tràng pháo tay, cổ vũ của các bạn dành cho Hồng Nga đoạt giải xuất sắc và Phạm Hồng Nga cũng không giữ nổi cảm xúc vui sướng, hạnh phúc của mình, em đã nói những cảm nghĩ của mình được tham dự “Giờ học lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong những giọt nước mắt xúc động chen lẫn niềm tự hào, vinh dự. Xúc động của Nga cũng là cảm xúc của các bạn được tới tham quan, học tập “Giờ học lịch sử” tại bảo tàng.
Còn chúng tôi, những người làm chương trình, thực sự “được lây” không khí sôi động, đầy nhiệt huyết của thế hệ trẻ ngày hôm nay, các em tiếp nhận kiến thức lịch sử của đất nước cũng như của dân tộc, thông qua các hoạt động, trò chơi lịch sử thật thú vị, bổ ích, ý nghĩa.
Sau hơn hai giờ đồng hồ được học - chơi tại bảo tàng, trên gương mặt các em thể hiện rõ sự luyến tiếc, bồi hồi và cô trò đều có chung một sự tin tưởng, những giờ học kiểu như thế này sẽ giúp học sinh tiếp thu, củng cố kiến thức một cách nhanh, lại hay và thay vì phải “lai dai” đọc đi đọc lại từng câu, từng đoạn, từng bài trên lớp mãi mới thuộc. Chúng tôi mong rằng “Giờ học lịch sử” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đến được với nhiều trường hơn nữa.
Ths.Nguyễn Kim Thành
Phòng Giáo dục, Công chúng