Sáng ngày 1-2-2013, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (25 Tông Đản), Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề “Đảng cộng sản Việt Nam - niềm tin và tự hào” đã được tổ chức với sự tham gia của giáo viên và học sinh Trường THCS Trưng Vương, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Các đội đang thực hiện các thao tác “Vượt chướng ngại vật” để hoàn thành hoat động “Hành trình theo chân Bác”
Cách đây 83 năm, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, nhân dân ta đã tiến hành các cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đánh đuổi giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai, thống nhất và xây dựng đất nước. Trong mấy chục năm qua, Đảng ta đã và đang không ngừng tiếp tục đổi mới, lãnh đạo và đưa đất nước hội nhập với các nước trong khu vực, ngày càng khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Với ý nghĩa quan trọng đó, nhân kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2013), Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời bồi dưỡng niềm tin, lòng tự hào cho thế hệ trẻ học đường. 100 em học sinh thuộc hai lớp 9H1 và 9H2, Trường THCS Trưng Vương (Quận Hoàn Kiếm) đã dự buổi sinh hoạt Câu lạc bộ. Đây là học sinh của các lớp chuyên toán, mặc dầu vậy, các trò chơi, trả lời câu hỏi lịch sử đã được các em tham gia rất hồ hởi, tích cực và sáng tạo. Sau 30 phút tham quan hệ thống trưng bày, đặc biệt là phòng “Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam” đã giúp các em trả lời xuất sắc các câu hỏi trong hoạt động chơi “Theo dấu chân Bác”.
Đội 9H1, đang cố gắng dán thật nhiều “Cờ đỏ sao vàng”, quốc gia mà Bác Hồ đã đặt chân tới (từ năm 1911-1930)
Sau khi được chia thành 2 đội, trong vòng 15 phút, các em đã di chuyển, vượt qua các chướng ngại vật rồi gắn quốc kỳ Việt Nam (đã được chuẩn bị sẵn)vào vị trí của 13 quốc gia mà Bác Hồ đã đặt chân tới trong cuộc hành trình ra đi tìm đường cứu nước từ năm 1911 đến năm 1930. Trong hoạt động chơi này, Đội của lớp 9H1 đã gắn được chính xác, nhanh và nhiều cờ hơn lớp 9H2, trở thành đội chiến thắng.
Học sinh cần hiểu rõ luật chơi, cách chơi trong mỗi buổi sinh hoạt
Đặc biệt trong hoạt động “Ô chữ bí mật”, các câu hỏi luôn ở tình thế gay cấn, các bạn của hai Đội “Cộng sản đoàn” và Đội “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội” không chịu để thua kém nhau, mỗi câu hỏi đưa ra, cả 2 đội đều tập trung hội ý, phát huy“chất xám” của cả nhóm, để có đáp án đúng với đáp án của chương trình. Những câu hỏi, tưởng như không phải là dễ, vậy mà các em cũng đã trả lời rất chính xác, như câu: “Tên địa điểm diễn ra Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930)?”, “Tên tài liệu do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, tháng 2/1930?” hoặc như câu “Tên của người Đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên, với câu nói nổi tiếng “Thanh niên không có con đường nào khác, đó là con đường làm cách mạng”… Đặc biệt câu: Điền từ vào chỗ trống “Hội nghị thành lập Đảng (3/2/1930) đã thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lượt vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đây được coi là: …(?) … chính trị đầu tiên của Đảng”; tuy thời gian hội ý kéo dài hơn, nhưng cả hai đội đều đưa ra đáp án chính xác là từ CƯƠNG LĨNH.
Thay mặt những người làm chương trình, Kim Thành đã cám ơn cô và trò của Trường THCS Trưng Vương đã tới tham dự buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, Chủ đề “Đảng Cộng sản Việt Nam - Niềm tin và tự hào”, ngày 1/2/2013.
Xen kẽ giữa các hoạt động chơi là những tiết mục văn nghệ, bài hát “Tre ngà bên lăng Bác”, “Em là mầm non của Đảng” càng làm cho không khí buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” trở nên ấm áp, thân mật, ý nghĩa hơn.
Kết thúc buổi sinh hoạt, thay mặt các cô giáo cũng như 100 em học sinh của nhà trường, cô Nguyền Hồng Hạnh, đại diện cho Nhà trường phát biểu cám ơn Ban Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, đã tạo điều kiện để cô và trò được đến tham dự buổi sinh hoạt đầy ý nghĩa đầu xuân này.
Chương trình được khép lại sau hơn 120 phút, đã đến lúc phải chia tay, vậy mà những người làm chương trình, cô giáo, học sinh đều cảm thấy luyến tiếc và bày tỏ ước muốn sẽ được quay trở lại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để được học và tham gia nhiều trò chơi bổ ích thiết thực nữa./.
Ths. Nguyễn Kim Thành
Phòng Giáo dục - Công chúng