Thứ Bảy, 18/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

31/01/2013 22:39 2933
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ngày 1/2/2013, lễ khai mạc trưng bày “Đèn cổ Việt Nam” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1, Tràng Tiền (trưng bày kéo dài đến hết tháng 5/2013). Đây là một trong những hoạt động chào mừng Xuân Quý Tỵ năm 2013 của Bảo tàng.

Đến tham quan trưng bày, du khách có cơ hội thưởng lãm hơn 50 hiện vật đặc sắc, thuộc bộ sưu tập đèn cổ có niên đại cách ngày nay khoảng 2500 năm đến đầu thế kỷ 20, được chế tác công phu, tinh tế vừa đa dạng về chất liệu, kiểu dáng, kích thước vừa chứa đựng những giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao với nhiều tính năng sử dụng, đặc biệt có cây đèn đồng hình người quỳ thời Đông Sơn (khoảng gần 2000 năm cách ngày nay) – một trong 11 Bảo vật quốc gia của Bảo tàng được Thủ tướng Chính phủ công nhận đợt đầu tiên, ngày 1/10/2012.

Trưng bày “Đèn cổ Việt Nam” gồm các nội dung:

- Đèn thuộc văn hóa thời sơ sử có niên đại từ khoảng thế kỷ 5 TCN đến thế kỷ 4 SCN là sưu tập đèn sớm nhất Việt Nam, thuộc các nền văn hóa khác nhau với những đặc trưng riêng. Đèn văn hóa Đông Sơn chủ yếu đúc bằng chất liệu đồng như một biểu tượng về cây vũ trụ với rất nhiều hình tượng người, tượng các con vật (voi, bò…); Đèn văn hóa Sa Huỳnh gắn liền với tập quán sinh hoạt và phương thức lao động của cư dân (chân đèn Hòa Diêm còn có thể sử dụng trên thuyền đánh cá); Cây đèn hình người tìm thấy ở Lạch Trường, Thanh Hóa thuộc giai đoạn của văn hóa Đông Sơn và những cây đèn tìm thấy ở Rạch Giá, Kiên Giang thuộc văn hóa Óc Eo là bằng chứng về sự giao lưu văn hóa với phương Tây.

- Sưu tập đèn thế kỷ 1 - 10 được chế tác bằng chất liệu đồng và gốm, với đặc điểm thể hiện sự giao lưu, ảnh hưởng văn hóa với phương Bắc, chủ yếutìm được trong các ngôi mộ gạch cổ.

- Sưu tập đèn thế kỷ 11 – đầu thế kỷ 20 thuộc thời phong kiến Đại Việt độc lập tự chủ cho thấy sự phát triển cao cả về kỹ thuật chế tác lẫn nghệ thuật trang trí, bằng các chất liệu khác nhau như gốm, đồng, sắt, gỗ… Đặc biệt, từ cuối thời Trần về sau, nhiều loại chân đèn có kích thước lớn, vừa phong phú về kiểu dáng, vừa đa dạng về hoa văn trang trí, được chế tác qua nhiều công đoạn và bằng nhiều kỹ thuật phức tạp, tỉ mỉ, khiến cho chúng không còn là một vật dụng thông thường mà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Đáng chú ý, nhiều chân đèn được đặt làm riêng để cung tiến vào các đình, chùa, quán… có ghi, khắc minh văn chữ Hán Nôm cho biết về niên đại, nghệ nhân, địa điểm chế tác, người đặt làm và nơi sử dụng. Những chân đèn này không những góp phần xác lập một hệ thống tiêu chí chuẩn để phân loại, giám định cổ vật gốm mà còn giúp soi sáng nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội khác.

Đèn là một trong những phát minh lâu đời của nhân loại. Nhờ có phát minh này, loài người đã dần kiểm soát, chế ngự được lửa không chỉ nhằm phục vụ lợi ích cuộc sống mà còn tạo cho đời sống tinh thần của mình ngày càng phong phú và có ý nghĩa hơn. Ở Việt Nam, đèn được chế tác cách ngày nay hàng ngàn năm. Đèn dùng để giữ lửa phục vụ đời sống sinh hoạt như thắp sáng, sưởi ấm… đồng thời đóng vai trò quan trọng trong nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng; gắn bó với các không gian tâm linh của người Việt Nam. Thông qua trưng bày “Đèn cổ Việt Nam”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn giới thiệu với công chúng trong và ngoài nước về cấu tạo, kỹ thuật chế tác, cách thức, chức năng sử dụng đèn cổ ở Việt Nam cùng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ẩn chứa trong bộ sưu tập.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trân trọng cảm ơn đại diện các cơ quan thông tấn báo chí đã quan tâm và tới dự!

Để phục vụ cho công tác lưu trữ thông tin, Bảo tàng Lịch sử quốc gia rất mong các đồng chí phóng viên vui lòng gửi lại bài viết đã đăng trên báo theo địa chỉ:

Lê Thị Vũ Hằng

Phòng Thông tin truyền thông, Bảo tàng Lịch sử quốc gia

ĐT: 0916041897; (84.4) 38253518

Email: hangbtlsqg@yahoo.com.vn, truyenthongbtlsqg.vn@gmail.com

BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không qua lời kể nhân chứng

"Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" qua lời kể nhân chứng

  • 17/12/2012 16:42
  • 3263

Trận “Điện Biên Phủ trên không” là tên gọi trận đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm, từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 12 năm 1972.