Thứ Bảy, 18/01/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/12/2012 16:42 3263
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Trận “Điện Biên Phủ trên không” là tên gọi trận đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm, từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 12 năm 1972.

Khi Hội nghị Paris - Hội nghị đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương đi vào bế tắc, Chính phủ Mỹ đã quyết định tiến hành đợt ném bom với tính chất hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc hòng lấy lại thế mạnh trên bàn đàm phán. Đây là một trong những cuộc tập kích máy bay có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh thế giới và là đợt ném bom dữ dội nhất trong lịch sử chiến tranh ở Việt Nam.

Sự kiện 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 tại Hà Nội

Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2012), chiều 16/12/2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức Chương trình giao lưu với chủ đề “Ký ức - Hà Nội 12 ngày đêm”.

Tham dự có các vị khách mời: ông Trịnh Ngọc Chung - Bí thư đoàn TNCS Hồ Chí Minh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; TS. Vũ Quốc Hiền – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, TS.Vũ Mạnh Hà – Phó Giám đốc Bảo tàng LSQG; PGS -TS Vương Dương Minh - Hiệu trưởng trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành; Đại tá Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Bảo tàng Phòng không Không quân; Ths. Nguyễn Anh Minh – Phó Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch; Đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; các thầy cô giáo và hơn 400 học sinh Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành. Tham gia buổi giao lưu, còn có đông đảo công chúng thủ đô. Những vị khách mời và cũng là nhân chứng của buổi giao lưu gồm Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Trung tướng Phạm Tuân; GS. Đỗ Doãn Đại - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thời kỳ 1969 - 1983; Đại tá, Nhà báo Nguyễn Xuân Mai - Nguyên Tổng biên tập Báo Phòng không Không quân. Họ là những nhân chứng lịch sử đã từng chứng kiến, tham gia chiến đấu và nghiên cứu về sự kiện lịch sử 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972.

TS. Vũ Mạnh Hà - PGĐ Bảo tàng Lịch sử quốc gia phát biểu tại buổi giao lưu

Nhà Sử học Dương Trung Quốc đã phân tích hoàn cảnh lịch sử, quy mô cũng như tính chất ác liệt với mục tiêu hủy diệt toàn bộ Thủ đô Hà Nội, TP Hải Phòng và nhiều TP, thị xã trung tâm các tỉnh thành Miền Bắc của kế hoạch ném bom bằng máy bay B.52 của Mỹ. Theo ông, cuộc tập kích ném bom hủy diệt vào Hà Nội, Hải Phòng (hay còn gọi là chiến dịch LineBlacker II) năm 1972 của Đế quốc Mỹ không chỉ thuần túy là một chiến dịch quân sự, dùng vũ khí để đè bẹp đối phương, tiêu diệt đối phương trên chiến trường mà quan trọng hơn là đè bẹp ý chí của dân tộc Việt Nam. Đây là một cuộc tập kích bằng không quân có quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại với việc sử dụng 4.500 lần chiếc máy bay, trong đó có 663 lần B52, riêng Hà Nội, chúng đã sử dụng 444 lần chiếc B52, ném xuống thủ đô hơn 4 vạn tấn bom đạn. Nhà Sử học Dương Trung Quốc còn nói về truyền thống tự hào chống giặc ngoại xâm của dân tộc từ xưa của cha ông ta đã giành được những chiến công to lớn trên mặt đất như Chi Lăng, Xương Giang, Đống Đa; những chiến công hiển hách trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử và giờ đây mặt trận mới đã mở ra trên bầu trời của Tổ quốc, đó là mặt trận trên không. Điện Biên Phủ trên không chính là chiến công thể hiện rõ đóng góp to lớn của thời đại Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của dân tộc ta không những trên đất liền, biển đảo mà còn trên bầu trời của Tổ quốc.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc; Trung tướng Phạm Tuân tại buổi giao lưu (từ trái sang phải)

Một nhân vật lịch sử khác, Trung tướng Phạm Tuân, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, người phi công đầu tiên bắn rơi máy bay B52 cũng bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hào hùng.Trung tướng kể lại những khó khăn khi bắn hạ B52 bằng máy bay và chiến công bắn hạ chiếc máy bay đầu tiên trên bầu trời Hà Nội của mình. Trung tướng Phạm Tuân cho biết B52 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa, cự ly bay hàng chục ngàn km, mang tới 30 tấn bom, xen kẽ bom tấn, bom tạ, bom bi, một tốp 3 chiếc B52 có thể san bằng diện tích 2km2. Vì vậy, B52 được dùng để ném bom chiến lược các mục tiêu diện rộng như sân bay, thành phố, trung tâm chính trị, bến cảng và khi bị đánh thì hầu như các mục tiêu bị phá hủy. Bom tấn phá hầm ngầm, bom tạ phá hầm trú ẩn, bom bi sát thương người khi không còn chỗ trú ẩn. Ngoài ra, B.52 còn sử dụng cả tên lửa, đồng thời, B.52 lại được bảo vệ bởi các máy bay tiêm kích đánh vào trận địa tên lửa, ném bom các sân bay không cho tiêm kích của ta cất cánh.

Đó vẫn chưa phải là những khó khăn lớn nhất, theo Trung tướng Phạm Tuân, vấn đề nan giải nhất khi đó là hầu hết các sân bay chiến đấu của ta đã bị Không quân Mỹ phá hủy rất nặng nề. “Những thời điểm như vậy thể hiện trí tuệ, sáng tạo của dân tộc và không quân Việt Nam. Chúng ta phải cất cánh trong những điều kiện khó khăn, và mệnh lệnh là khi B52 vào, phải cất cánh lên được để đánh. Điều này đòi hỏi ý chí, nhưng ý chí không đủ, ta phải sáng tạo. Ví dụ ta làm rất nhiều sân bay dự bị, hoặc cất cánh trên đường băng phụ. Thậm chí, có khi chúng tôi đeo thêm 2 quả tên lửa bổ trợ, và khi máy bay đeo thêm phải cất cánh trên đường băng chỉ 200m so với đường băng 1km thông thường. Chúng ta dự đoán được những phức tạp, khó khăn của tình hình và khắc phục được”, Trung tướng Phạm Tuân hào hứng nhớ lại.

Ông còn nhắc tới nhân tố quyết định nhất đưa đến thắng lợi của quân và dân ta trong kỳ tích “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đó là đường lối lãnh đạo, sự nhìn xa trông rộng của Đảng và Bác Hồ, đó là cốt lõi xuyên suốt, định hướng cho tổ chức xây dựng lực lượng và bồi dưỡng con người; sức mạnh và ý chí, bản lĩnh của người chiến sĩ, nhân dân Việt Nam.

Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Mai - người trực tiếp đưa tin về cuộc chiến 12 ngày đêm cuối năm 1972, ông đã chia sẻ sự may mắn được chứng kiến và trải qua thời khắc không thể nào quên khi chiếc máy bay B52 đầu tiên của giặc Mỹ bị lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô bắn rơi.

Giáo sư Đỗ Doãn Đại; Đại tá, nhà báo Nguyễn Xuân Mai; đại diện học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành - Hà Nội tại buổi giao lưu

May mắn được sinh ra trong thời bình, chỉ biết đến chiến tranh qua những bộ phim và những trang sách, bạn Việt Hà - Học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Tất Thành xúc động bày tỏ suy nghĩ của mình: "Qua những thước phim, hình ảnh, câu chuyện mà các bác chia sẻ với các bạn học sinh, em cảm thấy rất khâm phục ý chí chiến đấu, trí tuệ, bản lĩnh, nghị lực phi thường của các bác. Và xin hứa ghi nhớ công lao, phấn đấu học tập, rèn luyện đạo đức để đóng góp một phần nhỏ bé trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phát huy những truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại cho chúng em ngày hôm nay”.

Chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta cuối năm 1972 đã buộc Đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975. “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc, là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược bằng tất cả sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn của quân và dân Việt Nam.

40 năm đã trôi qua, nhưng những ngày tháng hào hùng và đầy thương đau của Hà Nội 12 ngày đêm cuối năm 1972 vẫn còn mãi trong ký ức và là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam về một trong những trang sử vàng của dân tộc.

Qua buổi giao lưu này, chúng ta hiểu thêm về quá khứ hào hùng cũng như tầm vóc to lớn của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân ta năm 1972 lịch sử; qua đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam tinh thần yêu nước, giữ gìn và phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”./.

Lê Khiêm

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài viết khác

Sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề: “Bầu trời Hà Nội - 12 ngày đêm”.

Sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” với chủ đề: “Bầu trời Hà Nội - 12 ngày đêm”.

  • 16/12/2012 22:21
  • 3047

“Điện Biên Phủ trên không” là trận đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào Thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 (từ ngày 18 - 29/12/1972).